Hồ sơ tài liệu

Khẩu chiến Ấn - Trung chuyện kiếm tiền trên sinh mạng bệnh nhân Covid-19

17/05/2021, 06:22

Truyền thông Ấn Độ cáo buộc các công ty cung cấp thiết bị y tế của Trung Quốc đã tăng giá phi mã và giao hàng chất lượng kém.

img

Lô hàng 100 máy tạo oxy từ Thành Đô, Trung Quốc tới Ấn Độ

Giữa tình cảnh khốn đốn vì thiếu vật tư y tế cho cuộc chiến chống Covid-19 tồi tệ nhất trên thế giới, truyền thông Ấn Độ vừa cáo buộc các công ty cung cấp thiết bị y tế của Trung Quốc đã tăng giá phi mã và giao hàng chất lượng kém.

Tăng giá thiết bị tới 3 lần

Cuối tuần qua, trong một loạt bài viết độc quyền, báo India Today cho biết, giá một số mặt hàng y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 như máy tạo oxy mà các công ty Ấn Độ đã và đang nhập từ các nhà sản xuất của Trung Quốc đã tăng vọt.

Trong bài viết đầu tiên về vấn đề này, ngay phần mở đầu, tờ India Today viết: “Trong lúc nước sôi lửa bỏng giữa sự sống với cái chết, Trung Quốc đã chọn lợi nhuận trên mạng sống của người khác”.

India Today lấy ví dụ về việc máy tạo oxy của Công ty Yuwell được niêm yết giá tăng hơn 120 USD chỉ sau 12 ngày từ mức 340 USD (giá ngày 30/4) lên tới 460 USD (mức giá ngày 12/5). Thậm chí, trong một số trường hợp, giá thiết bị tạo oxy còn bị tăng gần gấp 3 lần so với giá thực.

Một đơn vị mua máy tạo oxy của Ấn Độ cho biết: “Rất nhiều nhà máy Trung Quốc nhận đơn hàng, tiền đặt cọc đã chuyển từ tháng 4 nhưng không giao hàng. Mãi sau ngày Quốc tế lao động, họ mới yêu cầu tăng giá so với đơn đặt hàng trước đó”.

Đơn vị này chỉ đích danh tên một số công ty Trung Quốc đã tăng giá lên gấp 2, thậm chí gấp 3 so với đơn đặt hàng hồi tháng 4, từ chối giao hàng hoặc trì hoãn hoàn trả tiền đặt cọc như: Zhengzhou Olive, Shenzhen Hongxinyuan Electronics, Guangzhou Ogwel, Yobekan Shenzhen, Longfian Scitech Co.

Chưa hết, một số máy tạo oxy mới được giao gặp rất nhiều vấn đề về chất lượng. Không ít công ty Ấn Độ đã từ chối nhập hàng vì phát hiện ra rất nhiều bộ phận trong máy mới được thay thế bằng hàng rẻ hơn so với các bộ phận tương ứng trên các sản phẩm cũ.

Một đơn vị cho biết, kể từ khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, việc kiểm tra, giám sát sản phẩm cũng bị lỏng lẻo. “Chúng tôi đang phải mua những sản phẩm đắt hơn trong khi chất lượng giảm một nửa, thời gian sử dụng chỉ còn vài trăm giờ so với vài nghìn giờ như ban đầu”, đơn vị này phàn nàn.

Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Hong Kong (Trung Quốc) bà Priyanka Chauhan đã có phản ứng đối với các công ty Trung Quốc tăng giá thiết bị theo như phản ánh của báo chí. Bà Chauhan cho rằng, thực trạng giá vật tư y tế như máy tạo oxy tăng cao và tình hình các chuyến bay chở hàng từ Trung Quốc tới Ấn Độ bị gián đoạn khiến cho nguồn cung cấp hàng hóa y tế tới nước này bị chậm lại.

Bà Chauhan kêu gọi Trung Quốc có động thái chấn chỉnh các công ty, yêu cầu ngừng tăng giá vật tư y tế với Ấn Độ, tăng cường các chuyến bay chở hàng để góp phần đẩy nhanh quá trình chữa trị, hồi phục cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại nước này.

Ấn Độ cố tình làm quá?

img

Tình cảnh thiếu dưỡng khí y tế trong điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Ấn Độ - ảnh CBS News.

Từ phía Trung Quốc, trả lời câu hỏi từ truyền thông về bình luận của Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Hong Kong Priyanka Chauhan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định, Trung Quốc vẫn luôn khuyến khích các công ty đáp ứng nhu cầu mua trang thiết bị y tế của Ấn Độ phục vụ giải quyết tình hình dịch bệnh căng thẳng ở nước này.

Còn về việc giá tăng cao, theo bà Hoa, vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung trên thị trường. Lấy ví dụ về sản phẩm máy tạo oxy, bà Hoa cho biết, lý do khiến giá thiết bị tăng là ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa kể, vì thiếu hụt nguyên liệu thô nên Trung Quốc đã phải nhập từ châu Âu, năng lực sản xuất cũng bị ảnh hưởng.

Bà Hoa nhắc lại việc Trung Quốc từng khó khăn khi chống đỡ với dịch bệnh từ đầu năm 2020 và cũng gặp phải tình trạng giá vật tư y tế bị tăng cao. Từ đây, đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng tất cả các bên có thể làm việc cùng nhau để đảm bảo chuỗi cung ứng luôn mở và ổn định.

Cùng ngày, trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Tổng biên tập của tờ báo này là ông Hồ Tích Tiến cũng có bài bình luận chỉ trích những phàn nàn trên của Ấn Độ với giọng điệu rất gay gắt đến mức nói: “Lương tâm của các biên tập viên tại India Today đã bị cẩu tha”.

Ông Hồ Tích Tiến nhấn mạnh, các doanh nghiệp Trung Quốc đang đóng góp nhiều nhất về nguồn cung hàng hóa y tế chống dịch tại Ấn Độ, bao gồm cả hàng trợ cấp và xuất khẩu. “Không cần biết ai là nhà cung cấp nhưng hầu hết máy tạo oxy đang được gửi khẩn cấp tới Ấn Độ đều do Trung Quốc sản xuất. Riêng lý do này, xã hội Ấn Độ nên có phản ứng tích cực với vai trò của đất nước láng giềng trong cuộc chiến chống dịch bệnh của họ”, ông Hồ Tích Tiến nhấn mạnh

Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu còn cho rằng, một số kênh truyền thông của Ấn Độ đã bất chấp sự thật mà khuấy động xu hướng chống Trung Quốc trong xã hội Ấn Độ suốt thời gian qua. “Việc giá cả dao động là phản ứng tự nhiên của thị trường. Trung Quốc không phải nền kinh tế có kế hoạch và Chính phủ Trung Quốc không có năng lực kiểm soát giá cả tăng ở tất cả các điểm trong chuỗi cung ứng này”, ông Hồ Tích Tiến nói.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nước này đang xuất khẩu sang Ấn Độ hơn 26.000 máy thở và máy tạo oxy, hơn 15.000 máy theo dõi bệnh nhân và gần 3.800 tấn thuốc, vật tư y tế. Các công ty Trung Quốc cũng đã nhận được đơn đặt hàng hơn 70.000 máy tạo oxy và đang hoàn thiện để giao hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.