Thời sự Quốc tế

Khát vọng tự chủ và niềm tin chiến thắng của Cuba qua vaccine Abdala

18/09/2021, 16:28

Tên của vaccine Abdala được Cuba đặt theo vở kịch thơ của anh hùng độc lập, biểu tượng quốc gia Cuba - Jose Marti.

"Anh hùng Abdala" trong đại dịch Covid-19

Trong vở kịch thơ của Jose Marti - nhà tư tưởng, nhà cách mạng và nhà văn hóa kiệt xuất của Cuba, người anh hùng trẻ Abdala đã lên đường ra chiến trận để bảo vệ tổ quốc cùng trái tim rực cháy tình yêu nước, không run sợ trước sức mạnh của kẻ thù.

Với ý nghĩa đó, có lẽ khi đặt tên Abdala cho vaccine, Cuba đã hy vọng loại thuốc này có thể giúp quốc đảo chiến thắng trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Qua thành công trong sản xuất vaccine nội địa, Cuba cũng muốn chứng minh sự quyết tâm và nội lực của đảo quốc nhỏ bé 11 triệu dân trước loại virus nguy hiểm đang hoành hành trên toàn cầu và sự kìm kẹp kinh tế suốt 60 năm từ Mỹ.

img

Vaccine Abdala của Cuba. Ảnh - Tân Hoa Xã

Một trong những nhà nghiên cứu làm nên thành công cho vaccine đầu tiên tại khu vực Mỹ La-tinh là ông Gerardo Enrique Guillen Nieto, Giám đốc phụ trách nghiên cứu y sinh tại Trung tâm Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB).

Trong phóng sự trên truyền hình Cuba được phát sóng cuối tháng 6 nhân sự kiện Ngày của Cha, ông Guillen Nieto, 58 tuổi, qua lời kể của con trai, hiện lên là một người cha tâm huyết với nghề, miệt mài làm việc trong phòng thí nghiệm vì sứ mệnh đảm bảo an toàn cho những người thân trong gia đình và xã hội.

Nhà khoa học Cuba chia sẻ: “Chúng tôi đã làm việc đêm ngày ngay từ lúc dịch bệnh bùng phát, không kể thứ Bảy, Chủ nhật và gần như không lúc nào ngơi nghỉ”.

Khi nhận được kết quả thử nghiệm lâm sàng - vaccine đạt 92,28%, ông Nieto cùng các đồng nghiệp đã vỡ oà trong hạnh phúc. “Chúng tôi biết vaccine này rất tốt nhưng không ngờ hiệu quả cao đến vậy”, ông Nieto nói.

img

Ông Gerardo Enrique Guillen Nieto, Giám đốc phụ trách nghiên cứu y sinh tại Trung tâm Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB). Ảnh: Television Cubana

Giữa tháng 5/2021, khi Cuba đối mặt với làn sóng dịch bệnh do biến chủng Beta (được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi) lan rộng, đặc biệt ở thủ đô Havana, với số ca nhiễm bắt đầu vượt mức 1.000 ca/ngày, đất nước Mỹ La-tinh không nhập khẩu vaccine từ Nga và Trung Quốc.

Thay vào đó, Cuba sử dụng Abdala và vaccine khác là Sovereign 2, cho chương trình tiêm chủng quốc gia dù cả hai chưa hoàn thành xong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ ba.

Chia sẻ về quyết định trên của chính phủ, ông Guillen Nieto nhận định: Cuba hiểu, trước sau gì, chúng tôi phải dựa vào sức mạnh và năng lực của chính mình.

“Nhờ vậy, hệ thống y tế của chúng tôi không chỉ miễn phí mà còn được kiểm soát tập trung, có năng lực ứng phó nhanh và toàn diện trước đại dịch từ quá trình thử nghiệm lâm sàng, chiến lược tiêm chủng cho đến sản xuất vaccine", theo ông Nieto.

Lợi thế mà các nước phương Tây không có

Giám đốc trung tâm CIGB cho biết, Cuba có lợi thế hơn các nước khác ở chỗ người dân rất tin tưởng vào hệ thống y tế quốc gia. “Chúng tôi không bao giờ gặp vấn đề khi tìm người tình nguyện tiêm thử vaccine ở giai đoạn lâm sàng. Mọi người rất háo hức được tiêm phòng. Không ai có tư tưởng bài trừ vaccine vì tất cả đều hiểu tiêm phòng quan trọng như thế nào”.

Hiện nay, Cuba đang làm thủ tục để Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt hai loại vaccine Abdala và Sovereign 2.

Giám đốc tập đoàn công nghệ sinh học quốc gia BioCubaFarma, ông Rolando Perez cho biết, các chuyên gia WHO sẽ giám định mức độ an toàn, khả năng tạo miễn dịch và hiệu quả của vaccine.

Ông Jose Moya, Đại diện WHO tại Cuba, cho biết, các chuyên gia từ Havana, Geneva (Thuỵ Sĩ) và Washington (Mỹ) vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến đầu tiên cách đây 2 ngày.

img

Cuba bắt đầu chiến dịch tiêm phòng trên diện rộng từ giữa tháng 5

Đại diện WHO, đã có những đánh giá rất cao về kết quả vaccine. Ông Moya là bác sĩ người Peru, nghiên cứu về dịch tễ học suốt 30 năm qua, từng làm việc cho tổ chức phi chính phủ Bác sĩ Không Biên giới tại Guatemala, Mozambique và Nigeria và đã làm đại diện của WHO tại Cuba trong 2 năm qua.

Theo bác sĩ Moya, “Trung tâm nghiên cứu CIGB có 30 năm kinh nghiệm trong nghiên cứu vaccine. Tôi tin tưởng kết quả Cuba công bố".

Bản thân ông Moya cũng không ngạc nhiên khi thấy hiệu quả của vaccine Abdala rất cao. Đơn giản vì đây là kết quả của một hệ thống y tế có kinh nghiệm bền vững trong suốt hàng chục năm. Thực tế, có khoảng 80% loại vaccine đang được sử dụng tại Cuba đều do nước này tự sản xuất.

Tổng thống Cuba Miguel Díaz-Canel cho biết, động lực để đất nước tự bào chế ra vaccine thay vì nhập khẩu từ các nước khác chính là niềm tin vào chiến thắng trong ngành dược phẩm Cuba.

Sự thành công trong sản xuất vaccine chỉ có thể được so sánh với những hy sinh lớn lao của Cuba. Đây là minh chứng cho niềm từ hào của đất nước Cuba với ngành dược phẩm trong suốt thời gian chịu đựng lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ từ năm 1962 đến nay, ông Miguel Díaz-Canel nói.

Vaccine Abdala không sử dụng vector virus hay công nghệ mRNA chứa một phần protein đột biến mà virus sử dụng để liên kết với các tế bào con người, tương tự như vaccine Novavax của Mỹ và Sanofi.

Vaccine Covid-19 của Cuba yêu cầu 3 liều, mỗi liều cách nhau 2 tuần. Vaccine của Cuba có thể ổn định ở nhiệt độ 2-8 độ C nên không yêu cầu thêm chi phí cho thiết bị làm lạnh chuyên dụng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.