Hạ tầng

Khánh thành cầu treo ở địa danh truyền thống của Bộ GTVT

29/12/2015, 16:20

Sáng nay (29/12), Tổng cục Đường bộ VN làm lễ khánh thành cầu treo dân sinh Múc Ròm tại huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

IMG_8689999999999
Cầu treo Múc Ròm được gắn biển công trình chào mừng 70 năm thành lập ngành GTVT và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.

Hơn 12 nghìn người dân hưởng lợi

Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, cầu treo dân sinh Múc Ròm là một trong những cây cầu nằm trong đề án cầu dân sinh đảm bảo ATGT vùng dân tộc thiểu số. Cầu treo Múc Ròm nối liền 2 xã Tuân Lộ và Hợp Hòa của huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) với số dân là gần 12.400 người.

Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Hồ chí Minh ký tuyên cáo thành lập Bộ Giao thông công chính, để đảm bảo an toàn trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trụ sở làm việc của Bộ đã được chuyển đến thôn Múc Ròm. Tại vùng căn cứ này, cơ quan đầu não của Bộ đã làm việc, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ngành và tham gia cuộc kháng chiến kiến quốc.

Do đó, công trình này không chỉ mang ý nghĩa về mặt xã hội mà còn là công trình tri ân, chào mừng 70 năm thành lập Bộ GTVT. Việc xây dựng cầu treo này biến ước mơ nhiều đời nay của nhân dân nơi đây thành hiện thực. Cây cầu giúp nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn, chấm dứt hoàn toàn cảnh người dân và các cháu học sinh phải đi qua sông bằng cầu tạm, cầu tre trong nhiều năm qua.

Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết trong những năm qua, được sự quan tâm của Bộ GTVT, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp, sửa chữa, tạo điều kiện thông thương hàng hóa giữa các địa phương nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn. Đặc biệt, được sự quan tâm của Bộ GTVT, các cầu treo dân sinh tại những vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hoàn thành góp phần đảm bảo ATGT của vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Các thôn, bản vào mùa mưa lũ không còn bị ngăn cách, các cháu học sinh yên tâm đến trường. Công trình thể hiện tình cảm, sự yêu thương của cán bộ, công nhân viên chức của ngành GTVT cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chung tay xây dựng cầu cho bà con dân tộc vùng sâu, vùng xa. 

Cũng tại buổi lễ khánh thành cầu treo Múc Ròm, ông Hải Anh đã đề nghị các địa phương, nơi có các cây cầu dân sinh mới được xây dựng thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng, đảm bảo trật tự ATGT để các công trình cầu treo được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất. 

IMG_0556666666666666
Cầu treo Múc Ròm được hoàn thành sau 3 tháng thi công, vượt tiến độn 20 ngày

Dân đón Tết sớm vì có cầu mới

Cầu treo Múc Ròm qua sông Phó Đáy được xây dựng ba nhịp bằng kết cấu thép, bề rộng 2 mét, dài 120m, tuổi thọ thiết kế 25 năm. Toàn bộ kết cấu cầu làm bằng thép được mạ kẽm và sơn chống rỉ. Cầu được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa trong chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT phát động.

Cầu Múc Ròm hoàn thành đã kết nối thông thương giữa các xã của huyện Sơn Dương. Trong niềm vui hân hoan ngày có cây cầu mới, bà con hai bên đầu cầu đã nô nức rủ nhau đến ngắm nhìn, đi thử.

Bà Nguyễn Thị Phức, 70 tuổi, ở thôn Múc Ròm kể: “Trước kia chúng tôi phải đi qua cầu phao, mỗi lần đi qua mất 5 nghìn đồng cả người cả xe. Có hôm đi chợ bán mấy mấy mớ rau cũng chỉ đủ tiền qua cầu phao. Giờ có cây cầu này dân mừng lắm, đi lại an toàn mùa mưa lũ lại không mất tiền. Con cháu tôi đi làm, đi học cũng yên tâm. Dân ở đây năm nay ăn Tết sớm cũng là ăn mừng có cây cầu”.

IMG_0541 (1111111111111)
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện và ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cùng người dân địa phương đi trên cây cầu mới.

Bà Phức còn cho biết, trước đây vào mùa mưa lũ, hầu như các hộ dân đều phải tích đồ ăn mấy ngày, đợi nước rút mới có thể đi chợ. Các cháu nhỏ phải nghỉ học ở nhà. Giờ có cầu rồi, không sợ lũ nữa.

Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng cầu treo dân sinh Múc Ròm trước Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sẽ giúp nhân dân trong vùng đi lại thuận lợi, an toàn và mang niềm vui lớn cho nhân dân địa phương trong dịp năm mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.