Chuyện dọc đường

Khi anh cảnh sát đứng "ngắm" vụ giết người

05/04/2019, 07:25
image

Nếu hôm ấy, anh CSGT có hành động dù nhỏ thôi, gã thanh niên kia sẽ có thêm một sự đối mặt và có thể cô gái sẽ bớt đi những vết dao đoạt mạng.

img
Hình ảnh anh CSGT đứng nhìn vụ án mạng được camera ghi lại

Thấy một tên thanh niên cởi trần điên cuồng hành hạ cô bạn gái, hắn có hung khí là cây kéo nhọn và đang đuổi rồi đâm liên tiếp vào nạn nhân, bạn sẽ xử lý như thế nào? Hoảng sợ kêu lên, xông vào ngăn tên cướp, tìm đá, mũ bảo hiểm ném, hay có biện pháp nào khác? Bạn có sợ hung thủ chĩa kéo về bạn và xỉa vài nhát vì cản trở hành động của hắn?

Còn nếu bạn là người cảnh sát giao thông trong hình trên thì sao?

Theo clip ghi lại vụ án mạng xảy ra sáng 1/4 tại đường Tôn Đức Thắng, phường Đông Thành, TP Ninh Bình, có một CSGT đứng cách kẻ giết người một đoạn ngắn. Trong khi khi hung thủ Phạm Văn Nghị đang điên cuồng đâm nạn nhân là chị Trần Thu Huyền, anh này loanh quanh đi lại, gọi điện, trông rất thiếu trách nhiệm, tạo ra ấn tượng xấu xí cho cơ quan bảo vệ pháp luật.

Theo giải trình của anh CSGT này với đơn vị, anh ta đã 2 lần tiếp cận, can ngăn hung thủ nhưng không được, nên đành lùi ra, gọi điện thoại cho đồng đội nhờ hỗ trợ. Ít phút sau lực lượng 113 xuất hiện, nhưng đã muộn. Cô gái đã tử vong. Hung thủ tự sát nhưng được đưa đi cấp cứu, đã qua cơn nguy kịch. Theo một số nhân chứng, đôi nam nữ cãi nhau trong xe ô tô. Một người đàn ông đi xe máy thấy cô gái kêu cứu đã can ngăn, liền bị nam thanh niên húc đổ xe. Vụ va chạm là lý do anh CSGT đang làm nhiệm vụ cách đó 400m xuất hiện.

img
Công an Ninh Bình khám nghiệm hiện trường vụ án mạng


Không riêng anh CSGT, rất nhiều người qua lại chứng kiến vụ án mạng nhưng không ai dám lại gần kẻ thủ ác, tất cả chỉ kinh hoàng đứng xem, vài người lấy điện thoại ghi hình.

Vụ việc một lần nữa nổ ra cuộc tranh cãi gay gắt trên mạng, rằng chúng ta nên đứng im hay động thủ?

Những câu chuyện vô cảm trước tính mạng người khác, trước cái ác... đã trở nên khá phổ biến.

Bạn đứng đó, thậm chí nhanh chân chạy khỏi vùng nguy hiểm là bạn khôn ngoan. Còn bạn lao vào cứu người hay hỗ trợ (như các hiệp sĩ ở Bình Dương, TP.HCM) rồi nhận những vết thương, thậm chí là cái chết mới là bất bình thường.

>> Video thời điểm xảy ra vụ án mạng ở Ninh Bình:

Nhưng đau quá! Chẳng lẽ cả một đám đông không ai biết làm gì trước một vụ đoạt mạng người giữa thanh thiên bạch nhật? Cả một cộng đồng khôn ngoan đành khoanh tay đứng nhìn cái xấu, cái ác lên ngôi? Và nực cười hơn nữa, trong số "đứng như trời trồng" đó có sắc phục ngành Công an - lực lượng được đào tạo, trả lương để bảo vệ sự yên bình cho người dân.

