Thời sự

Khánh thành Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ

05/10/2014, 18:43

Sáng nay, tỉnh Nam Định long trọng khánh thành Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ - người được biết đến là Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng nhiều năm nhất, cho đến nay- tại xã Nam Vân, TP Nam Định.

Lãnh đạo Đảng và quan khách tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm

Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, Nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An... cắt băng khánh thành Khu tưởng niệm

Phát biểu tại lễ khánh thành, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Hồng Hà điểm lại tiểu sử và công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ với đất nước. "Đồng chí thường được Đảng, Bác Hồ giao những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng. Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những đồng chí lãnh đạo quan trọng của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ chốt của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, người có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với trọng trách là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí tiếp tục làm hết sức mình, đóng góp trí tuệ vào sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Ông là tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, tinh thần cách mạng dũng cảm, lạc quan, kiên cường, bất khuất, đức tính cần kiệm, liêm chính và tình thương đối với đồng đội, đồng chí", ông Hà nói.

Lãnh đạo Đảng và quan khách tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm
Lãnh đạo Đảng và quan khách tại lễ khánh thành Khu tưởng niệm

Dự án xây dựng Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ gồm 3 hạng mục chính: Khu lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ; cải tạo đường giao thông đoạn từ Quốc lộ 21 đến đường Vũ Hữu Lợi, kè sông Lèo; cải tạo Trường THCS Nam Vân. Trong đó, hạng mục chính Khu tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ bao gồm: Xây mới Nhà tưởng niệm đồng chí Lê Đức Thọ dạng chữ “Nhị” theo kiến trúc truyền thống kết cấu gỗ. Tiền đường là nơi trưng bày cách hiện vật, tư liệu, sách báo, bài viết giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Lê Đức Thọ. Hậu cung là nơi thờ đồng chí Lê Đức Thọ. Cải tạo nhà thờ chi họ Phan theo đúng vị trí và kích thước nguyên trạng; thay thế tường, mái bằng hệ thống cột, khung vì gỗ lim, mái lợp ngói ngũ hài, nền nhà lát gạch bát. Xây mới 2 nhà bia để dặt các tấm bia cổ. Xây mới nhà khác theo kiến trúc truyền thống nhà 5 gian, 2 mái. Dự án khánh thành nhân dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ, nhằm tôn vinh và khẳng định công lao, những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam nói chung và quê hương Nam Định.

Lễ khánh thành Khu tưởng niệm đúng dịp kỷ niệm 103 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10/10/1911, mất năm 1990). Đồng chí Lê Đức Thọ tên thật là Phan Đình Khải, sinh tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nay là xã Nam Vân (TP Nam Định). Đồng chí đã tham gia nhiều hoạt động cách mạng (tổ chức bãi khóa, dự lễ truy điệu nhà chí sĩ Phan Chu Trinh, lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh...) và bị Pháp bắt giam hai lần (1930-1936 và 1939-1944). Sau khi được thả tự do lần thứ hai, ông trở về Hà Nội hoạt động và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Năm 1944 ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Quốc hội chụp ảnh lưu niệm
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, nguyên lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Quốc hội chụp ảnh lưu niệm

Từ năm 1956 đến năm 1982, ông liên tiếp đảm trách cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng (trong giai đoạn này có 3 năm gián đoạn), tổng cộng 23 năm. Ngoài ra, ông để lại dấu ấn lớn trong lịch sử ngoại giao Việt Nam trên cương vị cố vấn đặc biệt cho đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris, bàn về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Thọ từng được trao tặng giải Nobel Hòa bình cùng Henry Kissinger vào năm 1973 nhưng ông đã từ chối với lý do hòa bình chưa thực sự lập lại trên đất nước Việt Nam. Đây là giải Nobel duy nhất dành cho người Việt cho đến nay.

Đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân chương, danh hiệu vinh dự cao quý khác. Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười. Đảng và Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăngco.

Thân phụ đồng chí Lê Đức Thọ có 8 người con, thì có tới ba người có những công lao to lớn cho cách mạng gồm: Lê Đức Thọ, Đinh Đức Thiện (Thượng tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT), Đại tướng Mai Chí Thọ (nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nay là Bộ Công an).

Nhật Anh

Ảnh: Hồng Chuyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.