Du lịch

Khám phá những ngôi chùa nổi tiếng nhất miền Tây

13/12/2015, 06:59

Chùa Đất Sét là một trong hai công trình đất sét lớn nhất Việt Nam

image001
Chính diện Chùa Dơi.

Tôi đến Sóc Trăng từ Cần Thơ, bắt chuyến xe Phương Trang, đi mất hơn một tiếng đồng hồ. Sóc Trăng vốn nổi danh bởi các tour du lịch sinh thái chợ nổi, tín ngưỡng, truyền thống lịch sử và văn hóa lễ hội. Tò mò về văn hóa của vùng đất và thời gian ở thành phố không nhiều, tôi chọn đi thăm quan các công trình tâm linh tín ngưỡng.

Chùa Đất Sét - kiệt tác đời người

Điểm đến đầu tiên là chùa Đất Sét nằm trên đường Tôn Đức Thắng. Chùa Đất Sét hay còn gọi là Bửu Sơn Tự, là ngôi chùa nổi tiếng ở miền Tây bởi có hơn 1.000 bức tượng đất sét lớn nhỏ, không những thế còn nổi tiếng bởi những cây nến khổng lồ cháy được 100 năm.

Chùa xây dựng vào đầu thế kỉ XX. Hiện tại còn cặp nến nhỏ đang cháy dở, cặp nến nặng gần 100kg được thắp sáng liên tục từ năm 1970 sau khi trụ trì chùa Ngô Kim Tòng - người tạo nên các tác phẩm điêu khắc bằng đất sét trong chùa qua đời. Ngoài ra còn ba cặp nến lớn, mỗi cây nặng 200kg, bề ngang bằng một vòng tay người ôm chưa được đốt.

Chùa Đất Sét nhìn bên ngoài giống như một ngôi nhà dân bình thường, bởi khuôn viên và công trình tương đối nhỏ. Nhưng khi bước qua cửa vào trong chùa là cả một không gian hiện vật vô cùng thú vị. Từ kết cấu nhà, những cây cột được bọc, trang trí bằng đất sét, cho đến các tượng phật, các linh vật cùng hàng nghìn pho tượng sáp vô cùng sinh động, những nhân vật bằng sáp gắn với các câu chuyện, truyền thuyết, điển tích cổ được dựng lại từ sáp và trưng bày giống như một bảo tàng đất sét thu nhỏ.

Đáng chú ý nhất trong chùa phải kể đến pho tượng Bảo tòa liên hoa có đến 1.000 cánh sen, trên mỗi cánh sen ngự một vị thần, được làm hoàn toàn bằng sáp. Đối diện Bảo tòa liên hoa là Tháp Đa Bảo cao 3,5 m gồm 13 tầng, 208 cửa vị thần. Đây là hai công trình đất sét lớn nhất Việt Nam và đã được ghi vào sách kỷ lục.

Ngôi chùa Khmer 500 tuổi

Điểm đến thứ hai là chùa Kh’leang, ngôi chùa cổ nhất ở Sóc Trăng có tuổi thọ 500 năm, là ngôi chùa chứng kiến những năm tháng lịch sử và phát triển của Sóc Trăng. Chùa nằm ở trung tâm thị xã, đối diện với bảo tàng Sóc Trăng.

Sau khi qua cánh cổng mang đậm phong cách kiến trúc Khmer, chúng ta bước vào một khuôn viên rộng rãi thoáng mát, với các cây cổ thụ, những  cây thốt nốt khổng lồ đặc trưng của miền Nam, chính điện chùa nổi bật ở giữa với kiến trúc mái nếp gấp 3 lớp, bên cạnh là các bảo tháp Stupa chứa di cốt của các vị trụ trì, cách chính điện một khoảng là trường học dạy tiếng Khmer.

Tòa chính điện, công trình chính của chùa được xây rất cao so với mặt đất. Bên trong chính điện có khoảng 45 tượng Phật Thích Ca được làm từ các chất liệu khác nhau, các cột gỗ sơn son thiếp vàng được chạm trổ khắc họa hình ảnh cuộc đời của Đức Phật. Đặc biệt, trên trần là bức tranh sơn dầu vẽ hình tiên nữ đang múa trên bầu trời, cùng với các họa tiết trang trí bên trong chùa đã thể hiện sự độc đáo trong kiến trúc hội họa của người Khmer.

“Ngôi nhà của dơi”

Cách trung tâm Sóc Trăng 3km, ngôi chùa Mahamup hay còn gọi là chùa Dơi được mệnh danh là ngôi nhà của hàng nghìn con dơi, có tuổi thọ khoảng 400 năm. Khách phương xa tới đây, ngoài mục đích thắp nhang cầu nguyện, vãn cảnh chùa, còn được quan sát những chú dơi vắt vẻo dưới những tán cây cổ thụ trong khuôn viên rộng lớn của chùa. Khi trời tối, bầu không khí vắng lặng bị phá vỡ bởi đàn dơi bay đi kiếm ăn.

Chùa Dơi là một quần thể kiến trúc đẹp, mỗi công trình kiến trúc tại chùa Dơi dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân Khmer đều trở thành một công trình nghệ thuật mang đậm phong cách Khmer Nam bộ. Mái chùa hai lớp ngói mầu, đầu mái chạm trổ tinh xảo hình rắn, đỉnh chùa có tháp nhọn, quanh chùa là hàng cột đỡ có tượng tiên nữ với đôi tay chắp trước ngực.

Bên trong chính điện, bức tượng Phật cao 2m đặt trên bệ cao, xung quanh tường được trang trí bởi các bức tranh vẽ, miêu tả cuộc đời của Đức Phật.

Đi chơi phố ở Sóc Trăng

Thông thường khách du lịch chỉ ghé qua Sóc Trăng để thăm quan những ngôi chùa nổi tiếng ở đây. Thị xã Sóc Trăng bé, đi một vòng là hết. Khu phố trung tâm Sóc Trăng cho người ta cảm giác thân thuộc như khu phố của người Hoa ở Sài Gòn: đường phố nhỏ, nhiều hàng quán, sát mặt đường, nhộn nhịp và vô cùng sinh động.

Hãy dành thời gian tận hưởng món bánh mì chả xương xông nướng ấm nóng, nhâm nhi ly sữa đậu nành, sâm lạnh trên phố Ngô Quyền, lót dạ bằng bánh kẹp tàn ong ngon nhất Sóc Trăng chỉ bán vào buổi chiều ở ngã tư Ngô Quyền - Phan Chu Trinh. Buổi tối, đừng quên thưởng thức món bún xào nem nướng nổi tiếng rồi đi ăn chè, vì chè ở Sóc Trăng rất rẻ và ngon.

Sóc Trăng cách TP HCM 230km, tuy nhiên các hãng xe khách lớn, chất lượng thường chỉ dừng ở ngoài trung tâm thành phố và không vào Bến xe Sóc Trăng, nên nếu muốn rời Sóc Trăng bằng xe khách, bạn nên hỏi giờ ô tô chạy từ bến để chủ động.

Nếu có thời gian, hãy thăm thêm chùa Chén (cách Sóc Trăng 12km) bởi đây là một trong bốn chùa đẹp nhất ở Sóc Trăng.

Đừng quên mua bánh Pía tại hai trung tâm bánh Pía nổi tiếng Tân Hưng Lợi và Tân Huệ Viên về làm quà.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.