Thị trường

Khăn ướt trẻ em có chất cấm bán đầy siêu thị

21/05/2015, 18:32

Trước thời hạn cấm lưu hành của Bộ Y tế, các loại khăn ướt có thành phần bị cấm vẫn bán đầy siêu thị.

khan-uot-co-chat-cam-hinh-anh
Một sản phẩm khăn ướt trẻ em có chất bảo quản có dẫn xuất Isobutylparaben

Khăn ướt ngày càng được sử dụng phổ biến trong đời sống gia đình. Do tính tiện dụng nên sản phẩm này hướng tới đối tượng trẻ em rất nhiều. Khi Cục quản lý Dược, Bộ Y tế có công văn khẩn cấp, đưa ra danh mục chất cấm thì người tiêu dùng mới giật mình khi phát hiện ra các loại khăn ướt sử dụng hàng ngày có thành phần bị cấm.

Theo đó, hai loại chất bản quản bị cấm là 5 dẫn xuất Paraben (gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) và Methylisothiazolinone đều phổ biến trong các loại khăn ướt.

Theo khảo sát của PV, ngoài những loại khăn ướt chứa Methylisothiazolinone như Wonder Care, Teen care, Baby Care, We Care của Cổ Phần TM&DV Quốc Tế Việt Úc còn có sản phẩm thương hiệu Skinlite nhập khẩu Hàn Quốc cũng có chất này. 

Còn khăn ướt có chứa chất cấm Paraben cũng phổ biến không kém. Trong đó, đáng chú ý loại đang bán khá phổ biến trên thị trường là Bobby, khăn ướt trẻ em 60 tờ, của Công ty CP Diana Unicharm. Theo quy định của Bộ Y tế thì sản phẩm này cấm lưu hành sau 30/7/2015.

khan-uot-chua-chat-cam-hinh-anh-2
5 dẫn xuất Paraben bị cấm và Methylisothiazolinone có trong trong khăn ướt trẻ em có thể gây hại cho hệ nội tiết

Nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng các chất bảo quản này trong sản phẩm mỹ phẩm, khăn ướt, sữa tắm vì nguy cơ cho sức khỏe, gây hại cho hệ nội tiết. Sau khi báo chí thông tin, thậm chí đã có một làn sóng tẩy chay khăn ướt có chất cấm trên cộng đồng mạng.

Theo ghi nhận, hiện nay thị trường có tới hơn 50 nhãn hàng khăn giấy ướt khác nhau với mức giá dao động trong khoảng 15.000-50.000 đồng. Chỉ ít nhãn hàng đảm bảo chất lượng, có dây chuyền chuyên nghiệp, sản phẩm không có chất bảo quản có nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Ngoài sản phẩm có chất bảo quản cấm, vi phạm phổ biến trong thị trường khăn ướt phổ biến là về bao bì, nhãn mác. Chỉ một số công ty ghi thành phần của khăn ướt, còn lại, hầu hết các sản phẩm có chất lượng hoàn thiện bao bì, đóng gói kém đều không ghi thành phần sản xuất.

Một số sản phẩm còn lập lờ thông tin kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”, được quảng cáo chiết xuất 100% thiên nhiên và nước tinh khiết, chỉ có tem giấy dán bổ sung ghi tiếng Việt song vẫn được cấp phép bán ra trên các siêu thị cả nước, đặc biệt là siêu thị đồ dùng trẻ em.

Theo một một chuyên gia về thị trường, đến nay khăn ướt chưa được đưa về một ngành mặt hàng nào cụ thể, chịu sự quản lý của một cơ quan, đơn vị chuyên môn nào. “Có chăng chỉ là thỉnh thoảng quản lý thị trường có kiểm tra, còn lại không ai quản lý về chất lượng của khăn ướt mà đều do nhà sản xuất tự công bố”, vị này tiết lộ.  

Chính việc không ai quản lý nên dẫn đến thị trường khăn ướt hỗn loạn. Do đó, trong công văn khẩn, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đề nghị các tỉnh, thành phố yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại thành phần công thức các sản phẩm mỹ phẩm, cập nhật các danh mục để đảm bảo chỉ đưa ra lưu thông phân phối và sử dụng các sản phẩm an toàn. 

Công văn khẩn của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) nêu rõ các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần 5 dẫn xuất Paraben chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015. Còn với các sản phẩm chứa Methylisothiazolinone chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016.

Không chỉ có khăn ướt trẻ em, các chất này còn có trongnhiều sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng da, mascara, nước tẩy trang, kem cạo râu, sữa tắm...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.