Hạ tầng

Kết nối giao thông vì một GMS thịnh vượng

30/03/2018, 08:22

Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh 6 nước GMS chiều nay sẽ bàn nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có giao thông.

14

Một đoạn đang thi công trên tuyến hành lang cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái - Bằng Tường

Xây dựng hạ tầng giao thông chất lượng cao

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 6 và Hội nghị Cấp cao khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ 10 đang diễn ra tại Hà Nội, chiều nay, Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS thu hút nhiều đại biểu tham dự với các chủ đề quan trọng. Trong đó, vấn đề phát triển hạ tầng giao thông và tài chính cho hạ tầng giao thông được nhiều nước trong khu vực và các tổ chức, định chế tài chính quan tâm.

Với những thành tựu trong phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn vừa qua, đại diện Bộ GTVT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đem tới diễn đàn những thông điệp quan trọng.

Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều khuôn khổ hợp tác, trong đó có khuôn khổ hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Đây là khuôn khổ hợp tác do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bảo trợ và có 6 nước thành viên tham gia gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.Kết nối GTVT là ưu tiên hàng đầu trong Chương trình GMS. Chiến lược vận tải GMS khuyến nghị mở rộng phạm vi kết nối giao thông đường bộđường sắt; tăng cường tập trung phát triển vận tải đa phương thức, đảm bảo các đánh giá về biến đổi khí hậu được lồng ghép vào các dự án phát triển giao thông.Đặc biệt, các nước thành viên GMS cam kết triển khai hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới các nước GMS, qua đó thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế. Biến hạ tầng các nước thành các hành lang kinh tế, tạo công ăn việc làm, phát triển du lịch và thương mại, tạo sự gắn kết về lợi ích và hòa bình trong khu vực.

Để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao (đặc biệt, là hạ tầng giao thông) và xác định đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2018-2023 toàn ngành ước tính khoảng 1.015.000 tỷ đồng, tương đương 48 tỷ USD. Trong đó, khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng (14 tỷ USD) được xác định sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách trong nước và nước ngoài, đặc biệt là vốn nước ngoài.

Việt Nam đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống đường bộ (đặc biệt là cao tốc) và đường sắt đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mekong mở rộng và đường sắt xuyên Á; hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông quan về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực; xây dựng hệ thống giao thông hiện đại tại các đô thị lớn...

Để thực hiện mục tiêu trên, những nhóm giải pháp chính được đưa ra là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, phát huy tính đồng bộ kết nối của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư giữa các lĩnh vực giao thông; tập trung vốn cho các công trình có tính lan tỏa, tạo sự kết nối giữa các phương thức vận tải, giữa các công trình trong cùng hệ thống, tại các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ quốc tế...

Kết nối vận tải xuyên biên giới, giảm chi phí logistics

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh GMS 6 lần này, giữa tháng 3/2018, Bộ GTVT Việt Nam phối hợp với ADB đã tổ chức thành công Hội nghị Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 6 thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới Tiểu vùng Mekong mở rộng (Hiệp định GMS-CBTA) với việc 6 nước thông qua Bản ghi nhớ thực hiện “Thu hoạch sớm”, chính thức thực hiện từ tháng 6/2018. 

Như vậy, cùng với nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối giữa các nước GMS bằng các tuyến hành lang kinh tế, việc đạt được thỏa thuận và thống nhất thực hiện Hiệp định GMS-CBTA sẽ mở ra kết nối vận tải, qua đó thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá: “Nội dung vừa được 6 nước thống nhất đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý cho phép nhiều loại xe vận chuyển hàng hóa và người xuyên biên giới toàn vùng, nhiều hàng hóa sẽ được vận chuyển đường bộ thay vì đường biển, qua đó sẽ giảm được chi phí logistics”.

