Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với tỉnh Thanh Hóa trong hai ngày 9-10/9 |
Phát huy lợi thế có cảng biển, sân bay
Ngày 10/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh Thanh Hoá Trịnh Văn Chiến cùng Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Đình Xứng đã chủ trì buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ GTVT và tỉnh Thanh Hoá. Trước đó, chiều 9/9, đoàn công tác Bộ GTVT đã kiểm tra thực tế tại cảng hàng không Thọ Xuân và cảng Nghi Sơn.
Ông Lê Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, theo quy hoạch, Cảng Nghi Sơn có lượng hàng thông qua đến năm 2020 đạt 44 triệu tấn/năm, năm 2030 đạt 74 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện Cảng mới được xây dựng 8 bến/40 bến, với luồng tầu ra vào cảng dài 4,6km, lượng hàng thông qua cảng ước đạt 19 triệu tấn/năm.
Hiện nay nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào hoạt động, Thanh Hoá đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng các bến cảng và nạo vét luồng tầu đi các bến tiếp theo.
Ngoài ra, hiện dự án nạo vét luồng chính tàu ra, vào cảng Nghi Sơn do Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 3.500m, tiếp nhận tàu có tải trọng 30.000DWT, tổng mức đầu tư 3.026 tỷ đồng. Nhưng hiện toàn bộ dự án chưa được bố trí vốn để đầu tư, gây khó khăn trong phát triển hạ tầng cảng biển Nghi Sơn.
Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ GTVT và tỉnh Thanh Hóa |
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết năm 2017, Cục Hàng hải đã báo cáo Bộ GTVT phương án nạo vét luồng tàu từ vị trí luồng hiện hữu đến các cầu cảng 5,6 và bến cảng khu gang thép Nghi Sơn theo hình thức PPP với kinh phí theo hợp đồng BLT là 218 tỷ đồng, tuy nhiên Bộ Tài chính không thống nhất nên hiện nay Cục Hàng hải vẫn đang nghiên cứu phương án về nguồn vốn, hình thức đầu tư phù hợp để báo cáo Bộ xem xét cho phép triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ báo cáo với Bộ trưởng Bộ GTVT về các dự án giao thông đang triển khai ở Thanh Hóa |
Theo Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ, Cảng Nghi Sơn không chỉ phục vụ việc luân chuyển hàng hoá của Khu kinh tế Nghi Sơn và Thanh Hoá, mà hiện còn là cảng cửa ngõ của khu vực vùng nam Thanh, bắc Nghệ và có nhiều ưu thế để phát triển thành cảng của khu vực.
Để phát triển cảng biển Nghi Sơn, địa phương phải phối hợp cùng Bộ GTVT nghiên cứu, dự báo lượng hàng hoá về cảng bằng cách khảo sát kỹ chân hàng, chú ý đất dành cho hậu cần cảng - vấn đề sống còn của cảng.
“Trong điều kiện khó khăn về vốn, cần vận dụng cơ chế, cố gắng tạo luồng tàu để đáp ứng nhu cầu khai thác cảng biển, chưa vội đầu tư cảng biển. Cầu cảng đầu tư không khó, nâng năng lực khai thác mới là quan trọng. Bài học từ cảng Hải Phòng, khi đã có luồng, nhà đầu tư tranh nhau đầu tư cảng”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đồng tình việc cần khảo sát kỹ lượng hàng ra vào cảng để có kế hoạch phát triển tiếp theo; cần ưu tiên cho việc mở rộng luồng để nâng cao năng lực khai thác. Cảng Nghi Sơn là cửa ngõ phát triển của các tỉnh miền Trung, có nhiều tiềm năng phát triển để thu hút lưu lượng vận chuyển, tạo công ăn việc làm. Do đó, cần thiết phải 1 cầu cảng container ở đây và cần một kho bãi logistic để phục vụ hậu cần cảng, khai thác tốt nhất các ưu thế của cảng Nghi Sơn.
Trước đó, ngày 9/9, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng đoàn công tác đã kiểm tra sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) |
Theo Bộ trưởng, cảng hàng không Thọ Xuân (CHK) còn nhiều tiềm năng khai thác bay dân sự, cần nâng cấp thành sân bay quốc tế. Sự kết nối giữa CHK Thọ Xuân và cảng biển Nghi Sơn là điều kiện để Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển, tạo bước đột phá để thu hút nhà đầu tư.
