Xã hội

Khẩn cấp ngăn dịch xâm nhập các khu công nghiệp

10/05/2021, 06:02

Sau “ổ dịch” tại các bệnh viện, các KCN được xác định cần phải siết chặt phòng dịch Covid-19 bởi hệ lụy khôn lường cho cả xã hội và nền kinh tế.

img

Lực lượng chức năng khoanh vùng, phun khử khuẩn tại Công ty Shinyoung Việt Nam sau khi phát hiện 12 công nhân nhiễm Covid-19. Ảnh: Văn Thương

Lúng túng phòng dịch ở khu công nghiệp

Sau hơn 1 ngày đêm truy vết, tới chiều 9/5, UBND tỉnh Bắc Giang công bố phát hiện 12 ca mắc Covid-19 là công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Shinyoung Việt Nam, khu công nghiệp (KCN) Vân Trung, huyện Việt Yên.

Trao đổi nhanh với PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến 18h00 ngày 9/5, toàn tỉnh đã ghi nhận 31 ca nhiễm Covid-19 tại “ổ dịch” KCN Vân Trung. Đây cũng chính là KCN đầu tiên trên cả nước có công nhân dương tính với SARS-CoV-2 trong lần bùng phát dịch thứ 4 này.

Điều tra dịch tễ cho thấy, nguồn lây xuất phát từ công nhân Ngọc Thị Th. (34 tuổi), trong dịp nghỉ lễ 30/4 đã về quê tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, tiếp xúc với vợ chồng anh chị Q. - T. ở cùng thôn vừa từ Bệnh viện K Tân Triều về.

Sau đó, chị Th. quay trở lại Bắc Giang làm việc và thường xuyên tiếp xúc với 30 công nhân khác trong cùng bộ phận. Cách đây ít hôm, chị Th. có biểu hiện ho, sốt, đau họng nhưng vẫn tự uống thuốc tại nhà.

Tính đến ngày 9/5 đã có 26 tỉnh, thành xuất hiện bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng. Trong số này có rất nhiều tỉnh, thành có nhiều KCN - KCX lớn như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đồng Nai, TP HCM…


Chỉ tới rạng sáng 8/5, sau khi nhận được thông báo vợ chồng anh Q., chị T. ở quê dương tính với SARS-CoV-2, chị Th. mới báo với bộ phận y tế công ty và được đưa đến khu cách ly.

Đáng chú ý, Công ty Shinyoung Việt Nam có hơn 3.000 công nhân với 6 phân xưởng sản xuất, đang cùng một số DN khác thuê nhà xưởng của Công ty TNHH MTV SJ Tech Việt Nam.

Ngay sau khi có thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã đi khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan về công tác phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo đó, các cơ quan chức năng của tỉnh nhận định công tác phòng chống dịch tại các KCN có vai trò đặc biệt quan trọng vì đây là địa bàn tập trung đông người. Cụ thể, riêng KCN Vân Trung đã có khoảng 80.000 lao động trên tổng số 200.000 lao động tại các KCN của Bắc Giang.

Trước tình hình trên, ông Lê Ánh Dương đã yêu cầu công ty tạm dừng hoạt động, thông báo công nhân nghỉ làm trong 3 ngày để phục vụ công tác điều tra, truy vết; kiểm soát chặt lây nhiễm trong các cơ sở cách ly, không để các khu cách ly thành ổ dịch…

Qua đây, ông Dương cũng phê bình lãnh đạo Ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Giang, Sở Y tế và UBND huyện Việt Yên do chậm trễ, lúng túng trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu các công ty ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra dịch gây ảnh hưởng, thiệt hại; nâng cao mức độ phòng, chống dịch trong đơn vị, tuyệt đối không để xảy ra vụ việc như ở Công ty Shinyoung Việt Nam.

Mặt khác, lãnh đạo Ban Quản lý KCN tỉnh phải kiện toàn lại ngay các tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19, thông tin thường xuyên với lãnh đạo tỉnh về việc triển khai công tác phòng chống dịch tại các KCN...

