Xã hội

Khách du lịch vẫn khó “đặt chân” vì nhiều địa phương “cố thủ” phòng dịch

24/10/2021, 13:19

Mặc dù đã có hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128 nhưng khách du lịch vẫn khó “đặt chân” vì nhiều địa phương vẫn “cố thủ” phòng dịch…

Du khách khó được "đặt chân" đến Côn Đảo

Mặc dù Bộ VHTT&DL đã ban hành Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, tuy nhiên theo quan sát từ phía các địa phương, các hãng lữ hành vẫn phải chật vật xoay xở nắm bắt các quy định riêng.

img

Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đón và phục vụ khách du lịch thí điểm tại khu Resort Six Sense Côn Đảo

Đơn cử, trong công văn số 250/KH-UBND của Ủy ban Nhân dân huyện Côn Đảo mới ban hành về "Kế hoạch phục hồi phát triển du lịch sau dịch bệnh Covid-19 trong Khu du lịch quốc gia Côn Đảo", có nhiều quy định được đánh giá là phức tạp, thiếu thuận tiện đối với khách du lịch.

Theo đó, Côn Đảo chỉ "đón và phục vụ khách du lịch từ các tỉnh, thành phố trong cả nước qua 14 ngày không có ca mắc trong cộng đồng".

Như vậy, quy định này đã thu hẹp mức độ đón khách hơn rất nhiều so với tiêu chí chia vùng phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp đã được nêu rõ trong Nghị quyết 128.

Cụ thể, vùng an toàn nhất là vùng xanh (cấp 1 - bình thường mới), được định nghĩa là ở cấp xã hoặc phạm vi nhỏ hơn, số ca mắc dưới 20 ca/tuần, dưới 70% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine Covid-19; nếu số ca mắc từ dưới 20 đến 50 ca/tuần nhưng số người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine cũng xếp là vùng xanh.

Trong khi đó, số liệu cho thấy huyện Côn Đảo đã hoàn thành tiêm phòng vaccine Covid-19 mũi 1 cho trên 95% tổng số dân trên 18 tuổi, và tiêm đủ liều cho hơn 65% tổng số dân trên 18 tuổi.

Tỷ lệ tiêm vaccine của địa phương này đang thuộc top cao nhất cả nước, vượt mức trung bình của cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, và nhiều thành phố lớn khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương,…

Mặt khác, huyện Côn Đảo cũng duy trì điều kiện nhận khách du lịch từng được ấn định trong công văn số 14527/UBND-VP ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành trước thời điểm Nghị quyết 128. Cụ thể, hành khách vào Côn Đảo phải "đăng ký cơ sở lưu trú trước khi đến Côn Đảo"; "có lộ trình tham quan du lịch tại Côn Đảo cụ thể từng điểm đến, nơi ăn, ở"…

Đối với Six Senses Côn Đảo Resort là cơ sở nghỉ dưỡng duy nhất tại huyện Côn Đảo được thí điểm đón khách, thời gian nghỉ tối thiểu áp dụng cho các du khách là 7 ngày, kèm với đó là nhiều quy định bắt buộc. Ví dụ, trong thời gian lưu trú tại khách sạn, mỗi du khách được xét nghiệm SARS-CoV-2 sau mỗi 7 ngày. Trong suốt thời gian nghỉ dưỡng, khách được yêu cầu "không ra khỏi khuôn viên cơ sở lưu trú"…

Trước tình hình trên, đại diện một hãng tour cho rằng, quy định của Côn Đảo có khả năng sẽ bó hẹp các lựa chọn du lịch, nghỉ dưỡng, chỉ phù hợp với một số ít khách cao cấp. “Quy định về thời gian nghỉ tối thiểu sẽ kéo dài thời gian lưu trú, nảy sinh nhiều lần tái kiểm tra xét nghiệm, từ đó phát sinh chi phí lớn đối với du khách. Việc thiếu một kế hoạch cụ thể, thông thoáng đối với các phương tiện tiếp cận thuận lợi nhất cũng khiến hành khách bị động trong khâu lên lịch trình chuyến đi”, vị này cho biết.

