Giao thông

Khánh Hòa bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông

22/12/2017, 21:07

Bình quân cứ 1 người dân TP. Nha Trang sở hữu 1,1 phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó 18 người/1 ô tô

IMG_8744

Theo đánh giá, tình trạng đông, kẹt xe đã xảy ra trên nhiều tuyến đường tại TP. Nha Trang. Ảnh: Quốc Nhựt

Tăng trưởng phương tiện vượt gần 3 lần đề án

Theo đánh giá, thời gian qua, tình hình giao thông trên địa bàn Tp. Nha Trang (Khánh Hòa) diễn biến tương đối phức tạp, trong đó có sự gia tăng tình trạng xe đông, ùn tắc tại một số tuyến đường. Nổi bật là một số tuyến chính dẫn vào TP. Nha Trang như: đường 23/10, đường Lê Hồng Phong, 2/4, với các điểm nút thường xảy ra hiện tượng ùn tắc là Mã Vòng, vòng xoay Nguyễn Trãi - Lê Thánh Tôn, điểm giao đường sắt và 23/10. Lượng xe đông thường tập trung vào giờ cao điểm buổi sáng 6h30 - 7h30 và buổi chiểu 16h30-18h30.

Phòng quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, hiện có 5 nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Theo đó, hiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị thành phố còn yếu, không kịp đáp ứng nhu cầu giao thông thực tế so với lượng phương tiện. Tỷ lệ tăng trưởng phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn trong 3 năm qua tăng bình quân từ 6,65% đến 7,74%; trong đó phương tiện ô tô tăng bình quân từ 25,63% đến 27,9%, đặc biệt trong năm 2017 tăng đột biến so với năm 2015 (ô tô tăng 60,7% và mô tô tăng 12,9%). Tỷ lệ tăng trưởng này vượt ngoài dự đoán của đề án phát triển, tổ chức giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố. 

IMG_8707

Mỗi ngày, có hơn 1.200 lượt phương tiện ô tô trên 45 chỗ vận chuyển và lưu thông trên các tuyến đường khách tham quan tại Nha Trang. Đây được xem là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kẹt xe trên địa bàn.

“Tính ra, bình quân cứ 1 người dân TP. Nha Trang sở hữu 1,1 phương tiện cơ giới đường bộ, trong đó 18 người/1 ô tô. Trong khi hệ thống đường giao thông đô thị tại trung tâm thành phố hầu như không được mở rộng dẫn đến lưu lượng và khả năng thông hành của các phương tiện trên từng tuyến đường trung tâm thành phố tăng đột biến gây ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm”, ông Ngô Khắc Thinh, Phó Phòng quản lý đô thị TP. Nha Trang phân tích.

Bên cạnh đó, theo đánh giá, việc tổ chức giao thông trên địa bàn thành phố phổ biến là làn xe hỗn hợp, gây lộn xộn trên đường, giảm năng lực thông hành của từng tuyến và nhất là các nút giao thông. Toàn TP. Nha Trang hiện có 6 nút giao cắt đồng mức với 6-7 hướng dẫn vào nút (ngã 6, ngã 7). Một số điểm nút thiết kế chưa hợp lý.

Một nguyên nhân quan trọng khác đó chính là sự phát triển nhanh của ngành du lịch Nha Trang kéo theo sự gia tăng về lượng khách du lịch, cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 4 sao. Đặc biệt là các công trình cao tầng (tổ hợp căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại…) được đầu tư với tốc độ nhanh và nằm dọc trục đường chính toàn thành phố cũng là một nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông cục bộ trên các tuyến này.

Riêng năm 2017, bình quân mỗi ngày trên địa bàn TP. Nha Trang có hơn 56 ngàn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng. Để phục vụ cho lượng du khách này thì có hơn 1.200 lượt phương tiện ô tô trên 45 chỗ vận chuyển và lưu thông trên các tuyến đường khách tham quan.

Phải tổ chức lại không gian đô thị

Trước thực trạng ùn tắc giao thông đang có xu hướng ngày càng tăng, kiến trúc sư Nguyễn Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa đề xuất cần phải tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông TP. Nha Trang: Tầng hầm, tầng trệt các công trình nhà thiết kế chỗ để xe thì không được kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện.

“Các chung cư sắp kinh doanh đưa vào sử dụng có đủ diện tích để xe theo quy định chưa, dân số tòa nhà sáng đi làm có tạo ùn tắc giao thông không thì mình phải kiểm tra, thống kê và quản lý chặt vấn đề này”, ông Hoàng chia sẻ.

hop un tac

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất cần phải tổ chức không gian đô thị để chống ùn tắc giao thông TP. Nha Trang

Ông Hoàng còn đề xuất cần phải xử lý triệt để việc lấn chiếm lòng lề đường, nên thu phí thuê vỉa hè để xe mô tô (có lề đường lớn hơn 2,5m) của cơ sở kinh doanh… giống như thuê vỉa hè tập kết vật liệu thi công xây dựng. Đối với khu dân cư đô thị mới, quy hoạch nhà ở phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu hàng ngày (giáo dục mần non, giáo dục phổ thông cơ sở, văn hóa thông tin, chợ, dịch vụ thương mại, thể dục thể thao, giải trí, thư giãn…) của người dân trong bán kính đi bộ không lớn hơn 500m nhằm khuyến khích sử dụng giao thông công cộng và đi bộ.

Đồng tình với ý kiến của kiến trúc sư Hoàng, đại diện đơn vị kinh doanh khách sạn trên địa bàn Nha Trang cho biết cần có những quy định nghiêm ngặt hơn nữa về bãi đậu xe, tầng hầm đậu xe cho các công trình lớn như khách sạn trên 100 phòng, trung tâm hội nghị tiệc cưới. Ngoài ra, TP cần triển khai thêm nhiều các bãi đỗ xe ô tô, đặc biệt trên tuyến đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng.

“Các khách sạn nên phối hợp với các công ty lữ hành bố trí các giờ nhận trả phòng của khách lưu trú khác nhau tránh giờ cao điểm, để giảm bớt lượng xe lưu thông trên đường vào giờ cao điểm”, đại diện khách sạn chia sẻ.

Trung tá Lê Bửu Thọ - Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông TP. Nha Trang cho biết gian tới, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ tập trung rà soát, điều tra cơ bản tuyến Trần Phú và các nút giao thông phức tạp, từ đó có điều chỉnh về phân luồng giao thông. Đồng thời kiến nghị Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố thay đổi giờ cấm đối với các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách có tải trọng lớn trong giờ cao điểm, để hạn chế ùn tắc và bảo đảm vệ sinh môi trường…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.