Hạ tầng

Khẩn trương nâng cấp QL1 đoạn qua hai tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng

24/09/2020, 12:58

Dự kiến đến năm 2022 sẽ hoàn thành dự án nâng cấp, cải tạo QL1 đoạn từ TP. Ngã Bảy (Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng).

img
Tuyến QL1 đoạn qua TP. Ngã Bảy (Hậu Giang) thường xuyên bị ngập nước do mưa lớn và triều cường dâng.

Ngày 24/9, tin từ Ban QLDA 7 (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị này vừa có báo cáo về công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp QL1 đoạn từ TP. Ngã Bảy (Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (Sóc Trăng).

Tổng kinh phí hơn 1.680 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe cơ giới

Theo đó, dự án thuộc nhóm B do Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 533 ngày 7/4/2020.

Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng hơn 20km (trong đó, qua địa phận tỉnh Hậu Giang là 8,9km và tỉnh Sóc Trăng là 10,9km). Điểm đầu của dự án tại Km 2100+000 (nối vào điểm cuối dự án mở rộng QL1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp) và điểm cuối của dự án tại Km 18+600 (nối vào điểm đầu dự án mở rộng QL1 đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng).

Dự án có tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III đồng bằng theo TCVN4054-2005; vận tốc thiết kế 80km/h; tần suất thiết kế P=4%; mặt cắt ngang thiết kế đạt quy mô đường cấp III đồng bằng, với 4 làn xe cơ giới.

Phần đường chia làm 2 đoạn: đoạn thứ nhất từ Km 2100 - Km 2104+200 (tỉnh Hậu Giang), tuyến được mở rộng hai bên để tận dụng mặt bằng đã giải phóng trước đây giai đoạn 1 của dự án tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (giải phóng mặt bằng từ chân taluy hoặc mép ngoài công trình ra mỗi bên là 7m); đoạn thứ 2 từ Km 2104+200 - Km 2118+600, tuyến cơ bản bám theo QL1, mở rộng về bên trái tuyến (theo hướng Phụng Hiệp - Sóc Trăng) nhằm đảm bảo ổn định công trình trong quá trình khai thác lâu dài do kênh Sóc Trăng chạy dọc bên phải tuyến.

Mặt đường cấp cao A1, lớp mặt bằng bê tông nhựa nóng, đảm bảo mô đuyn đàn hồi yêu cầu Eye lớn hơn hoặc bằng 160 Mpa. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới hoặc nối dài hệ thống thoát nước cũ đảm bảo khả năng thoát nước khu vực, tránh ngập úng.

Dự án xây dựng 1 đơn nguyên cầu mới bên cạnh các cầu cũ gồm 3 cầu: Mái Dầm, Rạch Côn và Ba Rinh, quy mô vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép (BTCT) và (BTCT) dự ứng lực theo tiêu chuẩn TCVN11823-2017. Đối với 2 cầu trung còn lại là cầu Kênh Đào và cầu Mang Cá có kết cấu nhịp giản đơn trên đoạn tuyến tránh QL1 đoạn qua thị xã Ngã Bảy (tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp) mở rộng hai bên.

Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.680 tỷ đồng (bao gồm: chi phí xây lắp; chi phí GPMB; chi phí QLDA, TV và khác; chi phí dự phòng). Trong đó, đã cân đối bố trí 32 tỷ đồng trong kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ GTVT (được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1706/QĐ-TTg ngày 29/11/2014).

Đồng thời, Bộ GTVT đã có văn bản số 1161/BGTVT-KHĐT ngày 13/2/2020 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung, trong đó phân bổ cho dự án 32 tỷ đồng.

Do dự án được bố trí một phần kinh phí thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, nên sẽ là dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021 - 2025. Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), dự án đủ điều kiện và được ưu tiên bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với số vốn còn lại hơn 1.651 tỷ đồng.

Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào tháng 5/2021 và hoàn thành năm 2022, do Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án

Đến thời điểm này, chủ đầu tư đã lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi 3 gói thầu (gói thầu CPĐT02, tư vấn khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; gói thầu CPĐT03, tư vấn thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; gói thầu CPĐT04, tư vấn lập khung chính sách về bồi thường, hỗ tái định cư).

Đơn vị tư vấn đã hoàn thành toàn bộ công tác khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; Ban QLDA 7 đã có văn bản gửi Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam về việc thỏa thuận tĩnh không thông thuyền đơn nguyên 2 cầu Rạch Côn trên tuyến tránh TP. Ngã Bảy (lấy theo cầu Rạch Côn hiện hữu).

Đồng thời, Ban QLDA 7 cũng đã có văn bản gửi hai tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng về việc thống nhất một số nội dung thiết kế cơ sở 3 của dự án.

Hiện nay, tư vấn thiết kế đang tập trung giải quyết các thủ tục liên quan đến dự án (thỏa thuận tĩnh không thông thuyền các cầu, thống nhất thiết kế cơ sở...), phấn đấu hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án để thẩm tra và trình Bộ GTVT xem xét, thẩm định, phê duyệt vào giữa tháng 10/2020.

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), ngay sau khi dự án được Bộ GTVT phê duyệt Chủ trương đầu tư, Ban QLDA 7 đang triển khai và phối hợp với các Sở, ngành và huyện, thị liên quan thuộc hai tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng xem xét, giải quyết các thủ tục thu hồi đất.

Để rút ngắn thời gian thực hiện dự án, Ban QLDA 7 kiến nghị Bộ GTVT xem xét, cho phép kết quả cuộc họp ngày hôm nay, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, các ý kiến đóng góp của hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, Tư vấn thiết kế cập nhật và hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đồng thời cho phép triển khai ngay thủ tục lựa chọn nhà thầu tư vấn lập hồ sơ thiết kế và cắm cọc GPMB - mốc lộ giới, vì hạng mục công việc này quyết định tiến độ khởi công dự án.

Đồng thời, đề nghị UBND hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng xem xét, rà soát lại khung giá đất, đơn giá đền bù bồi thường kiến trúc, hạ tầng trên địa bàn nơi có dự án đi qua để làm cơ sở triển khai áp giá đền bù ngay sau khi dự án được phê duyệt. Bên cạnh đó, sớm cho thành lập Hội đồng đền bù, GPMB để phối hợp tiếp nhận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB - mốc lộ giới và triển khai ngay các công việc tiếp theo khi đơn vị tư vấn bàn giao thực địa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.