Thị trường

Kết nối giao thương, nâng tầm giá trị cà phê Buôn Ma Thuột

11/03/2023, 17:33

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế là cầu nối, nơi gặp gỡ của các doanh nghiệp góp phần nâng tầm giá trị hạt cà phê.

Từng bước nâng cao giá trị hạt cà phê

Ngày 11/3, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bộ Công thương tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển”.

img

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 với chủ đề “Cà phê Buôn Ma Thuột - Kết nối đam mê và khát vọng phát triển”. Ảnh: H.Y

Hội nghị kết nối giao thương quốc tế là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8. Hội nghị là cầu nối thiết thực cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sản phẩm cà phê có cơ hội được gặp gỡ các đối tác, các nhà nhập khẩu, các chuỗi cung ứng cà phê lớn trên toàn cầu.

Từ đó, thúc đẩy giao thương, mở rộng hợp tác trong tiêu thụ cà phê, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ và nhận diện cà phê Buôn Ma Thuột đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; phát triển sản xuất cà phê bền vững, nâng cao giá trị, thu nhập và đời sống của người nông dân trồng cà phê.

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đắk Lắk với diện tích tự nhiên hơn 1,3 triệu ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp hơn 627.000 ha lớn nhất cả nước, quỹ đất đỏ bazan chiếm khoảng 40% diện tích rất thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị cao như: cây cà phê, cây cao su, hồ tiêu, sầu riêng, bơ…

img

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Y

Trong đó, diện tích cây cà phê khoảng 210.000ha, sản lượng bình quân hơn 550.000 tấn, cao nhất cả nước với lượng cà phê xuất khẩu hơn 380.000 tấn, đạt kim ngạch hơn 800 triệu USD, chiếm hơn 21% về lượng và 20% về kim ngạch trong tỷ trọng xuất khẩu cà phê cả nước.

Tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023, đã 10 biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến lĩnh vực cà phê được ký kết. Qua đó, đã mở ra cơ hội giao thương cho ngành hàng cà phê, góp phần khẳng định giá trị của hạt cà phê.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Đắk Lắk sở hữu tiềm năng lớn về diện tích, sản lượng, chất lượng cùng nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư các cơ sở chế biến, cải tiến công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ cà phê, góp phần nâng cao giá trị và tăng thêm sự phong phú cho mặt hàng cà phê.

Bên cạnh việc duy trì hoạt động xuất khẩu cà phê nhân truyền thống, từng bước nâng cao số lượng và chất lượng xuất khẩu cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản của tỉnh, đưa cà phê Đắk Lắk nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng ngày ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ cà phê thế giới.

Tập trung phát triển, thúc đẩy chế biến sâu

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho biết, trong 30 năm qua, ngành cà phê Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển.

Năm 1992 sản lượng cà phê Việt Nam chỉ khoảng 200.000 tấn đến năm 2022 đã được 1,8 triệu tấn, đạt được kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD. Đó là nỗ lực rất lớn từ các công ty, người nông dân và các hợp tác xã trồng cà phê.

img

Ông Lê Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk phát biểu tham luận tại hội nghị. Ảnh: H.Y

Hiện nay, cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dừng lại ở chế biến thô và đang chuyển dịch tư duy sản lượng ra chất lượng và khẳng định vị thế cà phê Việt Nam, chất lượng cà phê Việt Nam.

“Để ngành cà phê Việt Nam từ 4 tỷ đô lên 10 tỷ đô, trở thành ngành chuyên nghiệp có giá trị và đa giá trị, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Con đường duy nhất là cà phê Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng, cũng như ngành cà phê Việt Nam phải tập trung vào phát triển, thúc đẩy chế biến sâu.

Hiện nay, tỷ lệ chế biến sâu của chúng ta còn quá nhỏ, manh mún chưa tập trung”, ông Huy nhìn nhận

Theo ông Huy, trong quá trình phát triển, Simexco biết rằng kêu gọi chế biến sâu là điều quan trọng, nhưng cạnh tranh về logistics đang là rào cản rất lớn.

Hiện nay, chưa có lợi thế cạnh tranh về Logistics, các doanh nghiệp mong muốn rằng Đắk Lắk quyết liệt hơn trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông.

Đặc biệt là trục kết nối Đông - Tây, trong đó mong rằng đường cao tốc Khánh Hòa - TP Buôn Ma Thuột sớm khởi công xây dựng đưa vào vận hành sẽ tạo được lợi thế rất lớn để phát triển.

img

Hiện nay, cà phê Việt Nam xuất khẩu chủ yếu dừng lại ở chế biến thô và đang chuyển dịch tư duy sản lượng ra chất lượng, phát triển chế biến sâu. Ảnh: H.Y

Bên cạnh đó, cần mở rộng các trung tâm chế biến, khu công nghiệp, khu chế suất, các trung tâm về logistics để thu hút các nhà đầu tư.

Với vị thế là đơn vị đang quản lý vùng cung ứng trên 40.000 hộ nông dân và đang tiếp tục mở rộng theo tiêu chí liên kết xanh, bền vững.

Trong thời gian tới, công ty sẵn sàng kết hợp với các đối tác, đối với đơn vị muốn mở rộng nhà máy chế biến sâu tại Đắk Lắk.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương cho biết, cà phê là một trong những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao trong nhóm hàng nông sản.

Với vị thế là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng xuất khẩu đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị kim ngạch trên 4 tỷ USD.

img

Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm cà phê tại hội nghị. Ảnh: H.Y

Trong đó, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của tỉnh Đắk Lắk đạt khoảng 813 triệu USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước.

Theo ông Phú, tiềm năng và nguồn lực trong việc xuất khẩu cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê của tỉnh Đắk Lắk vẫn còn rất lớn, các ngành chức năng và các doanh nghiệp địa phương cần phải đưa ra các giải pháp thích hợp, như tăng cường hỗ trợ cho các hộ nông dân, các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu hộ trợ nông dân.

Đồng thời nông dân cũng tự nâng cấp chính mình, khó hơn để hoàn thiện hơn. Về phía Bộ Công thương sẽ sẵn sàng phối hợp để quảng bá hiệu quả hơn nữa ngành cà phê của địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.