Hạ tầng

Khánh thành tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Cần Thơ đi Kiên Giang còn 50 phút

12/01/2021, 06:00

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chính thức khánh thành ngày 12/1, thời gian từ Cần Thơ về Kiên Giang chỉ còn 50 phút, thay vì 90 phút nếu đi theo QL80.

img

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi chính thức khánh thành, đưa vào khai thác, quản lý theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được khởi công năm 2016, do Bộ GTVT là chủ đầu tư, Tổng Công ty Cửu Long là đơn vị đại diện chủ đầu tư quản lý dự án.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tuyến đường dài 51 km, được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp.

Liên danh Lotte - Halla - Hanshin là nhà thầu chính thi công Gói thầu CW1; Liên danh nhà thầu Kumho - Huyndai (Hàn Quốc) thi công gói thầu CW2.

Với việc khánh thành, đưa vào khai thác tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và quản lý theo tiêu chuẩn cao tốc, thời gian từ Cần Thơ về Kiên Giang chỉ còn 50 phút, thay vì 90 phút đi theo quốc lộ 80.

img

Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được Bộ Giao thông vận tải triển khai xây dựng từ năm 2016.

Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi là đoạn thuộc trục Chơn Thành - Đất Mũi của đường Hồ Chí Minh. Theo phân kỳ đầu tư, dự án được xây dựng có tiêu chuẩn quy mô đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 80 km/h; có 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ được đầu tư với quy mô 6 làn xe và mặt đường bê tông nhựa, vận tốc thiết kế là 100 km/h.

img

Dự án có tổng chiều dài 51km, điểm đầu kết nối với cầu Vàm Cống, thuộc địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ; điểm cuối tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Trước đó vào chiều 15/10/2020, Bộ GTVT phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang, UBND TP Cần Thơ tổ chức thông xe kỹ thuật tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Háo hức ra ngắm tuyến đường sắp hoàn thành, ông Nguyễn Văn Chương (huyện Châu Thành, Kiên Giang) cho biết, người dân Kiên Giang rất hào hứng chờ đón ngày thông xe tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

Bởi hiện nay từ Kiên Giang lên Vàm Cống chỉ có tuyến đường duy nhất là QL80 nhưng đang quá tải, đường chỉ dài 70km mà phải đi hơn 2 giờ. “Mai này tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thông xe, dân chúng tôi muốn lên TP HCM khám bệnh cũng thuận tiện hơn, không lo ùn tắc, kẹt xe nữa”, ông chia sẻ.

img

Trong quá trình triển khai dự án đã gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm nguồn vốn kế hoạch phân bổ cho dự án bị chậm, nên việc thi công bị ảnh hưởng.

Lúc đầu, dự án chỉ thiết kế 2 làn xe, nhưng để phát huy hiệu quả khai thác lâu dài, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh dự án lên 4 làn xe, quản lý khai thác theo tiêu chuẩn được cao tốc và được Chính phủ chấp thuận.

img

Trong điều kiện năm 2020 dịch bệnh Covid – 19 diễn biến rất phức tạp, các nhà thầu vẫn phải tổ chức thi công 3 ca liên tục, vừa đảm bảo chống dịch.

Có những lúc trên công trường có hàng trăm công nhân, kỹ sư, thiết bị thi công để tăng tốc, bù tiến độ để kịp hoàn thành theo kế hoạch.

img

Lãnh đạo Bộ GTVT đã nhiều lần kiểm tra tiến độ dự án, yêu cầu Tổng công ty Cửu Long, các nhà thầu bám sát tiến độ đã đề ra.

img

Việc đưa tuyến Lộ Tẻ- Rạch Sỏi vào khai thác trước Tết giúp người dân đi lại thuận lợi hơn.

Là địa phương được hưởng lợi nhất từ dự án, ông Đỗ Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết đây là tuyến “cao tốc” với 4 làn xe đầu tiên đi qua địa bàn tỉnh Kiên Giang, kết nối liên vùng các tỉnh trong vùng ĐBSCL. Chắc chắn rằng, tuyến đường này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đối với các địa phương có dự án đi qua và khu vực Tây Nam bộ nói chung.

Đặc biệt sẽ kết nối với các tuyến cao tốc trục ngang từ Châu Đốc - Trần Đề, Hà Tiên - Cà Mau… tạo nên những trục xương sống, kết nối giao thông hoàn chỉnh, giúp cho vùng ĐBSCL cất cánh.

img

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ trở thành một đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.

Sau khi hoàn thành, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ được vận hành quản lý theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Tức là chỉ cho ô tô lưu thông, cấm xe gắn máy. Đoạn nào qua khu dân cư sẽ làm đường gom để người dân lưu thông thuận tiện.

Cùng với các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai là tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) sẽ tạo thành trục dọc thứ hai nối từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.