Người dân sợ trả thù
Báo Giao thông nhận được thông tin của người dân xã Cam Thành Nam phản ánh tình trạng khai thác cát, đá, đất trái phép trên địa bàn xã gây nhiều hệ luỵ môi trường, đường sá bụi bặm do xe chở đất đá khai thác chạy qua.
Một ngày đầu tháng 9, PV báo Giao thông đến núi Hòn Rồng (thôn Quảng Phúc, xã Cam Thành Nam), chỉ tay về dãy núi trước mặt, một người dân chăn gia súc ở đây bật mí: "Đường lên núi để bà con lên làm rẫy nhưng giờ đã thành con đường để cho các xe lên núi chở cát đá khai thác. Khu vực khai thác cũng nằm án ngữ đường vào các rẫy của bà con. Ai muốn vào rẫy đều phải qua nơi khai thác này. Mọi hoạt động đều có người cảnh giới, người lạ sẽ không qua mắt được lực lượng này".
Theo quan sát, đường lên núi là dốc đá, xe tải phải gắn thêm cầu trước mới leo lên được. Vì vậy, sau gần một giờ đồng hồ mò mẫm với đá núi cheo leo, PV mới đến gần khu vực "thi công".
Việc tiếp cận "khai trường" trên núi rất khó vì đường vào cũng là lối đi duy nhất nằm giữa hai lán trại được dựng để vừa khai thác khoáng sản vừa làm nông nghiệp, chưa kể còn có nhiều con mắt cảnh giới. Trong bộ đồ của người đi bắt ong rừng, PV mới lọt qua được "trạm gác" này.
Tại đây, một cảnh tượng tan hoang diễn ra trước mắt, đằng sau dãy lán trại là một công trường khai thác khoáng sản rộng cả héc ta. Một vài vị trí được căng bạt để phục vụ việc chẻ đá. Nhiều lối đi được mở trong diện tích này để tiện cho máy múc, xe tải vào đào bới và "ăn hàng".
Trên triền núi, một chiếc máy múc hiệu Komatsu đang vục gầu múc cát lên cho một chiếc xe ben. Lát sau, khi no hàng, chiếc xe ben này trồi lên lộ BKS 81H-012.20.
Khi xe 81H-012.20 thùng đầy cát hàng phủ bạt chạy xuống núi thì xe ben 79H-011.11 vào thế vị trí để nhận hàng.
Mặt đất bị đào bới tứ tung, nhiều hố sâu hoắm. Những phiến đá được chia nhỏ thành từng hòn chất đống chờ vận chuyển ra ngoài. Nhiều dấu tích tại hiện trường chứng tỏ việc khai thác đã được tổ chức trong một thời gian dài mà chưa bị ngăn chặn.
Do đường hẹp nên hai chiếc xe này thay nhau lên xuống núi để vận chuyển khoáng sản đi tập kết tại một bãi vật liệu ở địa bàn xã Cam Thành Bắc. Nhiều ngày sau đó, tình trạng khai thác khoáng sản trên núi Hòn Rồng vẫn tiếp tục tái diễn.
Theo một người am hiểu về giá vật liệu xây dựng, với kích thước của các xe dùng để vận chuyển, mỗi xe đá hộc (tương đương 7 khối đá) bán trên địa bàn TP Cam Ranh dao động từ 1,2 triệu - 1,4 triệu đồng. Mỗi xe cát có giá bán từ 1 - 1,2 triệu đồng.
Người dân ở đây cho biết, phía trên nguồn nước đã bị người khai thác khoáng sản chặn lại để lấy rửa cát nên phía dưới ruộng hàng trăm héc ta mía, sắn, rau màu ở dưới không có nước để tưới. Suối cũng không còn chảy ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của bà con.
"Họ ngang nhiên khai thác, chạy xe tải bạt mạng, bụi mù mịt, rơi vãi đầy đường. Người khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Cam Thành Nam lớn nhất là ông H.V.T (khu vực khai thác khoảng 16 ha). Còn ông D, ông L, ông Năm N vẫn ngang nhiên khai thác đất, cát, đá chẻ. Họ còn mang máy múc, máy bơm hút cát, máy khoan và chẻ đá để khai thác. Chúng tôi không dám báo với ai vì sợ bị trả thù", một người dân (xin giấu tên) cho biết.
