Xế trưa, tiếng máy đào xúc ủi tại đoạn Km205 đường HCM nhánh Tây qua địa bàn Hướng Hóa (Quảng Trị) vẫn rền vang. Hơn chục xe, máy chuyên dụng của các công ty cầu đường hoạt động hết công suất, san gạt khối đất đá sạt lở tràn lấp mặt đường.

Gần tuần lễ nay, ông Trần Quang Thanh, Phó cục trưởng Cục QLĐB II (Tổng cục Đường bộ VN) bám trụ ở tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để chỉ đạo thi công khắc phục sạt lở, hư hại gia tăng do mưa lũ kéo dài.

Đây cũng chính là đoạn tuyến sạt lở phức tạp nhất trên hệ thống các tuyến quốc lộ qua Quảng Trị, với ít nhất hơn chục vị trí cắt đường.

Vừa lội trên lớp bùn nhão, ông Thanh cho biết, ngay từ chiều 18/10, các lực lượng chức năng Cục, Chi cục QLĐB II.5, đơn vị thi công ngành GTVT, Sở GTVT Quảng Trị được tăng cường, dồn sức khắc phục sạt lở, thông đường vào Đoàn 337.

Đến nay, hơn chục vị trí sạt lở taluy dương và taluy âm ở đây đã cơ bản khắc phục, đảm bảo giao thông tạm, góp phần đẩy nhanh công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tuy nhiên, tại đoạn Km189 - Km205 đường Hồ Chí Minh nhánh Tây này vẫn bị sạt lở nghiêm trọng. Dọc 15km có đến hàng chục điểm hư hại, cắt đường dạng chữ U, gây khó khăn cho công tác khắc phục.

“Hơn 10 thiết bị chuyên dụng được huy động đến hiện trường. Tranh thủ điều kiện thuận lợi, anh em làm việc hết công suất. Khó nhất là vật liệu để gia cố, kè chắn do phương tiện vận tải lớn không thể chở từ ngoài vào. Chúng tôi đang tính phương án để trung chuyển bằng xe thô sơ”, ông Thanh nói.

Đây chỉ là một trong hàng chục “điểm nóng” sạt lở, cắt đường trên tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây qua Quảng Trị. Thống kê toàn tuyến đường này từ Quảng Bình vào đến Huế, có đến gần 300.000 khối đất sạt lở, hàng loạt hệ thống cầu cống bị ảnh hưởng.

Tại Thừa Thiên - Huế, hiện còn hơn chục điểm sạt taluy dương, gây tắc đường tại Km 384+950, Km 389+900, Km 391+410; Km 392+050; Km 393+100...

Ghi nhận PV, hiện các vị trí hư hỏng, sạt lở đều được các đơn vị quản lý đường tiến hành rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo, bố trí lực lượng túc trực điều tiết giao thông và khắc phục khẩn cấp.

Ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục QLĐB II cho biết, đơn vị đã tăng cường tối đa lực lượng để bám đường, nỗ lực thông tuyến sớm nhất. “Khối lượng khắc phục còn rất nhiều, thời tiết diễn biến phức tạp nên chúng tôi đang căng sức, vừa đẩy nhanh tiến độ sửa chữa vừa đảm bảo an toàn”, ông Thanh nói.

Chiều 22/10, trực tiếp thị sát các tuyến quốc lộ tại miền Trung sau mưa lũ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục tập trung tối đa đẩy nhanh công tác khắc phục hư hỏng, thông sớm nhất các vị trí cắt đường còn lại do mưa lũ.

Theo Bộ trưởng, nhiều vị trí sạt lở, cắt đường đã được xử lý, thông tuyến cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành, địa phương. Một số khu dân cư vẫn còn bị cô lập do đường xa chưa thể thông tuyến, cần tập trung tối đa, đẩy nhanh công tác khắc phục...

Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN, các Vụ, Cục chức năng khẩn trương xuất nguồn kinh phí dự phòng năm 2020 tập trung đảm bảo giao thông bước 1 và thông sớm nhất các tuyến quốc lộ. Theo Bộ trưởng, kè rọ đá, giải phóng đất đá tràn mặt đường là việc cấp thiết phải làm ngay, về lâu dài phải kiên cố hóa những vị trí trọng yếu...

Trực tiếp ở hiện trường chỉ đạo công tác khắc phục hư hại giao thông do mưa lũ trên địa bàn Huế, Quảng Trị những ngày qua, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho hay, ngành GTVT huy động tối đa nhân vật lực của Sở GTVT, Cục QLĐB II, các Chi cục QLĐB, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp ngành GTVT để tăng tiến độ mở đường, thông tuyến những vị trí sạt lở, cắt đường... Đồng thời, phối hợp với địa phương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 triển khai công tác cứu hộ cứu nạn.

Đến nay, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây từ phía Đông Hà vào Đoàn kinh tế 337 đã cơ bản thông suốt nhưng đoạn ra hướng Bắc vẫn đang còn bị sạt lở, chia cắt. Đặc biệt, đoạn Km 189+840 - Km 205+400 vẫn chưa thể tiếp cận trực tiếp. Sạt lở cắt đường khiến 2 xã của Hướng Hóa đang bị cô lập với hàng trăm nhân khẩu đang được các đơn vị chức năng khẩn trương mở đường, thông tuyến.

Ông Lê Ngọc Minh, Cục trưởng Cục QLĐB II cho hay, đơn vị quản lý 15 tuyến quốc lộ với chiều dài gần 3.000km, hiện tất cả các tuyến đều bị ảnh hưởng, với kinh phí cần khắc phục thiệt hại bước 1 cần hơn 250 tỷ đồng.

Thống kê, tổng số chiều dài đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị hư hỏng, ảnh hưởng nặng ước tính trên toàn tuyến khoảng 16/400,7km.

Tuyến đường QL9 tỉnh Quảng Trị bị hư hỏng khoảng 4km; tuyến QL49 tỉnh Thừa Thiên - Huế hư hỏng khoảng 2,3km; Tuyến QL12C qua Hà Tĩnh và Quảng Bình hư hỏng khoảng 0,7km…

Ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT Quảng Trị cho biết thêm, hàng loạt tuyến quốc lộ ủy thác, tỉnh lộ trên địa bàn bị hư hỏng nặng. Chỉ riêng các QL15D, 9D, tỉnh lộ bị sạt lở taluy dương nền đường khoảng 20.000m3, 8 vị trí sụt trượt nền đường, tạo hàm ếch trên QL1D... Tổng kinh phí ước tính cần đảm bảo giao thông bước 1 gần 100 tỷ đồng.

Còn theo lãnh đạo Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, đơn vị đang tập trung khắc phục, đảm bảo giao thông tạm trên các tuyến quốc lộ ủy thác, đường tỉnh. Mưa lũ khiến tuyến QL49B bị hư hỏng, bong bật nghiêm trọng mặt đường, móng đường tại khá nhiều vị trí.

Bài và ảnh: Xuân Huy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.