Đường sắt

Khai thác đường sắt không thể chờ khách hàng đến để ra điều kiện

24/08/2016, 14:30
image

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu ngành đường sắt phải nỗ lực tìm kiếm cơ hội, nhân rộng mô hình đầu tư...

6

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nghe báo cáo công tác khai thác vận chuyển ga Yên Viên

Trực tiếp thị sát ga Yên Viên hôm qua (23/8), Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu ngành đường sắt phải nỗ lực tìm kiếm cơ hội, nhân rộng mô hình đầu tư xã hội hóa khai thác công trình, đồng thời khẩn trương lập đề án tổng thể phát triển hạ tầng đường sắt.

Đầu tư xã hội hóa bãi hàng Ga Yên Viên

Báo cáo Bộ trưởng, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, ga Yên Viên có tổng diện tích khoảng 23ha, là ga hàng hóa đầu mối với các tác nghiệp chính đón gửi, giải thể lập tàu, tổ chức xếp dỡ hàng hóa đi - đến các tuyến quan trọng như: Hải Phòng - Yên Viên, Cái Lân - Yên Viên, Đồng Đăng - Yên Viên, Yên Viên - Lào Cai. Các tuyến này có vị trí thuận lợi, dễ dàng kết nối với các cảng biển phía Bắc như: Hải Phòng, Cái Lân và các khu công nghiệp lớn.

Luồng hàng đi - đến ga Yên Viên cũng rất đa dạng, dự kiến trong tương lai sẽ có sản lượng rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay luồng hàng hóa xếp - dỡ tại ga chủ yếu có giá trị thấp như: Sắt, thép, phân bón, xi măng… với tổng khối lượng khoảng hơn 500 nghìn tấn/năm, chiếm 3,5 - 4,4% sản lượng xếp dỡ hàng hóa toàn ngành. Đây là con số chưa tương xứng với tiềm năng của một ga đầu mối xếp dỡ hàng hóa.

"Ngành Đường sắt cần chú trọng công tác tiếp thị, các chính sách đối với nhà đầu tư; Quan tâm đến các nhu cầu thật sự cấp bách của một số địa phương về mở rộng, phát triển đường sắt như Hải Phòng đề nghị đầu tư đường sắt khổ 1.435mm tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Lào Cai đề nghị thực hiện kết nối khổ đường giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu (Trung Quốc)”.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa

Để cải thiện năng lực xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa tại ga Yên Viên, năm 2015, Tổng công ty Đường sắt VN đề xuất và được Bộ GTVT đồng ý triển khai thí điểm mô hình cho thuê kết cấu hạ tầng có điều kiện đối với công trình xây dựng trung tâm logicstics tại bãi hàng Yên Viên Nam. Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL) đầu tư toàn bộ công trình và được quyền sử dụng, khai thác 17 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho đường sắt.

Ông Trần Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty ITL cho biết, mặc dù là doanh nghiệp lớn làm công tác vận chuyển hàng hóa lâu năm nhưng đầu tư vào đường sắt vẫn là lĩnh vực mới đối với ITL. Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn trong dịch vụ, vận chuyển hàng hóa tại ga Yên Viên nên ITL quyết tâm đầu tư. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành tháng 10/2016. “Chúng tôi đã chạy thử hai đôi tàu Hải Phòng về Yên Viên thành công và ký kết thỏa thuận hợp tác ba bên với Công ty CP Container Việt Nam (Hải Phòng), Tổng công ty Đường sắt VN về chiến lược dịch vụ vận tải và đang đàm phán với cảng Cái Lân, mở ra cơ hội lớn trong vận chuyển hàng hóa”, ông Tuấn Anh nói.

Hoan nghênh nhà đầu tư ITL tiên phong đầu tư hạ tầng đường sắt theo hình thức này, tuy nhiên Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đặt vấn đề: “Nên quan tâm đến đầu tư bãi hàng phía Bắc nhà ga vì đây là khu vực ngoài đất đường sắt, có thể phát triển mở rộng sang quỹ đất liền kề của địa phương chưa sử dụng đến. Khi nhu cầu sử dụng phương thức vận chuyển logistics tăng cao, bãi hàng Yên Viên Nam sẽ trở nên quá tải. Cần tính đến tương lai phát triển quy mô hơn, đừng tủn mủn như hiện nay”.

Bộ trưởng cũng cho rằng, dự án này là khởi đầu, cần nhân rộng các dự án đầu tư xã hội hóa hạ tầng đường sắt khác.

Trả lời Bộ trưởng, ông Tuấn Anh khẳng định, coi dự án bãi hàng Yên Viên Nam là sự khởi đầu, ITL sẽ rút kinh nghiệm và sẵn sàng tham gia đầu tư bãi hàng phía Bắc cũng như các dự án tiếp theo nếu ngành Đường sắt có kế hoạch.

Đường sắt không thể mãi duy trì kiểu khai thác hiện nay

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Nghị quyết Đảng ủy Đường sắt VN 10 năm nay, năm nào cũng trích 3% vốn sự nghiệp kinh tế cho đầu tư, sửa chữa, nâng cấp kho, ke ga, bãi hàng. Tuy nhiên, thực tế không có công trình nào mới. 

>>>Xem thêm clip:

“Nếu muốn vận tải hàng hóa mà không có bãi hàng và vẫn tư duy kiểu chỉ mong khách hàng đến để ra điều kiện sẽ không phát triển được”, ông Thành nói đồng thời nhấn mạnh, đường sắt có trách nhiệm tổ chức khai thác hiệu quả nhất tài sản hiện có trong khi chờ đầu tư theo quy hoạch.

Ông Thành cho biết thêm, đường sắt đã làm việc với các đối tác, mở rộng hình thức hợp tác khác như: Làm đường nhánh vào nhà máy xi măng của Tập đoàn Công Thanh (Thanh Hóa); Kết nối với cảng cạn ICD ở Lạc Đạo để khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng…

Khẳng định vận tải đường sắt hiện rất khó khăn, định hướng tới đây của Bộ GTVT là dành tỷ lệ đầu tư nhất định để đáp ứng yêu cầu phát triển đường sắt, tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nhấn mạnh, đường sắt không thể mãi duy trì kiểu khai thác hiện nay. Bộ trưởng yêu cầu Tổng công ty Đường sắt VN khẩn trương lập Đề án tổng thể phát triển hạ tầng giao thông đường sắt hiện có trong khi chờ đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao như: Làm đường nhánh, nối dài đường ga, đặt thêm đường, nâng cấp bãi hàng…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.