Đường kết nối giữa CHK Thọ Xuân và Nghi Sơn hiện rất tốt, mang tầm nhìn chiến lược, có thể có nhiều khu công nghiệp xuất hiện trên tuyến đường này, Bộ trưởng đồng ý với đề xuất của địa phương nâng cấp tuyến đường thành quốc lộ và giao các cơ quan chức năng thuộc Bộ phối hợp với địa phương thực hiện các thủ tục.
“Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để Thanh Hoá phát huy các lợi thế này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ưu tiên khắc phục thiệt hại giao thông do mưa lũ
Theo ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, từ đầu năm đến nay, chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão số 3, số 4, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ địa phương chịu thiệt hại nặng nề tới hàng trăm tỷ đồng.
Bộ trưởng làm việc tại Cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn |
Bộ trưởng ghi nhận và chia sẻ với những thiệt hại do mưa lũ mà Thanh Hoá đang phải gồng mình khắc phục và giao các cơ quan thuộc Bộ ưu tiên số 1 cho việc khắc phục hậu quả mưa lũ từ bố trí kinh phí đến tăng cường kiểm tra giám sát. Về lâu dài phải thuê tư vấn, giao các cơ quan liên quan nghiên cứu 1 số vị trí xung yếu thường xảy ra sụt trượt để có phương án lâu dài, bền vững.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thọ cũng yêu cầu Sở GTVT Thanh Hóa tập trung hoàn thiện thủ tục hồ sơ công việc khắc phục hậu quả mưa lũ theo khối lượng, làm đến đâu hoàn chỉnh hồ sơ đến đấy để tập trung xử lý bước 1 sớm nhất.
Về đề nghị của tỉnh Thanh Hóa cải dịch QL217B đoạn qua khu di tích Lăng miếu Triệu Tường (xã Hà Long, huyện Hà Trung), Bộ trưởng đồng ý và cho biết, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đoạn tuyến này để bảo tồn theo quy định của Luật Di sản.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với tỉnh Thanh Hóa khẩn trương xử lý khắc phục tuyến đường lên Mường Lát vì đây là ưu tiên số 1 |
Với dự án tuyến đường bộ ven biển đi qua Thanh Hoá, Bộ trưởng đề nghị địa phương bám sát chủ trương của Chính phủ, vướng ở đâu cùng phối hợp để đề xuất, giải quyết để sớm triển khai. Hiện 98,5km cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Thanh Hóa dài 98,5km, Bộ đã hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, cố gắng đầu năm 2019 có thể khởi công một số đoạn tuyến.
Về dự án nâng cấp QL15 hiện đang thiếu vốn, Bộ trưởng đề nghị trước mắt, Tổng cục Đường bộ VN cùng Sở GTVT Thanh Hóa rà soát, đảm bảo cho bà con đi lại an toàn trong điều kiện hiện nay. Hiện Bộ đã ký văn bản trình Chính phủ 25 dự án đầu tư vốn trung hạn, trong đó có dự án này.
Hiện nay nhiều tuyến đường quốc lộ bị hư hỏng nặng, Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị các cấp tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo ATGT |
Về việc thanh thải dải đá ngầm tuyến sông Mã đoạn từ Km17 - Km53 (kinh phí khoảng 50 tỷ đồng), Bộ trưởng giao Cục Đường thuỷ nội địa VN phối hợp với địa phương triển khai các thủ tục xin cấp kinh phí, sớm triển khai dự án để đảm bảo ATGT, thúc đẩy phát triển vận tải thủy.
Với ga đường sắt Khoa Trường (huyện Tĩnh Gia) đã xuống cấp, hệ thống ga chưa có đường xếp dỡ hàng hóa và bãi hàng, Bộ trưởng giao ngành đường sắt phải nghiên cứu mở rộng quy mô ga, kết nối vận tải với cảng.
Tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia: 6 tháng đầu năm, Thanh Hoá là tỉnh đứng thứ 8 trong cả nước về giảm tỷ lệ số người chết do TNGT, nhưng tình hình trật tự ATGT đường sắt diễn biến rất phức tạp, số lượng xe máy điện, xe đạp điện tăng. Đề nghị địa phương cùng ngành đường sắt rà soát, tăng cường cảnh báo cảnh giới đường ngang và đóng những điểm có thể đóng; giải toả hành lang giao thông đường bộ; tăng cường TTKS, xử lý vi phạm giao thông… để kéo giảm TNGT trên địa bàn.