Xuống núi, theo con đường từ làng dân tộc Raglai nối ra đường trung tâm của xã Cam Thành Nam, đầu đường này một khung sắt cao khoảng ba mét đã được chính quyền địa phương đóng để ngăn chặn xe tải vào ra khu vực này. Tuy nhiên, ngay bên cạnh đó, một lối đi được mở hằn sâu vết lốp xe tải vòng tránh khung sắt này để vào núi Hòn Rồng.
Chính quyền "mới ngăn nhưng chưa chặn"
Ngày 25/9, PV tiếp tục có mặt tại con đường đi qua làng dân tộc Raglai thì thấy, lối đi hằn lốp xe tải đã bị rào bằng hai cánh cổng sắt. Thế nhưng cách đó không xa, một lối đi mới đã được mở còn hằn nguyên vết lốp xe tải.
Theo quan sát, trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại đây, hình hài núi Hòn Rồng trở nên nham nhở. Nhiều lối đi được mở dưới chân núi chằng chịt vết lốp xe tải.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch UBND xã Cam Thành Nam cho biết, xã đã nhiều lần kiểm tra, ngăn chặn nhưng vẫn không triệt để tình trạng khai thác lén lút.
Tháng 2/2023, xã Cam Thành Nam đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, khoáng sản trên địa bàn xã theo Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Cam Ranh.
UBND xã đã thành lập tổ kiểm tra, xử lý trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn mà nòng cốt là công an xã, địa chính, quân sự để tuần tra các khu vực trọng điểm dễ xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Ngày 29/3/2023 UBND xã Cam Thành Nam nhận được thông tin phản ánh việc khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực làng dân tộc Raglai. UBND xã đã thu giữ một máy xúc đưa về tại UBND xã.
Ông Dũng còn cho biết, do địa hình núi cao hiểm trở, lực lượng chức năng của xã không đủ người để bám sát. Trong khi đó, trên địa bàn hoặc vùng lân cận không có mỏ vật liệu trong khi đó nhu cầu xây dựng của người dân rất lớn.
Cũng theo ông Dũng, khu vực mà PV tận thấy rất khả năng là khu vực rẫy của ông Hai T là đất lâm nghiệp rộng hơn 15ha đã được giao sổ đỏ nếu có tình trạng khai thác trên núi chính quyền xã sẽ cho người kiểm tra.
"Đối phó với tình trạng khai thác khoáng sản rất khó. Khi chúng tôi tổ chức tuần tra thì những người khai thác khoáng sản trái phép đã cho người cảnh dưới trước cổng Uỷ ban xã để theo dõi. Nhiều khi, chúng tôi phải đi lần lượt từng người giả vờ sang xã khác rồi tập trung lại một điểm bí mật để lên núi.
Hiện nay, việc ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn càng khó khăn. Do quá áp lực, một công chức địa chính xã đã nạp đơn xin nghỉ việc, bản thân tôi cũng vừa bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền vì liên quan đến tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn", ông Dũng giãi bày.
Theo UBND TP Cam Ranh, đầu tháng 3 năm nay, UBND TP. Cam Ranh đã ban hành Kế hoạch tăng cường công tác quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND thành phố, trách nhiệm của cấp trưởng và công chức, viên chức phòng, ban chuyên môn; bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, trưởng công an và cán bộ, công chức các xã, phường trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn. Nhiều cán bộ xã, phường bị kỷ luật vì liên quan đến công tác quản lý đất đai, khoáng sản.
Thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, tổ chức, cá nhân về công tác quản lý khoáng sản, sử dụng đất. Bên cạnh đó, thường xuyên vận động nhân dân không tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; tích cực tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.
Từ tháng 3 đến nay, các xã, phường trên địa bàn đã tạm giữ 4 ô tô tải, 5 máy múc và nhiều thiết bị khác do liên quan đến việc khai thác đất đá trái phép.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hoà cho biết, khu vực mà phóng viên tiếp cận không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác. Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Khánh Hoà chỉ cấp phép khai thác khoáng sản để phục vụ thi công cao tốc Bắc - Nam.
"Việc khai thác khoáng sản trái phép trên đất lâm nghiệp là sai quy định. Chính quyền địa phương chiếu theo quy định xử phạt hành chính đối với chủ đất với hành vi huỷ hoại đất. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định Luật đất đai 2013", cán bộ này nói.
>>> Một số hình ảnh khai thác khoáng sản trái phép PV Báo Giao thông ghi lại:
Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận