Quản lý

Kết nối GTVT ASEAN, phải kết nối cả thể chế chính sách

03/02/2015, 18:03

Chiều 3/2, Ban cán sự Đảng bộ GTVT họp bàn xây dựng Đề án tăng cường kết nối GTVT ASEAN.

IMG_5486
Đồng chí Đinh La Thăng - Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì buổi làm việc

Việt Nam là một trong 2 nước có tỷ lệ hoàn thành cam kết cao nhất

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ GTVT Phạm Thanh Tùng cho biết, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong 2 nước có tỷ lệ hoàn thành cao nhất (90%) các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong khi tỉ lệ trung bình của các nước là 82,1%. Việt Nam đã thực hiện các cam kết về hội nhập kinh tế khu vực và tích cực tham gia vào các hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN một cách toàn diện trong đó có GTVT.

Cụ thể, về kết nối hạ tầng giao thông, Việt Nam đã cơ bản thực hiện theo đúng các cam kết về kết nối mạng đường bộ ASEAN (AHN), phát triển cảng biển ASEAN, kết nối đường thủy nội địa với Campuchia. Đối với hoàn thành các tuyến đường sắt thuộc hệ thống đường sắt Singapore - Côn Minh, việc triển khai thực hiện khó hoàn thành theo tiến độ đã cam kết do thiếu nguồn vốn để triển khai thực hiện. Đây cũng là tình hình chung của các nước có cam kết thực hiện dự án này.

Liên quan đến việc kết nối thể chế, tạo thuận lợi cho vận tải, các nước ASEAN, ông Tùng khẳng định Việt Nam đang tích cực thực hiện các công việc cần thiết để tăng cường kết nối GTVT trong ASEAN. Tuy nhiên, với sự khác biệt lớn về điều kiện phát triển kinh tế, về các quy định pháp luật trong nước cũng như việc sẵn sàng của các nước ASEAN, việc thực hiện đầy đủ tất cả các hiệp định về tạo thuận lợi vận tải trong ASEAN vào năm 2015 là một nhiệm vụ đầy thách thức, cần có sự nỗ lực cao nhất của các nước. Đối với việc hình thành thị trường hàng không thống nhất ASEAN và thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN, nhìn chung đã triển khai được chương trình hành động theo lộ trình, ký kết các hiệp định/nghị định thư.

Làm gì để tăng cường kết nối GTVT ASEAN?

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải thực hiện lộ trình mở cửa bầu trời, không thể chậm trễ. Trước hết, phải khai thác các tuyến đường bay nội địa, có tính đến kết nối với các nước trong khu vực và thế giới.

Về đường thuỷ nội địa, Bộ trưởng yêu cầu ưu tiên giải quyết thể chế, cơ chế giữa Việt Nam – Campuchia.

Về hàng hải, tập trung kết nối các cảng, lưu ý tính toán các nguồn hàng lớn ở các nước.

Đối với đường bộ, ưu tiên tuyến đường có lưu lượng hàng lớn, không đầu tư dàn trải. Về đường sắt, tập trung kết nối tuyến Hải Phòng – Hà Nội – Côn Minh; hiện đại hoá đường sắt Bắc - Nam, ưu tiên đầu tư đường sắt khổ đôi 1.435, tập trung trước vào các tuyến Hà Nội – Vinh, TP.HCM - Nha Trang cũng như TP.HCM - Biên Hoà, TP.HCM – Cần Thơ.

Theo Đề án tăng cường kết nối GTVT tại ASEAN đến 2020 và tầm nhìn 2030 đang được xây dựng, về đường bộ sẽ tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo các tuyến quốc lộ để đảm bảo hoàn thiện mạng đường bộ ASEAN, GMS trên lãnh thổ VN; Đưa các tuyến đường bộ cao tốc, các tuyến tránh có hướng tuyến phù hợp như một phần của mạng đường bộ ASEAN; Thực hiện đầy đủ nội dung các Hiệp khung ASEAN về tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa và hành khách; Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN…

Về đường sắt, ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến TP HCM - Lộc Ninh trước năm 2020; Sớm hoàn thành nghiên cứu khả thi tuyến Mụ Giạ - Tân Ấp - Vũng Áng và tìm kiếm nguồn vốn triển khai thực hiện; Ưu tiên đầu tư nâng cấp hiện đại hóa đường sắt Bắc Nam; Nghiên cứu xây dựng mới tuyến đường sắt 1.435mm Hải Phòng - Lào Cai, Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đối với đường thuỷ nội địa, phối hợp với Campuchia thực hiện nâng cấp tuyến đường thủy, hoàn thành trước năm 2020; Đảm nhiệm tốt vai trò nước điều phối xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể hệ thống đường thủy trong ASEAN giữa Việt Nam, Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan trong năm 2015.

Về hàng không, ông Tùng cho rằng cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp các cảng hàng không quốc tế từ nay đến 2020; Triển khai xây dựng giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành; Tiếp tục thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, phát triển hàng không tư nhân, hàng không giá rẻ; Khuyến khích các nhà đầu tư vào cảng hàng không Chu Lai và có cơ chế ưu đãi để thu hút các hãng HK mở tuyến bay đến cảng này

Đối với đường biển, ưu tiên phát triển năng lực vận tải kết nối giữa các cảng biển trọng điểm tại khu vực Cái Mép - Thị Vải với thị trường Campuchia; các cảng khu vực Hải Phòng với Tây Nam Trung Quốc; các cảng khu vực miền Trung với Lào, Thái Lan và Myanmar…

Muốn đối ngoại tốt thì đối nội phải mạnh

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Đinh La cho biết, ASEAN hình thành vào năm 2015 dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; đồng thời cam kết tích cực thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, qua đó đóng góp vào tiến trình hình thành cộng đồng. Muốn vậy, phải kết nối được GTVT.

“Kết nối GTVT phải thể hiện cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường biển, hàng không và vận tải đa phương thức, đồng thời phải kết nối cả thể chế chính sách”, Bộ trưởng nêu rõ.

Yêu cầu phải cập nhật tối đa các thông tin có thể vào Đề án, Bộ trưởng cũng nêu rõ trong khi Đề án chưa được phê duyệt, vẫn phải thực hiện các kết nối trong từng lĩnh vực.

“Để đảm bảo kết nối tốt, trước hết phải phát triển hạ tầng GTVT, năng lực quản lý của mình. Đối ngoại là sự tiếp tục của đối nội. Muốn đối ngoại tốt thì đối nội phải mạnh. Do đó, phải thực hiện đầu tư hạ tầng GTVT theo đúng mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng, cũng như Cương lĩnh xây dựng đất nước đã đề ra, gắn với Đề án kết nối GTVT trong khu vực ASEAN”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Từ đây, Bộ trưởng yêu cầu triển khai ngay những việc có thể làm được. “Phải đánh giá lại vị trí địa chiến lược của VN trong khối ASEAN, từ đó xác định ưu tiên lĩnh vực gì. Trong từng lĩnh vực, phải làm rõ ưu tiên dự án nào”, Bộ trưởng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.