Y tế

Khám chữa bệnh từ xa: Những khoảng trống pháp lý

09/08/2022, 20:21

Khám chữa bệnh từ xa phát huy hiệu quả, nhất là trong giai đoạn Covid-19, nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi bác sĩ, người bệnh.

Hiệu quả nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý

Ngày 9/8, tại Hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, nhiều chuyên gia chỉ ra, hiện đang có khoảng trống hành lang pháp lý liên quan tới khám chữa bệnh từ xa.

img

Một buổi khám chữa bệnh từ xa thực hiện từ đầu cầu BV ĐH Y Hà Nội với các bệnh viện tuyến dưới

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025. Sau một thời gian triển khai, 25 bệnh viện tuyến trên đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (chiếm 78%), kết nối với 1.500 bệnh viện tuyến dưới.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, qua số liệu tổng hợp được, hơn 3 nghìn ca bệnh và 1.126 buổi hội chẩn đã tổ chức, kết nối hơn 32 nghìn lượt các đầu cầu, 155 ca bệnh nguy kịch được cứu sống nhờ hệ thống khám chữa bệnh từ xa. Đây là những con số rất tích cực thể hiện hiệu quả đề án khám chữa bệnh từ xa và việc triển khai công nghệ thông tin với lĩnh vực y tế, rút ngắn khoảng cách địa lý, kết nối các cơ sở y tế và mở ra cơ hội cho nhiều bệnh nhân.

Đặc biệt trong thời gian Covid-19 bùng phát, khám chữa bệnh từ xa cũng góp phần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh, giảm tập trung đông người tại bệnh viện, giảm số lượng người dân phải đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, nhiều bệnh viện còn loay hoay khi thiếu các quy định để triển khai hiệu quả, thuận lợi và đảm bảo các yêu cầu pháp lý. BV Trung Ương Huế chỉ ra, khi triển khai bệnh viện chưa trang bị được thiết bị truyền hình và các thiết bị liên quan tại phòng phẫu thuật, phòng cấp cứu, ICU; chưa có cơ chế tài chính cho đội ngũ thầy thuốc tham gia hội chẩn từ xa.

Hay theo một số bệnh viện đã triển khai khám chữa bệnh từ xa thì bên cạnh cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khó khăn lớn nhất là hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về giá dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa...

Trước thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh, trong Luật khám chữa bệnh sửa đổi, cần thiết phải có những quy định cụ thể để khám chữa bệnh từ xa đạt hiệu quả cao nhất. Cụ thể cần làm rõ điều kiện thực hiện, danh mục bệnh, trách nhiệm pháp lý, hợp đồng khám chữa bệnh từ xa…

Gỡ vướng cho khám chữa bệnh từ xa phát triển

Góp ý cho dự án Luật khám, chữa bệnh, ông Nguyễn Huy Quang, nguyên Trưởng ban pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, cần xác định rõ bản chất của khám chữa bệnh từ xa. Theo đó, khám chữa bệnh từ xa thực chất là khám chữa bệnh nhưng không trực tiếp mà thông qua các thiết bị y tế, qua các nền tảng công nghệ thông tin.

“Đây có phải cứu cánh trong cuộc cánh mạng 4.0 hay không? Vẫn phải nhấn mạnh, khám chữa bệnh trực tiếp là cơ bản, chỉ khám chữa bệnh từ xa trong trường hợp đặc biệt”, ông nêu quan điểm và khẳng định, trong luật phải xác định rõ các hình thức khám chữa bệnh từ xa; các trường hợp đặc biệt, các danh mục bệnh được phép thực hiện. Ngoài ra, phải có danh mục kỹ thuật, trang thiết bị y tế phù hợp để khám chữa bệnh theo phương pháp ứng dụng công nghệ này.

Về ý kiến cần phải có giấy phép cho các bác sĩ, cơ sở thực hiện khám chữa bệnh từ xa, theo ông Nguyễn Huy Quang, không nên phức tạp hóa mà chỉ cần quy định điều kiện người khám bệnh phải có chứng chỉ hành nghề và đảm bảo cơ sở khám bệnh có đầy đủ hạ tầng thông tin, thiết bị y tế để khám chữa bệnh từ xa.

Một trong những vấn đề quan tâm nhất mà các cơ sở khám chữa bệnh đặt ra là quy định mức giá đối với khám chữa bệnh từ xa, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế nhấn mạnh, phải xác định được các loại thanh toán gồm: Thanh toán trực tiếp giữa người khám bệnh và người chữa bệnh và thanh toán gián tiếp thông qua một đơn vị, cơ sở hỗ trợ. Mức giá phải liên quan tới đầu tư, khấu hao thiết bị y tế khám chữa bệnh từ xa và công nghệ thông tin.

Nguyên vụ trưởng Vụ pháp chế của Bộ Y tế đề nghị, cần phải có nghị định, thông tư để hướng dẫn chi tiết, cơ sở pháp lý thực hiện, bởi với khám chữa bệnh từ xa còn có rất nhiều điều phải được làm rõ như gắn khám chữa bệnh với kê đơn thuốc, trách nhiệm của người kê đơn thuốc như thế nào nếu xảy ra vấn đề, hoặc có tranh chấp?

Theo ý kiến một số chuyên gia tại hội thảo, hiện ở Việt Nam nhiều cơ sở y tế không công nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu của nhau, như vậy, với vấn đề khám chữa bệnh từ xa thì sẽ xử lý như thế nào? Với các trường hợp kết quả xét nghiệm do tuyến dưới làm, tuyến trên hỗ trợ thì “có tin nhau không”, có thể sử dụng để đưa ra chẩn đoán, phương án điều trị hay không?; hoặc đặt ra bài toán cần phân tuyến khám chữa bệnh từ xa để tránh quá tải với BV tuyến trên và đảm bảo nguồn nhân lực...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.