Xã hội

Khẩn trương khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất

05/05/2020, 19:28

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm khẩn trương khởi động lại nền kinh tế.

img
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Chiều 5/5, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ sau 2 tháng gián đoạn vì phải thực hiện cách ly xã hội.

Tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cùng ngày, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong giai đoạn bình thường mới, được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Trong 3 tháng qua, cả hệ thống tập trung chống dịch. Quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng là chống dịch như chống giặc, lấy phòng dịch là ưu tiên, khóa chặt nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch hiệu quả, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe người dân. Đến nay, đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, gần 20 ngày không phát sinh ca nhiễm ngoài cộng đồng, chưa có trường hợp tử vong vì dịch.

“Thắng lợi đến thời điểm này rất quan trọng, khẳng định ý chí quyết tâm, thống nhất của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội tháng 4 của Việt Nam, đặc biệt trong 3 tuần giãn cách xã hội.

Về nhiệm vụ thời gian tới, người phát ngôn Chính phủ dẫn lời Thủ tướng khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ là phải quyết tâm khởi động lại nền kinh tế một cách nhanh nhất, sớm đưa nền kinh tế phát triển bình thường, dù có rất nhiều khó khăn.

“Chúng ta phải có quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu, từ cải cách thế chế, đến thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Trong phòng chống đại dịch, ông Dũng cho biết Thủ tướng đã dự nhiều hội nghị cấp cao, qua đó các nước đều đánh giá cao thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch. Vì ở vị trí của Việt Nam, nguy cơ lây nhiễm là rất lớn, cộng với nền kinh tế có độ mở cao, nhiều khách du lịch, đầu tư… Việt Nam chủ động từ đầu, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nên uy tín, lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế được nâng lên.

“Khi có lòng tin, có được sự tin cậy của các nước trước kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam, chúng ta phải sẵn sàng các điều kiện để đón các làn sóng đầu tư”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhìn nhận.

Theo đánh giá của Chính phủ tại phiên họp cùng ngày, đại dịch Covid-19 ở Việt Nam đến nay cơ bản được kiểm soát khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh để tận dụng “thời gian vàng” chống dịch và chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế ngắn hạn. Nhưng đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam trong tháng 4/2020. Theo số liệu của ngành thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 giảm 10,5% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 4 tháng chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh, nhiều cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành phải tạm đóng cửa; 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giảm 4,3% (riêng tháng 4 giảm 26%). 4 tháng đầu năm, cả nước có 37.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 13,2% và giảm 17,9% vốn đăng ký, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700 doanh nghiệp, tăng 33,6%.

Trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh, gần 20 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, đời sống, tăng trưởng. Theo đó, phải sớm phục hồi phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội bởi đây là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và nhân dân cả nước.

Chính phủ quán triệt làm sao tăng trưởng đạt được mục tiêu cần thiết. Dẫn lại dự báo của IMF về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay (cao nhất Đông Nam Á, khoảng 2,7%), Thủ tướng cho rằng chúng ta phải đạt cao hơn mức này, không được để tăng trưởng thấp.

Thủ tướng lưu ý, có tăng trưởng mới giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất. Cùng với nhiệm vụ đó, phải kiểm soát được lạm phát dưới ngưỡng 4%.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.