Ở Wyoming, người ta đã khám phá ra một lớp porphyr phonolit trong đá lửa hình thành giữa các lớp đá trầm tích, tạo thành một ngọn núi được gọi là Tháp Quỷ.
Porphyr phonolit là một loại đá màu xám hoặc xám xanh có chứa các tinh thể fenspat trắng. Tảng đá này hình thành theo dạng cột lục giác với các vết nứt dọc khi cấu trúc khổng lồ bị co lại theo chiều ngang.
Đỉnh của Tháp Quỷ cao hơn 1.588m so với mực nước biển và cao khoảng 264m so với đồng cỏ xung quanh. Tháp có đường kính gần 305m ở chân và khoảng 84m trên đỉnh.
Tháp Quỷ là một địa điểm linh thiêng đối với một số bộ lạc thổ dân châu Mỹ, bao gồm Arapaho, Crow, Lakota, Cheyenne, Kiowa và Shoshone. Các nghi lễ truyền thống vẫn diễn ra ở đây.
Truyền thuyết của bộ lạc Kiowa và Lakota kể rằng, những vết thẳng đứng được tìm thấy trên tháp là kết quả của việc móng vuốt của một con gấu khổng lồ cố gắng leo lên tháp để tiếp cận một nhóm thiếu nữ Ấn Độ đang chạy trốn lên đỉnh. Khi ngọn tháp chạm vào bầu trời, 7 cô thiếu nữ trở thành những vì sao của chòm sao Pleiades.
Những người da trắng đầu tiên đến Tháp Quỷ là các thành viên thám hiểm năm 1859 tới Yellowstone do thuyền trưởng William F. Raynolds dẫn đầu. Quốc hội Mỹ đã công nhận sự độc đáo của Tháp Quỷ ngay từ năm 1892 và đến năm 1906 chỉ định Tháp Quỷ là Đài tưởng niệm Quốc gia đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Ngày nay, Đài tưởng niệm Quốc gia Tháp quỷ là một điểm đến phổ biến cho cả khách du lịch và những người leo núi. Trên thực tế, tháp đã trở thành địa điểm leo núi nổi tiếng nhất ở vùng này.
Các bộ lạc thổ dân châu Mỹ coi việc leo lên tháp là một sự xúc phạm thánh địa của họ, do đó, có một cuộc tranh luận đang diễn ra về việc sử dụng và chăm sóc hợp lý cấu trúc địa chất đặc biệt này.
Hầu hết các nhà địa chất đều tin rằng, Tháp Quỷ thực sự hình thành sâu dưới lòng đất trong thời gian vùng biển cổ đại của kỷ Trias bao phủ vùng đất này, từ khoảng 225 triệu đến 196 triệu năm trước. Các lớp trầm tích được sinh ra ở đây đã tạo ra đá sa thạch màu đỏ sẫm và bột kết màu hạt dẻ.
Tuy nhiên, các nhà địa chất học vẫn chưa đưa ra một quan điểm thống nhất về quá trình hình thành Tháp Quỷ đã diễn ra chính xác như thế nào. Đầu thế kỷ 20, hầu hết các nhà địa chất cho rằng Tháp Quỷ là laccolith, một cấu trúc dạng vòm hoặc hình nấm được hình thành do sự xâm nhập của magma giữa hai lớp đá trầm tích.
Một số các nhà địa chất khác lại suy đoán rằng, Tháp Quỷ thực sự là một ngọn núi lửa. Lý thuyết này có vẻ hợp lý, ngoại trừ thực tế là không có bằng chứng về hoạt động của núi lửa khắp xung quanh. Một số người cho rằng, xói mòn đã cuốn đi mọi bằng chứng về hoạt động của núi lửa, chỉ còn lại Tháp Quỷ.
Ngày nay, nhiều nhà địa chất cho rằng Tháp Quỷ chỉ đơn giản là một cổ vật, một khối đá lửa được hình thành và nguội đi dưới lòng đất, trải qua nhiều năm xói mòn đã tạo thành một kỳ quan có hình thức độc đáo như vậy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận