Doanh nghiệp

Khánh thành nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1

17/09/2015, 10:03

Ngày 17/9, tại Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức lễ khánh thành NMNĐ Vũng Áng 1.

pvp 5

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy

Công trình nguồn điện gồm hai tổ máy có công suất lớn nhất tại Việt Nam (600MWx2). Dự án do PVN làm chủ đầu tư, Tổng thầu EPC là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA).

Tỷ lệ nội địa hoá cao

Nhà máy Nhiệt điện Vũng (NMNĐ) Áng 1 có công suất 1200 MW (2x600 MW) đã đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 từ ngày 31/12/2014 và tổ máy số 2 từ ngày 12/5/2015. Đến nay, nhà máy đã cung cấp cho hệ thống điện Quốc gia trên 3 tỷ kWh. Là dự án nhiệt điện than có công suất tổ máy lớn, sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, hiệu suất cao, đáp ứng tốt yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Hàng năm, khi đi vào vận hành nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống khoảng 7,2 tỷ kWh, góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ tải của khu vực nói chung và hệ thống điện Quốc gia nói riêng. Doanh thu hàng năm của nhà máy dự kiến khoảng từ 7-8 nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của Tập đoàn và đóng góp đáng kể cho khoản thu ngân sách của trung ương và địa phương.

Thay mặt chủ đầu tư PVN, Quyền chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh khẳng định, NMNĐ Vũng Áng 1 là một trong những dự án điện cấp bách được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg ngày 09/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 được Thủ tướng Chính phủ giao cho PVN làm Chủ đầu tư và Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam làm Tổng thầu EPC cùng với các nhà thầu phụ có năng lực trong nước thực hiện

Ông Khánh cũng cho hay, dù điều kiện địa hình địa chất phức tạp, hạ tầng cơ sở còn nhiều hạn chế, khí hậu khắc nghiệt, được triển khai xây dựng trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều khó khăn, nhưng các bên đã khắc phục khó khăn hoàn thành các mục tiêu tiến độ của Dự án đảm bảo chất lượng, và an toàn. “Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 là một trong số ít các Dự án nhiệt điện than đã đạt mức nội địa hóa có tỉ lệ đáng khích lệ (khoảng 30%) đối với thiết kế, chế tạo, vật tư thiết bị trong nước, trong đó có gói thầu có tỉ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất được”, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh khẳng định.

Ý nghĩa bước ngoặt

Theo Tổng giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn, khó khăn, thử thách trong suốt quá trình triển khai dự án phải kể đến các vấn đề về công nghệ đốt than, tối ưu hóa nhiệt lượng, chuyển giao và làm chủ công nghệ phát điện và sự khắc nghiệt về thời tiết tại Vũng Áng. Tuy nhiên, PVN và LILAMA cùng các nhà thầu xây dựng, lắp đặt, vận hành đã vượt qua các thử thách, đưa nhà máy vào vận hành thương mại đúng vào mùa khô năm 2015, được hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá cao, tiêu hao nhiệt giảm, công suất phát cao lại tiết kiệm nhiên liệu, khí phát thải lại thấp hơn nhiều tiêu chuẩn cho phép.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Có một ý nghĩa bước ngoặt từ dự án này. Đây là nhà máy chạy bằng than của nước ta mà than antraxit của nước ta rất khó sử dụng. Hai tổ máy có công nghệ hiện đại mà lần đầu tiên chủ đầu tư là doanh nghiệp Việt Nam, Tổng thầu cũng là doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta làm sao phải phát huy nội lực để độc lập tự chủ vươn lên. Trong đó chúng ta quán triệt làm chủ đầu tư, đi thẳng lên công nghệ hiện đại. Đến nay, nhà máy phát điện an toàn, công suất cao nhưng mức đầu tư lại thấp. So sánh với Vũng Áng 2 đầu tư theo phương thức BOT công suất cũng như vậy thì thấp hơn 800 triệu USD”.

Thủ tướng cũng cho biết, điều đáng mừng nhất là đội ngũ công nhân kỹ sư của Việt Nam trưởng thành. “Phải nói là tất cả các nguồn điện chúng ta đều làm được chỉ trừ điện nguyên tử chúng ta chưa làm. Từ đó, có thể nói độc lập tự chủ, nội lực là rất quan trọng đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tôi rất mong rằng thời gian tới phải tiếp tục con đường này, chúng ta không được phép chủ quan, tự mãn bởi công nghệ, kỹ thuật sẽ đòi hỏi nhiều hơn, yêu cầu môi trường cũng cao hơn. Tôi yêu cầu các dự án sau như NMNĐ Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1 thì tỉ lệ nội địa hóa phải cao hơn, kỹ thuật và công nghệ tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Các Thông tin chính về Dự án

Tên dự án: Dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1;

Địa điểm dự án: Thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh;

Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Ban QLDA Điện lực Dầu khí Vũng Áng Quảng Trạch là đại diện Chủ đầu tư);

Tổng thầu EPC: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA);

Tư vấn quản lý Dự án PMC: Poyry;

Quy mô công suất: 1.200MW (2x600MW);

Các thiết bị công nghệ chính: Lò hơi kiểu than phun, đốt trực tiếp, kiểu đốt down-shot, tuần hoàn tự nhiên, quá nhiệt trung gian một cấp, thông số cận tới hạn; Tuabin kiểu ngưng hơi 3 thân, đồng trục, công suất 600MW.

Loại nhiên liệu sử dụng: Nhiên liệu chính là than cám 5A Hòn Gai - Cẩm Phả và Vàng Danh - Uông Bí; Nhiên liệu phụ dầu HFO số 2B theo TCVN dùng để khởi động và đốt kèm khi phụ tải lò hơi ≤ 60% phụ tải định mức.

Cấp điện áp đấu nối vào hệ thống điện quốc gia: 220/500kV.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.