Ai đó có thể nói, anh ta là CSGT, anh ta không phải cảnh sát hình sự võ nghệ cao cường hay lực lượng đặc nhiệm với súng ống, vũ khí tối tân có quyền nổ súng, quyền khống chế người. Nên anh ta chỉ làm được tới đó mà thôi.

Có người nói, dính vào một vụ không phải lĩnh vực của anh, không chỉ nguy hiểm tính mạng, có khi anh ta còn gặp rắc rối về địa bàn, thủ tục, còn viết báo cáo giải trình dài dài...

Tới đây, tôi chợt nhớ chuyện địa bàn trong vụ hai hiệp sĩ ở TP.HCM mất mạng khi rượt đuổi băng trộm xe SH hồi giữa tháng 5 năm ngoái. Một số nhân chứng kể lại, khi vụ án mạng xảy ra, người dân có chạy đến chốt trực của công an phường gần đó trình báo thì được chỉ sang phường khác vì không… thuộc địa bàn!

Tôi cũng nhớ hồi TP.HCM tăng cường ba giảm (ma túy, mại dâm, cướp giật), tôi có hỏi một anh cảnh sát hình sự Q.1 về việc tại sao đêm đêm gái mại dâm, nghiện hút và cả hàng rong, người vô gia cư vẫn ngủ đầy cầu K., anh giải thích rằng, cầu này nằm giữa ranh giới của hai quận. Nếu đuổi bên này thì các đối tượng tệ nạn chạy qua bên kia, bên kia đuổi thì họ chạy về bên này. Không phải địa bàn của mình thì mình không được xử lý!

Khi nghe anh kể, tôi hình dung ra hoạt cảnh chơi trò chơi con nít, giữa hai phe là cái vạch biên giới, bên này chạy qua quậy thì bên kia đuổi, nhanh chân chạy về qua vạch là an toàn. Rồi dồn sức, lần sau chạy qua “biên giới” phá phách tiếp.

Trở lại chuyện anh CSGT đứng im nhìn án mạng. Có lẽ đây sẽ là hình ảnh hiếm thấy trong lịch sử hoạt động của các lực lượng cảnh sát quốc tế. Bởi một trong những bài học đầu tiên các anh được dạy là bài học tay không đoạt dao tội phạm.

Vì cớ gì anh có dụng cụ trấn áp trong tay, ít nhất là chiếc dùi cui thần thánh, mà không thể thi triển? Chỉ là một tên tội phạm đang bị kích động, hắn sẽ thiếu sự tỉnh táo, nhanh nhẹn hơn anh, vì cớ gì anh không thể tiếp cận hắn bằng cả phương án khống chế và biện pháp tâm lý?

Theo tôi, nếu quả thực một chiến sỹ công an, dù ở lực lượng nào, không đủ khả năng đối mặt với một tên tội phạm đơn lẻ, thì cần xem lại năng lực và quá trình đào tạo anh ta. Chưa nói đến là trách nhiệm là đạo đức và tình người!

Một chiến sỹ Công an nhân dân còn thờ ơ, vô cảm và bất lực với một vụ án mạng kinh hoàng xảy ra ngay trước mắt mình, thì người dân biết trông cậy vào đâu?

Tôi tin rằng, nếu buổi sáng hôm ấy, anh CSGT có hành động gì đó, dù là nhỏ thôi, gã thanh niên kia sẽ có thêm một sự đối mặt và có thể cô gái sẽ bớt đi những vết dao đau đớn.

Còn nếu anh lao vào khống chế tên sát nhân, bằng nghiệp vụ, trách nhiệm và tinh thần quả cảm, tôi có niềm tin rằng, rất nhiều người dân chứng kiến vụ việc cũng sẵn sàng lao vào hỗ trợ anh, giúp ngăn chặn một vụ án mạng thương tâm, để cô gái trẻ không phải chết đau đớn, oan uổng!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.