Du lịch

Khám phá 4 phong tục kỳ lạ từ các quốc gia trên thế giới

31/07/2021, 01:00

Tổ chức tiệc buffet cho khỉ, đánh nhau bằng lá dứa hay tạo kiểu tóc kỳ lạ bằng đất đỏ,… đều là những phong tục vô cùng thú vị khiến nhiều du khách thích thú.

Mỗi quốc gia trên thế giới đều gìn giữ những phong tục tập quán và bản sắc riêng biệt của mình.

Có thể có nhiều phong tục kỳ lạ khiến bạn phải thốt lên kinh ngạc, nhưng đó lại là những bài học vô cùng thú vị về sự đa dạng văn hóa của các dân tộc trên thế giới.

Lễ hội tiệc buffet cho khỉ tại Thái Lan

Lopburi là một thành phố hẻo lánh, cách Bangkok 150km, được xem là một trong những thành phố có lịch sử lâu đời nhất Thái Lan. Nơi đây có những đàn khỉ hoang dã sinh sống trên các tàn tích của đế chế Khmer xưa cũ.

img

Tại Lopburi, những con khỉ được xem là đem đến điềm may mắn cho mọi người. Bởi vậy vào tháng 11 hằng năm, địa phương này luôn tổ chức một lễ hội đặc biệt nhằm tôn vinh những chú khỉ đáng yêu, đó là Lễ hội tiệc buffet cho khỉ.

img

Nơi diễn ra lễ hội là tại ngôi đền Phra Prang Sam Yot, một ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ 13.

Ngày diễn ra lễ hội, những chiếc bàn dài được xếp ngay ngắn, phủ lên một tấm khăn trải bàn màu đỏ, trên đó bày biện đầy trái cây, rau củ như chuối, sầu riêng, bắp cải, nho, cam, dứa,… và các món tráng miệng kiểu Thái với những màu sắc sặc sỡ để thu hút đám khỉ đến.

Ngoài ra, trong suốt quá trình diễn ra lễ hội, người ta sẽ biểu diễn những bài hát mang đậm nét văn hóa địa phương và tổ chức một số cuộc thi vui nhộn để tạo nên bầu không khí rộn ràng cho lễ hội.

img

Tuy náo nhiệt, đông vui là vậy nhưng du khách khi đến lễ hội đặc biệt này cũng nên cẩn thận.

Những chú khỉ hoang dã có thể trở nên hung dữ và quấy rối khách du lịch bất cứ lúc nào. Thậm chí chúng còn có thể ăn cắp ví, kính râm hay những đồ vật khác từ bạn.

Điệu nhảy Haka, New Zealand

Haka là một điệu nhảy truyền thống của thổ dân Maori, tộc người bản địa New Zealand. Điệu nhảy đầy mê hoặc này hiện nay được xem như là một di sản phi vật thể của New Zealand.

img

Đây thực chất là một nghi thức trước khi xung trận trong chiến tranh khi xưa. Những chiến binh Maori sẽ cùng nhau nhảy điệu nhảy Haka để nâng cao tinh thần chiến đấu và đe dọa đối phương.

Bởi vậy điệu nhảy này thường được biểu diễn trong một nhóm lớn, sử dụng các động tác sôi động, khỏe khoắn như dậm chân, vỗ ngực kết hợp với những biểu cảm đáng sợ như trợn mắt, lè lưỡi,…

Cả nam lẫn nữ đều có thể biểu diễn Haka. Thậm chí điệu nhảy này còn được đưa vào giảng dạy ở các trường học tại New Zealand.

img

Ngày nay, điệu nhảy Haka vẫn thường hay được biểu diễn trong các dịp đặc biệt của người New Zealand.

