Pháp luật

Khách quên tiền trên xe, tài xế Grab chặn số: Luật sư nói gì?

23/02/2018, 14:16

Luật sư nói gì về vụ việc khách tố mất 10 triệu trên xe Grab, tài xế chặn số, nói không lấy?

28312462_10209540678308901_650292442_o

Hành khách T.D.N liên hệ lại với tài xế Danh T., tuy nhiên đã bị tài xế này chặn tin nhắn. Ảnh: NVCC.

Liên quan đến vụ việc khách “tố” để quên ví tiền khoảng 10 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ trên xe ô tô Grab hôm 19/2, khổ chủ cho biết, đã sử dụng các máy khác để gọi nhưng tài xế đều không nghe máy và sau đó chặn số đồng thời khi liên lạc với tổng đài Grab tối 19 và sáng 20/2, nhân viên tổng đài nói không biết lái xe cũng như phương tiện kinh doanh...

Trước nội dung trên, nhiều bạn đọc thắc mắc, phải chăng việc hãng Grap chối bỏ đối tác là lái xe khi có sự việc khách hàng tố bị mất đồ là đang cố tình chối bỏ trách nhiệm?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp nhận định, trước vụ việc này, việc đầu tiên người bị mất đồ nên làm là phải báo ngay cho cơ quan công an để xác minh, điều tra làm rõ. "Có thể nói rằng việc bỏ quên hành lý, điện thoại, ví tiền trên các phương tiện giao thông là chuyện thường xuyên xảy ra. Không chỉ có các hãng taxi công nghệ như Uber, Grap mà kể cả các hãng taxi truyền thống cũng thường xảy ra tình trạng hành khách quên tài sản, hành lý trên xe. Nhiều hãng taxi truyền thống có cảnh báo tự động hoặc thông báo trực tiếp từ lái xe ngay khi kết thúc hành trình", ông Cường cho hay.

Theo quy định pháp luật cũng như nội quy của các hãng vận tải, hành khách tự bảo quản tài sản, tư trang, hàng hóa khi sử dụng dịch vụ vận chuyển hành khách. Đối với những hàng hóa ký gửi, có tem, vé thì khi mất mát, hư hỏng hoặc tai nạn, rủi ro trong thời gian thực hiện hành trình nhà xe mới phải bồi thường. Còn đối với tài sản cá nhân bỏ quên, thất lạc trên phương tiện vận tải thì lỗi trước tiên phải xác định là lỗi của "người bỏ quên". Đối với hãng vận tải, lái xe thì có một phần lỗi và thiếu tính chuyên nghiệp ở chỗ là không nhắc nhở hành khách kiểm tra hành lý, tư trang, hàng hóa trước khi rời xe... Việc hành khách quên hành lý, tài sản (không phải hàng hóa ký gửi) trên xe để rồi bắt đền lái xe hoặc hãng xe đó thì khó có cơ sở để chấp nhận. Một chiếc xe taxi hàng ngày chở rất nhiều lượt khách, "một mất thì mười ngờ", người quên tài sản trên xe sẽ nghi ngờ cho người lái xe nhưng chưa chắc người lấy tài sản đã là người lái xe, cũng có thể là hành khách để quên ở đâu đó, chỗ khác hoặc hành khách khác lấy...

"Để làm sáng tỏ vụ việc này, hành khách nên trình báo sự việc với cơ quan công an. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan công an sẽ gọi các bên đến để lấy lời khai, kiểm tra hành trình chuyến đi, kiểm tra cuộc gọi các bên, các hành khách trong ngày... để làm rõ có việc mất tài sản hay không? Tài sản mất là thứ gì? Thời gian, địa điểm và những nghi vấn xảy ra trong các giao dịch, liên lạc giữa các bên để làm cơ sở kết luận vụ việc", ông Cường đánh giá.

