Showbiz

Khánh Thi: "Người ta chờ đợi ngày vợ chồng tôi có vấn đề"

26/09/2021, 06:50

Dịch bệnh kéo dài gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người, trong đó có vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển.

Không chỉ công việc bị tác động, thời gian qua, cặp vợ chồng “kiện tướng dancesport” còn phải đối mặt với những tin đồn về hôn nhân của mình.

img

Kiện tướng dancesport Khánh Thi

Dịch bệnh lại khiến tôi sống nhanh hơn

Dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng như thế nào tới cuộc sống và công việc của chị?

Có nhiều thứ chồng chéo! 3 tháng TP.HCM giãn cách, tôi không được ở bên hai con (hai bé sống chung với ông bà nội).

Bé Kubi (con trai lớn của Khánh Thi và Phan Hiển - PV) năm nay lên lớp 1, lại học online, không có bố mẹ bên cạnh để kèm cặp. Vừa qua, khi đi tiêm vaccine, tôi phải ghé về nhà lấy giấy tờ mới có dịp gặp con.

Trung tâm đào tạo về khiêu vũ, nhảy múa của tôi phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nhân viên, giáo viên và học viên. Kinh tế khó khăn nhưng các nhân viên và giáo viên vẫn cần được trả lương vì họ cần thu nhập để duy trì nguồn sống.

Mấy tháng qua, vợ chồng tôi ở trung tâm điều hành, dạy học online để bù lại các lớp dạy trực tiếp đóng cửa. Dạy online nên hai vợ chồng cũng phục vụ cho nhiều đối tượng từ người lớn tuổi, trung niên, trẻ em, người ở nước ngoài…

Đa dạng học viên nên cũng đa dạng khung giờ. Có ngày, tôi dạy tới 10h đêm mới kết thúc.

Phải làm như vậy, nhân viên của chúng tôi mới đi làm được và được trả lương. Nhưng có thực tế là các giáo viên của tôi lại không dạy được nhiều.

Nếu dạy bình thường, chúng tôi sẽ chia lớp nhưng khi học online, người ta chỉ học Khánh Thi và Phan Hiển. Điều đó khiến các giáo viên khác không ổn định về công việc. Bản thân tôi phải tự đứng ra làm việc rất nhiều, gấp đôi bình thường.

Có vẻ, áp lực kinh tế khiến chị lo lắng nhất?

Tôi là huấn luyện viên trưởng dẫn dắt nhiều vận động viên (VĐV) trong đội tuyển quốc gia. Không làm được gì với các VĐV là điều khiến tôi luôn đau đáu.

Hết dịch bệnh, các cuộc thi sẽ diễn ra ngay lập tức. Bộ môn của tôi dạy lại nhảy đôi, trong khi các vận động viên không được gặp nhau để tập.

VĐV khi không có huấn luyện viên kèm cặp dễ bị lười đi. Chế độ ăn uống cũng không quản lý được. Tôi cũng huấn luyện nhiều VĐV nhí nên phải cho các cháu học online, gọi điện nhắc nhở liên tục.

Nhiều khi, tôi phải ra những chính sách để bắt các VĐV của mình vào guồng, báo cáo bài tập. Sau mấy tháng dịch, sức khỏe, thể lực, khả năng chuyên môn của nhiều người tụt hết. Đó là những áp lực với tôi.

Ngoài ra, tôi còn xin lương cho các VĐV để họ có thu nhập trang trải. Trong thể thao, còn làm việc mới có tiền, không làm không còn gì hết. Nếu họ không cố gắng sẽ phải nghỉ hưu sớm.

Do đó, tôi rất nhiều việc! Nhiều người bảo dịch bệnh khiến họ sống chậm lại. Riêng tôi lại sống nhanh lên. Tôi còn phải quảng bá các lớp học, để nhân viên có việc làm và có thu nhập, phải tập luyện để VĐV tập theo. Một ngày, tôi chỉ ngủ vài tiếng.

Ông xã hỗ trợ chị thế nào trong công việc?

Phan Hiển cũng là VĐV nên phải bảo toàn sức khỏe và tập tuyện. Ông xã chỉ phụ tôi các lớp dạy vì hiện giờ, chỉ hai vợ chồng dạy là chính.

Anh cũng làm vườn cây để vợ có không gian thư giãn, giải tỏa stress. Thực sự, mấy tháng đối diện với 4 bức tường rất đáng sợ. Hàng ngày mở mắt ra, tôi phải xem nay có doanh thu hay không, bao nhiêu, phải chi trả những gì.

Không chỉ áp lực công việc, tôi còn lo lắng về gia đình. Tôi không được ở bên con để dạy dỗ con, không chăm sóc được cho bố mẹ. Trong khi mỗi ngày, mối hiểm họa dịch bệnh luôn thường trực.

Hôm nay tôi nghe tin người quen của mình nhiễm bệnh, mai đã mang đi thiêu. Điều đó thật sự khủng khiếp và làm tôi stress kinh khủng.

Chị làm gì để vượt qua những lúc stress?

Tôi chỉ cố làm việc để tạm quên. Hai con ngày nào cũng gọi điện cho ba mẹ. Trẻ con luôn vô tư và hay nhớ ba mẹ. Đó là nhu cầu bình thường của chúng, hàng ngày phải gặp ba mẹ mới yên tâm. Tôi cũng luôn nhắc con ngoan, đi ngủ sớm con mới nghe lời.

Bé Anna còn nhỏ và tính cách có vẻ biết tự lập, mạnh mẽ hơn Kubi. Khi nhớ ba mẹ, bé Kubi rất hay khóc. Lần nào đi ngủ, con cũng gọi điện mếu máo “con nhớ ba mẹ lắm”. Do đó, tôi thậm chí không dám gọi điện cho con nhiều vì xót và nhớ con.

Trong những lớp dạy nhảy online cho trẻ em, tôi cũng bắt hai con vào học cùng. Đó là cách để con vẫn nhìn thấy mẹ và vẫn được hoạt động thể chất.

Nhiều người không tin câu chuyện tình yêu của chúng tôi

img

Vợ chồng Khánh Thi - Phan Hiển

Nhiều người cho rằng vợ chồng nhìn nhau cả ngày dễ sinh căng thẳng, mâu thuẫn. Vợ chồng chị thì sao?

Chúng tôi cũng có xung đột, nhưng chỉ trong công việc. Cả hai đều áp lực với công việc riêng của mình. Thực ra, cuộc sống vợ chồng cũng có lúc này lúc khác, vấn đề là cả hai chia sẻ với nhau.

Khi ngồi lại nói chuyện, cả hai đều hiểu do những điều khách quan khiến mình như vậy chứ không phải bản thân muốn thế. Mỗi người chịu dẹp bỏ cái tôi của mình xuống, mọi chuyện cũng ổn thôi.

Đối với tôi, những lúc vợ chồng có xung đột, cách tốt nhất là nhìn vào con của mình, gọi điện nói chuyện, xem những clip của con. Điều đó khiến tinh thần và cảm xúc dịu đi rất nhiều. Nếu gia đình biết nhìn vào tương lai, hãy nhìn vào những đứa con của mình.

Thời gian qua, khi chị hay đề cập tới “trà xanh” (từ hay dùng ám chỉ người thứ 3 - PV), nhiều người đã có những đồn thổi về hôn nhân của vợ chồng chị. Chị có chia sẻ gì về điều này?

Tôi bán trà xanh thật mà! Tôi bán thì tôi quảng cáo, ai xuyên tạc kệ họ.

Có lẽ, người ta chờ đợi ngày vợ chồng tôi có vấn đề hơn thấy chúng tôi vẫn hạnh phúc. Nhiều người thường không tin câu chuyện tình yêu như thế.

Họ cứ nói “không sớm thì muộn”, nhất là trong showbiz lắm cám dỗ, nghề nghiệp cũng đầy cám dỗ. Việc của những “anh hùng bàn phím” là vậy. Họ ít khi nghĩ tốt cho người khác.

Tôi vẫn nói không ai tuyệt đối hay hoàn hảo. Đối với mối quan hệ vợ chồng, vấn đề là chia sẻ với nhau thế nào, có muốn đi tiếp với nhau hay không.

Thời gian dịch bệnh ở bên nhau hàng ngày, có giúp vợ chồng chị thêm gắn kết?

Tưởng vậy mà không phải vậy! Hàng ngày, cuộc sống của tôi trôi qua chỉ có công việc và công việc. Nhiều khi, hai vợ chồng không có khoảnh khắc dành cho nhau.

Chỉ đến lúc đi ngủ mới nói chuyện với nhau đôi điều dù cả hai làm chung công việc. Bởi chúng tôi cùng dạy, điều hướng nên khi làm việc không trao đổi chuyện cá nhân nhiều.

Chúng tôi làm công việc về thể chất nên sau cả ngày dạy mệt, chỉ muốn ngồi im lặng để nghỉ ngơi, không muốn nói thêm điều gì cả.

Ngay chuyện nấu ăn, tôi cũng hay nhờ nhân viên nấu giùm. Tôi không có thời gian và thi thoảng mới vào bếp nấu 1 - 2 bữa. Tôi nấu ăn cũng dở nữa (Cười). Chúng tôi cũng ăn rất nhanh và chóng vánh.

Bây giờ, tôi chỉ ước mong sớm trở lại cuộc sống bình thường. Sáng dậy, tôi được đi ăn sáng với chồng, đưa con đi học rồi bắt đầu làm việc.

Cuối tuần được đi chấm thi hay được đi chơi với chồng con. Vả lại, cảm giác nhân viên của mình có lương, không bị đói cũng là một niềm vui.

Mỗi người một hoàn cảnh, cá tính nên việc trả lương càng áp lực. Vợ chồng tôi không chỉ nghĩ cho mình, cho gia đình mà phải nghĩ cho rất nhiều người.

Cảm ơn chị!

Khánh Thi sinh năm 1982, là kiện tướng dancesport, từng tham gia nhiều cuộc thi ở bộ môn này trong nước và quốc tế. Cô là biên đạo nổi tiếng, giám khảo của nhiều chương trình khiêu vũ như “Bước nhảy Hoàn vũ Việt Nam”, “Thử thách cùng bước nhảy”…

Phan Hiển kém Khánh Thi 11 tuổi, từng là học trò và cũng là bạn nhảy ăn ý của cô. Mối tình cô - trò từng khiến cả hai bị dư luận đàm tiếu, gia đình cấm cản.

Tuy nhiên, họ vẫn bên nhau vượt qua sóng gió. Sự kiên trì trong tình cảm giúp cả hai dần được gia đình hai bên chấp thuận. Sau hơn 12 năm bên nhau, cặp đôi đã có hai con, “đủ nếp đủ tẻ” là Kubi và Anna.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.