Lên sẵn kịch bản ứng phó trong mọi tình huống

Sáng 9/5, tại buổi làm việc với cơ quan chức năng Bắc Ninh, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: “Trong quá trình khảo sát thực tế cho thấy, các địa phương không những chỉ phòng chống dịch tại những nơi xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng mà còn phải hết sức chú ý nâng cao mức kiểm soát tại các cơ sở điều trị, KCN, cụm công nghiệp và cả đơn vị hành chính sự nghiệp. Tất cả đều phải vào cuộc quyết liệt thì mới mong sớm khống chế dịch lần này”.

Tại Hà Nội, địa phương đang có số người nhiễm Covid-19 cao nhất cả nước với hơn 100 ca (tập trung chủ yếu ở BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện K và rải rác ở nhiều quận, huyện), trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó chủ tịch Công đoàn các KCN - KCX Hà Nội cho biết: Từ ngày 27/4 tới nay, đơn vị đã liên tiếp ra 6 văn bản chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động tăng cường biện pháp phòng dịch.

“Việc chỉ đạo, tuyên truyền không chỉ bằng văn bản mà còn thông qua mạng xã hội, hệ thống truyền thông nội bộ, bảng thông báo điện tử… giúp công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với chủ sử dụng lao động thực hiện khảo sát, thống kê các trường hợp có nguy cơ trong công nhân lao động”.

Theo ông Thắng, hiện các hoạt động sinh hoạt tập thể của các công ty trong các KCN tại Hà Nội đều đã được điều chỉnh để phòng dịch. Đơn cử, tại các bếp ăn, ngoài việc thực hiện vách ngăn tại bàn ăn, các DN đã điều chỉnh giờ ăn theo ca để đảm bảo khoảng cách an toàn, tránh tập trung đông người.

Được biết, Công đoàn KCN - KCX Hà Nội đã xây dựng kịch bản tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 và ổn định tình hình quan hệ lao động trong các KCN .

“Kịch bản đưa ra nhiều tình huống, đặt giả thiết xuất hiện từ 10 tới 1.000 ca nhiễm trong DN và KCN - KCX. Tùy theo từng mức độ sẽ kích hoạt các giải pháp phòng dịch tương ứng từ việc khoanh vùng truy vết, tới bảo đảm nguồn lực, hỗ trợ sản xuất…”, ông Thắng thông tin.

Tương tự, tại Thái Bình, ông Nguyễn Văn Trường, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế và các KCN tỉnh Thái Bình cho biết, đang hoàn thiện kịch bản ứng phó với tình hình dịch Covid-19.

“Tới nay, dù chưa có hiện tượng phát sinh dịch trong DN nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên đôn đốc kiểm tra, yêu cầu thực hiện đúng chỉ đạo phòng dịch, thông tin cập nhật tới các cơ quan liên quan để có phương án xử lý”, ông Trường nói và cho biết: “Bản thân các DN cũng yêu cầu công nhân đeo khẩu trang, khai báo y tế, đo thân nhiệt tự động, khử khuẩn… trước khi vào làm việc”.

Tại Hưng Yên, đại diện Ban chỉ đạo Phòng chống Covid-19 của tỉnh cũng cho biết: “Ngay khi xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng, Hưng Yên đã tổ chức phân cấp nhiệm vụ cụ thể, giao trách nhiệm phòng chống dịch cho Ban quản lý các KCN và ban chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương.

Kết quả các kiểm tra đột xuất tại các KCN gần đây ghi nhận đang áp dụng tốt các biện pháp phòng dịch”, vị đại diện cho hay.

Việt Nam ghi nhận thêm 92 ca mắc mới Covid-19 trong nước

Bộ Y tế ngày 9/5 ghi nhận thêm 102 ca mắc mới Covid-19 (sáng 15 ca, chiều 87 ca, trong đó có 10 ca nhập cảnh được cách ly ngay).

Tính đến 18h ngày 9/5, Việt Nam có tổng cộng 1.903 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới từ ngày 27/4 đến nay là 333 ca.

Trong số 92 ca lây nhiễm trong nước ghi nhận ngày 9/5, Hà Nội có 17 ca, Đắk Lắk (1), Hà Nam (1), Lạng Sơn (2), Bắc Giang (31), Bắc Ninh (15), Hưng Yên (2), Hòa Bình (2), Đà Nẵng (17), Thừa Thiên - Huế (2), Quảng Nam (1), Quảng Trị (1).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.