Làm báo cùng Giao thông

Khảo sát trong mơ?

11/08/2018, 08:16

Trước kết quả báo cáo “như mơ” của Tổng cục Du lịch, ngay đến "người trong nhà" cũng phải ngạc nhiên.

13

Minh họa: K.Linh

Hai lần về Việt Nam du lịch kết hợp thăm thân bên ngoại năm 2016 và tháng 7/2018 vừa qua, anh Thierry Cuypers (quốc tịch Bỉ) gặp nhiều chuyện không vui, nhưng theo thói quen của người phương Tây rất hạn chế chê bai, anh chỉ nói “không đến nỗi tệ quá, tôi đã không may mắn”.

Việc bực mình đầu tiên là từ sân bay Nội Bài, cả gia đình anh có năm người, trong đó một trẻ lớn và hai trẻ bé lít nhít 4 và 2 tuổi đã “được” một anh taxi cho đi vòng vèo suốt 5 tiếng đồng hồ, đi đường Đông Anh, vòng xuống tận cầu Vĩnh Tuy, qua đường Minh Khai để lộn lên đường Trần Hưng Đạo, gần ga Hà Nội. Chuyến đi tour quanh thành phố bất đắc dĩ khiến cả gia đình mệt lử, trẻ con khóc như ri và hết 600 nghìn đồng.

Trong khi đó, cũng cùng tuyến Nội Bài - Trần Hưng Đạo như thế, những lần sau gia đình anh bay đi Sài Gòn về Hà Nội, chỉ mất 250 nghìn đồng và hơn 1 tiếng đồng hồ đi taxi. Can cái tội có “một ông Tây” nên gia đình anh thường xuyên phải chịu cảnh trả tiền taxi gấp đôi giá bình thường.

Bạn bè ở Việt Nam nói vui, anh chưa bị nhận lại tiền thừa là tiền âm phủ thì đã may rồi, nhân một vụ du khách nước ngoài bị trả lại bằng tiền âm phủ mà báo chí vừa đăng hồi tháng 6.

Chuyện khách than phiền về chất lượng du lịch kiểu như vậy đầy rẫy trên mạng xã hội nhưng theo Báo cáo thường niên Du lịch Việt Nam và kết quả điều tra khách quốc tế năm 2017 do Tổng cục Du lịch thực hiện vừa công bố, có tới 93,46% khách quốc tế đến Việt Nam hài lòng và rất hài lòng. 5,91% đánh giá mức bình thường; 0,63% đánh giá ở mức không hài lòng và rất không hài lòng. Và tuyệt vời hơn nữa, số khách du lịch nước ngoài muốn quay lại Việt Nam lên tới 40%.

Kết quả này khiến mọi người sửng sốt vì con số quá cao, con số trong mơ ngay cả với các cường quốc về du lịch.

Nhưng thực tế có như mơ vậy không? Tôi dẫn lại một câu chuyện khác, cũng khá điển hình. Cuối tháng 7, một gia đình đi nghỉ ở khu du lịch sinh thái Biển Hồ Cóc - một resort 5 sao mới được đầu tư rất đẹp và hoành tráng ở Bình Châu, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ sở hạ tầng đẹp miễn chê nhưng vấn đề lại ở dịch vụ.

Nửa đêm, người khách Tây bị một con rết to đùng bò vào giường cắn. Vô cùng hoảng hốt điện thoại báo, lễ tân nói, rết cắn thì cần phải tìm “dãi gà trống hoặc ruột ốc sên để bôi”. Nhưng do không có sẵn hai thứ thuốc kỳ lạ này nên lễ tân đã cho phục vụ phòng “giã tỏi để đắp vào vết thương”. Nọc rết độc và mạnh cộng thêm tỏi giã gây nóng phỏng rộp, đau đớn người khách cầu cứu tư vấn từ bác sĩ riêng.

Sau khi uống thuốc chống dị ứng, bôi kem trị côn trùng thì khỏi. Hai thứ thuốc đơn giản này lẽ ra resort 5 sao nên trữ sẵn sàng để phục vụ bởi trong Hướng dẫn sử dụng phòng đã ghi rõ “khu lịch này nằm ngay cạnh lõi rừng sinh thái nên khả năng khách có thể bị côn trùng đốt, khi bị đốt hãy gọi cho lễ tân để có bác sĩ điều trị kịp thời”. Cơ mà thực tế là chẳng có bác sĩ, cũng chẳng có thuốc sơ cứu nào giữa đêm!

Trước kết quả báo cáo “như mơ” của Tổng cục Du lịch, ngay lập tức nhiều ý kiến từ những người có chuyên môn và đang kinh doanh du lịch bày tỏ sự ngạc nhiên. Trả lời báo chí, ông Vũ Hoài Phương - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề du lịch Huế cho rằng con số 93% khách hài lòng và rất hài lòng chỉ phù hợp nếu khảo sát khách tại các khách sạn… 4-5 sao. Và con số 40% khách quay trở lại Việt Nam là quá “xa xỉ”. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt thốt lên: “Kể cả Singapore, Thái Lan..., những quốc gia đứng đầu về du lịch cũng không có được con số hoàn hảo như vậy”.

Dù 2 trường hợp nói trên chỉ là những trường hợp tôi biết nhưng nếu muốn khảo sát, bạn hay bất cứ ai có thể hỏi thêm thông tin từ bạn bè ở nước ngoài tới Việt Nam, chắc chắn sẽ có thêm nhiều câu chuyện sống động và thực tế, khác xa những con số thống kê.

Và dù du lịch Việt Nam có phát triển đột biến với mức tăng trưởng khách nước ngoài lên tới 27% như năm vừa qua, khách sạn, resort mới mọc lên như nấm thì nó vẫn còn đó vô vàn những bất cập. Dù phần nhiều trong số đó đang nằm ngoài tầm với của ngành Du lịch. Ví dụ như, thiếu chuyên nghiệp trong phục vụ, rác thải sinh hoạt vứt tuỳ tiện khắp nơi, vệ sinh thực phẩm không đảm bảo, tình trạng khách bị giật đồ ở TP HCM vẫn đáng báo động...

Tôi thật sự băn khoăn và tự hỏi không hiểu Báo cáo thường niên về du lịch này có tác dụng gì và nó tác động như thế nào tới việc điều chỉnh, hoạch định các chính sách phát triển du lịch của Việt Nam? Vì với những con số trong mơ như vậy, chúng ta đâu còn việc gì phải làm nữa?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.