Hạ tầng

Khắc phục bất cập hạ tầng sau nhiều vụ TNGT nghiêm trọng

14/08/2020, 14:00

Bất cập về hạ tầng có ảnh hưởng gì trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra?

img
Đoạn đường Trần Quốc Nghiễn thuộc Dự án đường bao biển nối TP Hạ Long với TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) được rào chắn, gắn đinh phản quang sau vụ ô tô lao xuống biển làm 4 người chết

Chỉ tính riêng trong tháng 7, cả nước đã xảy ra 6 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 38 người. Bất cập về hạ tầng có ảnh hưởng gì trong các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra?

Tai nạn do hạ tầng hay ý thức tài xế?

Qua phân tích hơn 4.500 vụ TNGT xảy ra trong 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban ATGT Quốc gia nhận định, ngoài những nguyên nhân thường được nhắc đến như người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường, chạy quá tốc độ, vượt xe sai quy định, chuyển hướng không chú ý, do sử dụng rượu bia, ma túy, chất gây nghiện… thì cũng có không ít vụ có nguyên nhân do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn.

Điển hình như vụ TNGT xảy ra tại Quảng Ninh ngày 10/7 khi chiếc ô tô lao xuống biển khiến 4 người tử vong. Sau kiểm tra hiện trường, lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, ngoài sự chủ quan của lái xe thì cũng có một phần nguyên nhân do hạ tầng.

Việc đơn vị thi công tuyến đường không có biển cảnh báo nguy hiểm, không tổ chức cảnh giới, cảnh báo, tuyến đường chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, không có dây phản quang để hướng dẫn người tham gia giao thông cũng là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn.

Đề cập đến vụ TNGT xảy ra đêm 21/7 khi xe khách đấu đầu xe tải tại Bình Thuận khiến 8 người chết, TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, yếu tố hạ tầng giao thông còn nhiều tồn tại, yếu kém cả về năng lực cho đến thiết kế tính năng ATGT.

“Ngoại trừ các yếu tố về thời gian, tâm lý khi lái xe ban đêm thì vẫn cần xem xét đến khía cạnh tổ chức giao thông. Rất nhiều tuyến đường hiện nay không có chiếu sáng nên phần tim đường phải có đinh phản quang, vật liệu phản quang hỗ trợ người lái xe ban đêm định hình được không gian mình chạy đúng làn”, ông Minh nói.

Dẫn chứng vụ TNGT xảy ra tại Quảng Bình ngày 26/7 làm 15 người chết, 21 người bị thương, TS. Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật cho rằng, trường hợp này, hộ lan phòng hộ đã không phát huy hiệu quả. Theo ông Bình, đã đến lúc, cần xem lại các tiêu chí đánh giá điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, các quy chuẩn khi nào bắt buộc cần phòng hộ bằng hộ lan cứng, hộ lan mềm.

“Cần có những chương trình nghiên cứu hoặc có những ưu tiên trọng điểm về việc rà soát lại toàn bộ các vấn đề có nguy cơ tiềm ẩn TNGT trên những tuyến đường, đưa vào các danh mục để làm ngay. Đồng thời, phải có những tiêu chí rõ ràng hơn về hạ tầng như thế nào là đạt được an toàn để được khai thác”, ông Bình nói.

Khắc phục ngay bất cập

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cũng cho rằng, nhiều đơn vị quản lý đường chưa duy trì điều kiện an toàn của tuyến đường theo quy định. Chẳng hạn, việc bắt buộc thẩm tra ATGT đối với các tuyến đường trước khi đưa vào khai thác và phải thực hiện định kỳ trong quá trình sử dụng đã được quy định rất rõ nhưng trên thực tế không phải đơn vị nào cũng thực hiện hoặc thực hiện đầy đủ.

“Công tác thẩm tra ATGT được đặc biệt coi trọng ngay cả đối với các tuyến quốc lộ đang khai thác, nhằm kịp thời phát hiện những sự thay đổi của thực tế giao thông, đề ra giải pháp kịp thời nhằm ngăn chặn tất cả các yếu tố liên quan có thể dẫn đến nguy cơ mất ATGT”, ông Quyền nói.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, để tiếp tục kéo giảm TNGT, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN chỉ đạo, phối hợp với Sở GTVT và cơ quan chức năng các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, xử lý triệt để các điểm đen TNGT trên tuyến, xem xét lắp đặt hộ lan 2, 3 tầng, có trợ lực đảm bảo khả năng chịu đựng va chạm mạnh và ngăn ngừa lật xe ô tô xuống vực hoặc đâm vào vách núi giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.

Đồng thời, chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ phối hợp với các Sở GTVT, lực lượng CSGT kiểm tra, rà soát các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; báo cáo, đề xuất Bộ GTVT đưa vào kế hoạch bảo trì hàng năm để triển khai thực hiện; chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung cho phù hợp; xử lý kịp thời các điểm đen gây mất ATGT.

TS. Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia:
Không thể đổ hết lỗi cho lái xe

img

Hạ tầng là yếu tố rất quan trọng, nhưng lại bị lẩn khuất, khi phân tích, bình luận chúng ta thường đổ lỗi hết cho người lái là không đúng. Có những điểm xung đột nguy hiểm phải tổ chức giao thông hợp lý. Nhiều nước họ dành riêng làn đường cho người muốn rẽ, trong khi đó tại Việt Nam, muốn rẽ trái phải đứng chờ, thường xảy ra xung đột, gây ách tắc giao thông.

Nhiều nước nhờ có hạ tầng tốt nên ít có hành vi vượt xe có tính nguy hiểm cao nhưng tại Việt Nam hành vi vượt này diễn ra thường xuyên, dẫn đến nhiều vụ tai nạn đấu đầu. Một số nước số lượng biển báo rất thấp, số biển cấm lại rất hạn chế, họ tư duy làm đường là để đi chứ không phải để cấm, trong khi chúng ta lại làm ngược lại. Việc hướng dẫn, phân làn, phân luồng để người tham gia giao thông dễ thực hiện, đi đúng, không thực hiện hành vi sai mới là quan trọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.