Đội bóng bầu dục quốc gia của New Zealand là All Black luôn luôn thực hiện điệu nhảy Haka trước khi bắt đầu mọi trận đấu, đây được xem như là một nghi thức không thể thiếu của đội bóng này.

img

Mái tóc của người Himba, Namibia

Người Himba là một bộ tộc bán du mục tại Namibia, Châu Phi. Những người phụ nữ của bộ tộc này nổi tiếng với bím tóc đặc biệt của họ.

Do sinh sống trong môi trường khô cằn, nắng gắt, người Himba đã sáng chế ra một loại hỗn hợp sền sền từ mỡ động vật, tro và đất đỏ được gọi là otjize có tác dụng như kem chống nắng, bảo vệ làn da khỏi ánh nắng thiêu đốt của sa mạc châu Phi và xua đuổi côn trùng.

Mỗi buổi sáng, phụ nữ Himba sẽ bôi otjize lên da và tóc, khiến toàn thân họ được phủ trong sắc đỏ đặc biệt.

img

Đối với những người phụ nữ Himba, kiểu tóc là một dấu hiệu để nhận biết tuổi tác và khẳng định địa vị của mình.

Mỗi ngày họ sẽ dành ra vài tiếng đồng hồ để bôi otjize lên tóc và tạo ra các kiểu tóc độc đáo. Kiểu tóc sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi và địa vị của những người phụ nữ.

Những bé gái thường được tết hai bím tóc trên đầu, những cô gái đến tuổi dậy thì thì thường thắt bím tóc che trước mặt để tránh sự nhòm ngó từ trai tráng trong bộ tộc.

Khi những cô gái đã đến tuổi cập kê, họ sẽ bện tóc thành nhiều bím ra sau đầu. Còn đối với những người phụ nữ đã kết hôn, họ sẽ đội một chiếc mũ gọi là erembe được làm từ da cừu hoặc da dê trên đỉnh đầu.

img

Văn hóa truyền thống của người Himba hiện đang phải đối mặt với sự ảnh hưởng của quá trình hiện đại hóa và sự thờ ơ từ chính giới trẻ trong bộ tộc.

Ngày nay, nhiều người trẻ tuổi lựa chọn rời xa văn hóa truyền thống của bộ tộc, đến những thành phố lớn để kiếm sống, khiến cho văn hóa của người Himba đang mai một dần.

img

Trận chiến lá dứa (Padan Leaves War), Bali

Đảo Bali vốn nổi tiếng là một thiên đường du lịch với những bãi biển tuyệt đẹp, bên cạnh đó văn hóa bản địa độc đáo cũng là thứ khiến nhiều du khách thích thú khi đến nơi đây.

Để tôn vinh thần Indra, vị thần chiến tranh trong tôn giáo Hindu, hằng năm người Tenganan tại Bali đều tổ chức một nghi lễ đặc biệt và có phần khá khốc liệt được gọi là Perang Pandan.

img

Những người đàn ông tham gia nghi thức này đều phải cởi trần, chỉ mặc sarong và đội mũ udeng truyền thống.

Họ được trang bị những bó lá dứa có gai sắc nhọn để làm vũ khí và một chiếc khiên được tết từ cây mây.

img

Những người tham gia đến từ đủ các độ tuổi khác nhau, từ những cậu bé 8 tuổi đến cả những người đàn ông 80 tuổi đều có thể tham gia trận chiến đặc biệt này.

Mỗi trận chiến thường chỉ kéo dài trong khoảng 1 phút và những người tham gia thường bị trầy xước khắp người.

Tuy nhiên họ cho rằng được tham gia vào nghi thức này là một niềm tự hào và những giọt máu đổ ra trong trận chiến được coi là vật hiến cho các vị thần.

Sau khi nghi lễ kết thúc, những chiến binh sẽ được đắp một loại thuốc được làm từ nghệ, giấm và một số loại thảo mộc lên vết thương.

img

Trận chiến lá dứa đặc biệt này thường được tổ chức vào tháng 5 hằng năm, theo lịch truyền thống của người Bali thu hút khách du lịch hiếu kỳ từ khắp nơi trên thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.