Cụ thể, mỗi nước thành viên GMS được phát hành tối đa 500 Giấy phép vận tải đường bộ  khu vực GMS và Tờ khai tạm nhập tái xuất đối với phương tiện vận tải người và hàng hóa có đăng ký, sở hữu hoặc hoạt động tại quốc gia đó; quy định phương tiện có thể vận chuyển trên tất cả các tuyến đường và qua tất cả các cửa khẩu được nêu trong Nghị định thư 1 của Hiệp định…

Việt Nam kết nối vận tải xuyên biên giới qua các tuyến nào?

Trong khuôn khổ hợp tác GMS, Việt Nam đã và đang hoàn thành các hành lang đối ngoại quan trọng.

Với Trung Quốc, chúng ta đã có cao tốc Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (từ tháng 12/2015). Trước năm 2020, sẽ khai thác cao tốc Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, và tiếp theo là cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái - Bằng Tường. 

Với Lào, có hành lang Đông - Tây xuất phát từ cảng Đà Nẵng - Đông Hà theo QL1 - Lao Bảo rồi theo QL9 của Lào - Thái Lan - cảng Dawei của Myanmar dài khoảng 1.450km. Đây là tuyến hành lang quan trọng, rút ngắn cự ly vận chuyển bằng đường bộ từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương và ngược lại, di chuyển chỉ mất 3 ngày bằng đường bộ thay vì đi đường biển mất 10 ngày. Hành lang Đông - Tây thứ hai chạy qua QL217 đang được ADB hỗ trợ chuẩn bị hoàn thành.

Việt Nam và Lào cũng đã đưa ra sáng kiến lập tuyến hành lang từ Myanmar đi Thái Lan tới Lào (qua cầu Hữu nghị số 5 giữa Lào, Thái Lan) và chạy theo đoạn Pặc San - Thanh Thủy - Vinh về cảng Vũng Áng. Đây là một nhánh trong cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn, một cao tốc chiến lược được Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào quyết tâm xây dựng.

Với Campuchia, hành lang phía Nam và hành lang ven biển phía Nam đã được ADB hỗ trợ xây dựng. Đối với tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Phnom Penh dài 180km, Việt Nam và Campuchia vừa ký kết thúc đẩy đầu tư xây dựng. Từ TP HCM kết nối với cảng Cái Mép - Thị Vải và từ Phnom Penh sẽ kết nối tiếp sang Thái Lan và hành lang phía Nam. 

Việt Nam chuẩn bị chu đáo hội nghị thượng đỉnh GMS 6

Ngày 29/3, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội diễn ra cuộc họp quan chức cao cấp (SOM) hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS). Cuộc họp do Trưởng đoàn Việt Nam và đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á đồng chủ trì với sự tham dự của đại diện các nước: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan. Đây là cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào ngày 31/3/2018.

Cuộc họp SOM GMS tập trung rà soát lại công tác chuẩn bị, hoàn thành dự thảo cuối cùng các văn kiện để trình lên các nhà lãnh đạo GMS thông qua. Các nước đánh giá cao công tác điều phối và chuẩn bị hội nghị của Việt Nam. Hội nghị cũng rà soát nội dung các chiến lược hợp tác ngành về giao thông, du lịch, nông nghiệp và môi trường, báo cáo kết quả 25 năm hợp tác GMS, báo cáo hợp tác thương mại điện tử GMS là các văn kiện khác sẽ được Hội nghị thượng đỉnh GMS lần thứ 6 ghi nhận.

Phát biểu tại cuộc họp, trưởng đoàn Việt Nam cảm ơn sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của các nước thành viên GMS với nước chủ nhà Việt Nam, cũng như sự hỗ trợ hiệu quả của Ngân hàng Phát triển châu Á trong quá trình chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh GMS 6. Quan chức cao cấp Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, trọng thị, chuyên nghiệp cả về nội dung, lễ tân, hậu cần cũng như các sáng kiến của Việt Nam, đồng thời bày tỏ tin tưởng hội nghị sẽ thành công tốt đẹp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.