"Cố thủ” gây ách tắc cho du lịch

Theo bà Trần Thị Bích Thủy, Tổng giám đốc Công ty CP Vivu Journeys Việt Nam, Hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trong hoạt động du lịch, dù đã khá rõ ràng trong quy định hoạt động tại vùng xanh, vùng vàng, nhưng với DN mở tour đón khách quốc tế thì cần nhiều thông tin hơn.

“Chúng tôi cần thông tin cụ thể về quy định điều kiện đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; quy trình cấp thị thực, quy trình nhập xuất cảnh đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; cấp phép bay, bảo đảm an toàn trong và sau chuyến bay cho khách du lịch; quy định quy trình phục vụ khách du lịch quốc tế..”, bà Thuỷ cho biết.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giao Bộ VHTT&DL chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn việc đón khách du lịch trong giai đoạn đầu để các địa phương căn cứ vào đó thực hiện.

Đối với thủ tục nhập cảnh, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, tổ chức công tác nhập xuất cảnh cho khách du lịch thuận lợi, an toàn.

Bộ Y tế được giao quy định cụ thể về thời điểm, phương thức, loại xét nghiệm dành cho du khách quốc tế; tập huấn cho các nhân viên ở khách sạn, khu du lịch, điểm đến… hướng dẫn, giám sát du khách tự lấy mẫu xét nghiệm

Trước băn khoăn của các hãng tour, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch), cho biết đơn vị này đang xây dựng lộ trình để từng bước mở lại đón khách du lịch quốc tế.

Cụ thể, Tổng cục Du lịch đang lấy ý kiến nhanh các bộ, ngành, địa phương để sớm ban hành hướng dẫn tạm thời việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trong khi đó, về phía bộ y tế, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đặng Quang Tấn. Cục trưởng Cục Y Tế Dự Phòng cũng cho biết, đơn vị này đã hoàn tất bản góp ý hướng hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ VHTT&DL. Tuy nhiên khi được hỏi nội dung cụ thể thì vị này cho biết “còn đang chờ lãnh đạo phê duyệt”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh , Phó giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel, cho biết: Nghị quyết 128 của Chính phủ rất kịp thời, tháo gỡ những ách tắc để dần trở lại với nhịp sống bình thường mới.

Tuy nhiên khi triển khai, mỗi bộ ngành đang đưa ra mỗi hướng dẫn riêng, và rồi đến địa phương có thực hiện theo hay vẫn “bảo thủ” với tiêu chí của mình. Chính điều này có thể dẫn đến kết quả không được như kỳ vọng.

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, và mang tính liên vùng rất cao do đó muốn du lịch phục hồi thì bản thân từng ngành liên quan như vận tải, lưu trú, dịch vụ nhà hàng, địa điểm tham quan, mua sắm… tại từng địa phương cũng phải được đồng bộ, nhất quán đi vào hoạt động. Hiện nay chúng ta vẫn chưa giải quyết được bài toán đó”, bà Khanh nói.

Dẫn ví dụ về quy định cấp độ dịch từng vùng, bà Khanh kiến nghị: “Nghị quyết 128 nói chung và các hướng dẫn tạm thời của các bộ ngành nói riêng được thực thi thống nhất, xuyên suốt, kết nối từ trung ương tới địa phương thì cần có một kế hoạch tổng thể. Từ kế hoạch này, các bộ ngành sẽ có hướng dẫn về lĩnh vực mình phụ trách. Đề cử như Chính phủ nên xét về tỉ lệ tiêm vaccine và ban hành kế hoạch phân vùng theo màu (xanh, vàng, cam, đỏ) cho từng địa phương. Không để tự địa phương tự phân màu để tránh nhiều địa phương “cố thủ” sẽ gây ách tắc, cản trở lưu thông, ảnh hưởng kinh tế”, bà Khanh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.