Luật sư Cường khẳng định, nếu qua quá trình xác minh, cơ quan công an xác định giá trị tài sản bỏ quên (bị mất) từ 10 triệu đồng trở lên và xác định được danh tính người đang chiếm giữ tài sản đó (có thể là người lái xe, hành khách tiếp theo hoặc người khác...) và cố tình không trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu thì người cố tình chiếm giữ trái phép tài sản sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng khuyến cáo hành khách cần kiểm tra lại tài sản, tư trang, hành lý trước khi rời xe; đồng thời lái xe cũng nên giúp hành khách kiểm tra hành lý, tài sản còn sót lại trên xe khi hành khách rời xe. Những trường hợp hành khách quên hành lý thì nhiều trường hợp khách hàng được trả lại, nhiều trường hợp phải mất nhiều thời gian, công sức mới tìm lại được, cũng có những trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vì tham, đã lấy tài sản bỏ quên của khách dẫn đến những hậu quả pháp lý đáng tiếc.

Trước đó, như Báo Giao thông đã đưa tin, ngay sau khi vụ việc xảy ra, chiều 22/2, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, tối 19/2, tổng đài Grab Việt Nam nhận được thông tin từ hành khách D.N. thông báo về việc bị thất lạc ví tiền trên chuyến xe GrabCar mã số IOS-4761071-3-143 do tài xế Nguyễn Danh T. điều khiển.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Grab Việt Nam đã liên lạc với đối tác Nguyễn Danh T. tìm hiểu về sự việc, đồng thời liên lạc với những hành khách đi sau chuyến xe của khách hàng N. để tìm lại ví tiền bị thất lạc. Cả đối tác T. và các khách hàng di chuyển sau đó đều khẳng định không nhìn thấy ví tiền của khách hàng N. trên xe. Tài xế T. cũng đồng ý cho phép Grab Việt Nam thông báo số điện thoại của mình cho khách hàng N. để trực tiếp trao đổi.

“Chúng tôi đã kiểm tra lại lịch sử hoạt động của đối tác T. trên ứng dụng Grab, đối tác bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2017 và chưa có hành vi vi phạm quy tắc ứng xử. Tài xế T cũng đã 1 lần trả lại điện thoại cho khách để quên trên xe vào ngày 2/1. Vì vậy, với trường hợp này, chúng tôi đã tư vấn khách hàng N. trình báo sự việc đến cơ quan chức năng, Grab cam kết sẵn sàng hỗ trợ thông tin và làm việc chặt chẽ khi có yêu cầu của cơ quan công an”, bà An nói.

Đại diện Grab Việt Nam cũng cho biết, việc chọn đối tác có quy trình kiểm tra chặt chẽ đầu vào, bao gồm cả lý lịch tư pháp. Ngoài ra, Grab còn có bảo hiểm tai nạn cho hành khách và đối tác trong chuyến đi. Sau mỗi chuyến đi, Grab có đánh giá “sao” để kiểm tra và nâng cao chất lượng phục vụ. Tổng đài Grab Việt Nam cũng hoạt động 24/7 để tiếp nhận thông tin, phản hồi đầy đủ và kịp thời hỗ trợ khách hàng và đối tác tài xế.

Trước đó, chị L.D có chia sẻ trên mạng xã hội và một số tờ báo về việc con gái chị bị “mất” ví tiền trên xe Grab. Cụ thể, khoảng 20 giờ ngày 19/2, con gái chị D đặt xe Grabcar biển 30A-907… từ Kim Mã (Hà Nội) về khu đô thị Ciputra trên địa bàn thành phố và để quên ví da cá sấu trên xe, bên trong có hơn 10 triệu tiền mặt và các loại thẻ, giấy tờ quan trọng. Khi phát hiện để quên ví, cháu T.D.N đã liên lạc với tài xế N.D.T theo số điện thoại khi đặt xe, nhưng bị chặn số.

Cháu T.D.N. và gia đình dùng các máy khác để gọi nhưng tài xế đều không nghe máy và sau đó chặn số. Chị L.D cũng cho hay, khi liên lạc với tổng đài Grab tối 19 và sáng 20/2, nhân viên tổng đài nói không biết lái xe cũng như phương tiện kinh doanh...

Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Vì vậy, nếu người lái xe hoặc hành khách tiếp theo thực sự là người đang giữ tài sản của hành khách trị giá từ 10 triệu đồng trở lên thì nên trả lại tài sản cho hành khách để tránh có thể bị truy tố về tội chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định nêu trên.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.