Xã hội

Khai thác đá tại Núi Bà: Cơ quan chức năng Bình Định nói gì?

14/07/2017, 19:55

Việc khai thác đá tại Núi Bà gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, phá vỡ cảnh quan...

Khai-thac-da-tai-nui-Ba

Khai thác đá tại núi Bà đang gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, đe dọa cảnh quan, di tích. Ảnh: Báo Bình Định.

Theo ngành chức năng tỉnh Bình Định, khu vực Núi Bà (huyện Phù Cát, Bình Định) nằm trên địa phận các xã: Cát Tường, Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Trinh (huyện Phù Cát). Hiện tại khu vực núi này đang có 13 doanh nghiệp được UBND tỉnh Bình Định cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác đá trên tổng diện tích gần 70ha. Hiện có 10 mỏ đang khai thác, 4 mỏ trong quá trình thăm dò. 

Thường trực HÐND tỉnh Bình Định sau khi kiểm tra, giám sát tình hình khai thác, vận chuyển đá tại khu vực Núi Bà đã đánh giá hoạt động khai thác đá tại khu vực Núi Bà đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Theo các cử tri, Núi Bà từng là căn cứ kháng chiến quan trọng của Khu 5 và của tỉnh Bình Định thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Việc khai thác đá ở đây không những phá vỡ cảnh quan tự nhiên, đe dọa di tích lịch sử mà còn ô nhiễm môi trường dân sinh, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân. 

Ông Trương Đông Hải, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Bình Định cho rằng tuy các mỏ khai thác đá chưa xâm hại trực tiếp đến 22 điểm di tích (đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia) thuộc quần thể di tích Núi Bà, nhưng đang gián tiếp ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan xung quanh các điểm di tích lịch sử.

Theo ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, việc cấp phép khai thác đá tại Núi Bà được thực hiện theo đúng quy hoạch, không cấp phép tại các khu vực cấm khai thác như di tích lịch sử, đất quốc phòng, đất văn hóa.

"Các cơ quan chức năng đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đánh giá tác động môi trường. Trước khi cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn, Sở Tài nguyên Môi trường đã lấy ý kiến của nhân dân. Tuy nhiên, mức độ lấy ý kiến chưa rộng rãi nên dẫn đến nhiều trường hợp chưa đồng tình", ông Thành nói.

Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, trong quá trình khai thác, một số doanh nghiệp chấp hành vấn đề bảo vệ môi trường chưa thực sự nghiêm túc, khai thác chưa đúng theo thiết kế và chưa chú trọng việc bảo vệ môi trường. Về mặt nhà nước thì quản lý thiếu chặt chẽ nên không xử lý kịp thời, để xảy ra tình trạng ô nhiễm.

"Chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Bình Định ban hành chỉ thị quy định quản lý tài nguyên khoáng sản. Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường, lấy ý kiến nhân dân trước khi cấp phép để tạo sự đồng thuận. Kiên quyết thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp để xảy ra sai phạm”, ông Thành cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.