Giao thông

Kết nối đồng bộ hạ tầng phát triển logistics

18/10/2017, 06:26

Để phát huy hiệu quả hoạt động chuỗi logistics, yêu cầu đặt ra phải kết nối đồng bộ các loại hình, phương thức GT…

60

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Trao đổi với Báo Giao thông, các chuyên gia, nhà quản lý đều có chung nhận định, tiềm năng và lợi thế phát triển logistics tại Việt Nam nói chung và khu vực miền Trung với đầu tàu Đà Nẵng nói riêng rất rộng mở. Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng đó, một trong những yêu cầu quan trọng là tăng cường kết nối đồng bộ hạ tầng, các loại hình và phương thức giao thông…

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Với đặc thù của mình, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có mạng lưới sông biển, kênh rạch, vận tải thủy nội địa dày đặc. Thời gian qua, Bộ GTVT tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, công bố luồng tuyến, thủ tục ra vào các cảng, vận tải ven biển, qua đó kích cầu vận tải biển từ Quảng Ninh đến Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng mỗi năm đạt 30 triệu tấn. Đồng thời, thí điểm xây dựng các trung tâm logistics, hậu cần cảng biển. Lĩnh vực đường bộ tại vùng đang được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt, khu vực Đà Nẵng hình thành các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, La Sơn - Túy Loan, mở rộng QL1, hầm Hải Vân (giai đoạn 2); phát triển hạ tầng hàng không, đường sắt… Do đó, để phát huy hiệu quả hoạt động của chuỗi logistics, yêu cầu đặt ra phải kết nối đồng bộ các loại hình, phương thức giao thông…

61

PGS. TS. Trần Đình Thiên

PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam

Đến nay, chân dung Đà Nẵng theo đúng hướng mà mọi người mong và chờ đợi: Một đô thị biển theo xu hướng hiện đại, hội nhập quốc tế và liên kết vùng, một thành phố đáng sống, đang có thế vươn mạnh mẽ, với tầm vươn đã định hình… Với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của Trung ương, Đà Nẵng đã có một “cơ ngơi hội nhập” gọi là tạm ổn: Sân bay quốc tế của vùng đang được nâng cấp và hiện đại hóa, cảng biển với tên gọi đầy chất lãng mạn “Tiên Sa” đang tiên phong cải tạo với cách tiếp cận tái cơ cấu mang tính đột phá. Cùng với đó, các tuyến giao thông liên kết, tuyến đường dọc biển, tuyến nối Đà Nẵng với các địa phương miền núi, với Tây Nguyên được nâng cấp, từng bước đồng bộ hóa, hình thành mạng lưới kết nối vùng, tạo cơ sở để xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm logistics của vùng. Đà Nẵng cần phát huy, chứng tỏ năng lực, tận dụng tiềm năng và lợi thế để thực thi sức mạnh Trung tâm - thủ phủ của vùng duyên hải miền Trung. Trong đó, với hạ tầng giao thông cần nhanh chóng xây dựng và phát triển trung tâm logistics vùng, gắn với cảng biển và cảng hàng không quốc tế.

62

Ông Đỗ Xuân Diện

Ông Đỗ Xuân Diện, Trưởng BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai

Nói đến logistics chúng ta hay hình dung đến vận tải thủy, đường biển. Tuy nhiên, xét bản chất, logistics hình thành chuỗi giá trị giao nhận - vận chuyển, kết nối phương thức vận tải: hàng không, đường sắt, đường bộ, đường biển. Không phải ngẫu nhiên trước đây ở Đà Nẵng hay nhiều tỉnh thành có những tuyến đường sắt nối về các cảng biển, khu vực sân bay… Quảng Nam đang tính tới các giải pháp chiến lược xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông kết nối để hình thành chuỗi logistics kiểu mẫu, khép kín tương thích các loại hình giao thông. Đến nay, tỉnh đẩy mạnh kết nối tuyến đường ven biển, trục cao tốc, QL1, mở rộng hạ tầng cảng biển, khơi thông luồng lạch để đón tàu có trọng tải lớn ra vào làm hàng. Mô hình logistics ở các nước không mới nhưng với Quảng Nam đó sẽ là điểm nhấn cho ngành GTVT, là giải pháp chiến lược, góp phần thúc đẩy đầu tư”…

Bà Nguyễn Thị Nghiệp, thành viên thường trực HĐQT Công ty CP Cảng Quy Nhơn

Xu hướng phát triển cảng biển hiện nay là hướng đến những dịch vụ giá trị gia tăng (GTGT) khác ngoài những dịch vụ truyền thống. Dịch vụ GTGT càng được mở rộng, càng tạo thuận lợi cho cảng biển trở thành một trung tâm logistics. Trong kế hoạch phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cảng Quy Nhơn xác định mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển cảng theo hướng hiện đại, với hai trụ cột chính: Đẩy mạnh dịch vụ khai thác cảng biển bao gồm dịch vụ tàu container, tàu hàng có trọng tải lớn; Hình thành và phát triển dịch vụ logistics bao gồm dịch vụ kho bãi, đóng rút hàng, vận tải, khai báo hải quan… Theo đó, cảng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy vận hành chuỗi logistics tại cảng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành logistics, góp phần xây dựng cảng Quy Nhơn trở thành trung tâm logistics trọng điểm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.