Chuyện dọc đường

Khắc phục điểm nghẽn của giao thông nông thôn

26/11/2018, 08:18

Tập trung đầu tư hệ thống giao thông là điều kiện căn bản để phát triển nông nghiệp nông thôn.

giaothong-nong-thon

Tập trung đầu tư hệ thống giao thông là điều kiện căn bản để phát triển nông nghiệp nông thôn. Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận kể từ khi Chương trình nông thôn mới được thực hiện tới nay, nhiều làng quê đã "thay da đổi thịt" với những con đường mới, công trình nước sạch, cơ sở hạ tầng thêm khang trang, chất lượng đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn chung bối cảnh nền nông nghiệp vẫn chưa khắc phục được những yếu kém nội tại, kinh tế nông thôn đang phát triển không đồng đều, thiếu ổn định; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân dù đã cải thiện nhưng vẫn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao…

Trong khoảng 8 năm qua, nguồn lực đầu tư vào xây dựng hệ thống giao thông, không phải là ít, nhưng khách quan đánh giá hạ tầng giao thông nông thôn hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Có thể nhìn thấy rõ nhất qua việc triển khai quy hoạch giao thông nông thôn hiện nay. Tại những tuyến giao thông nội đồng, mới chỉ chú tâm làm các trục đường chính mà bỏ quên các đường “nhánh, cành” đi tới từng thửa ruộng của người dân. Các tuyến đường liên thôn, trong xã cơ bản được đầu tư cơi nới thênh thang song lại bị “tắc nghẽn” khi đấu nối ra tuyến đường liên thôn, đường huyện. So với các địa phương đồng bằng có lợi thế phát triển, tại những vùng sâu vùng xa, bị chia cắt bởi đồi núi, sông nước giao thông vẫn còn thua kém nhiều.

Hiệu quả hạ tầng hệ thống giao thông phải được đánh giá trên cơ sở đồng bộ, công năng đáp ứng nhu cầu giao thoa chứ không phải thể hiện ở số lượng đã làm bao nhiêu km đường hay xây bao nhiêu cây cầu.

Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài chứ không thể ngày một ngày hai, do đó cần sự tính toán nguồn lực đầu tư với thái độ nghiêm túc cẩn trọng. Kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn tại Hàn Quốc và nhiều nước láng giềng cho thấy, qua việc hỗ trợ một phần vốn ban đầu, Nhà nước mở ra cơ chế cho người dân tham gia quyết định việc thực hiện các dự án, đẩy mạnh tính tự quản giám sát của cộng đồng. Trong khi đó tại Việt Nam, cơ chế giám sát cộng đồng có nhưng chưa hiệu quả.

Thiết nghĩ, cần phải đánh giá lại cơ chế quản lý phân bổ và kiểm soát thực hiện các nguồn vốn vào công trình giao thông nông thôn hiện nay; ra quy định gắn trách nhiệm chính quyền địa phương từng cấp với việc phát triển hạ tầng giao thông. Chỉ có như vậy mới loại bỏ tình trạng chạy theo thành tích, “có đâu dùng sạch”, dự án chưa đủ nguồn lực triển khai đã kịp phê duyệt triển khai còn hiệu quả chất lượng ra sao phó mặc cho “hạ hồi phân giải”. 

 PGS.TS. Chu Tiến Quang
Hội đồng Chính sách, Bộ NN, PT&NT

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.