Chuyện dọc đường

Khi "bố mẹ" ỷ lại "con cái"...

04/04/2014, 07:06

Sau 8 năm trì hoãn, cuối cùng, MobiFone cũng được "ra ở riêng" để cổ phần hóa, theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực - người từng gắn bó với VNPT ở cương vị Tổng Giám đốc đã từng chia sẻ, nếu còn là lãnh đạo VNPT, ông cũng không muốn tách vì MobiFone chiếm quá nửa lợi nhuận của tập đoàn này. 


Ở góc độ nào đó, có thể so sánh VNPT như vị phụ huynh của một gia đình đông con, cháu, trong đó MobiFone là đứa con mang lại thu nhập chính cho gia đình. Khi con cái đã trưởng thành, dù “cưng” đến mấy, bố mẹ phải “dựng vợ gả chồng”, cho con ra “ở riêng” và tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc, vun đắp cho các con còn lại. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng nghĩ và làm được như vậy, mà sự níu kéo của VNPT là một dẫn chứng. 


Chỉ đến khi không thể trì hoãn, dưới sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, VNPT mới đành chấp nhận. Và trong suốt gần chục năm qua, với tâm lý có phần “ỷ lại” vào MobiFone, VNPT đã chậm chân trong việc tái cơ cấu, nâng cao năng lực hoạt động của chính mình, cũng như của những doanh nghiệp còn lại. Kết quả kinh doanh năm 2008-2012 của tập đoàn thể hiện, doanh thu vẫn tăng trưởng tốt qua các năm, song lợi nhuận giảm và có xu hướng chững lại, cho thấy hiệu suất sinh lời kém. 


So sánh với đơn vị cùng ngành nghề, là tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, năm 2013, doanh thu chỉ vượt 136% song Viettel có lợi nhuận vượt gần 400% so với VNPT. Khoảng cách này có xu hướng tăng dần, bởi năm 2012, doanh thu và lợi nhuận của Viettel chỉ mới vượt VNPT lần lượt 105% và 300%. 


Nhìn rộng ra, tình trạng chậm trễ, thậm chí trì hoãn tái cơ cấu cũng là “bệnh” chung của nhiều doanh nghiệp Nhà nước, ngay cả ở những doanh nghiệp không có những “gà đẻ trứng vàng” kiểu MobiFone với VNPT. 


Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế mổ xẻ thẳng thắn, đó là do lo ngại bị ảnh hưởng lợi ích từ các nhóm khác nhau. Một nhóm là vì tái cơ cấu mà quyền lợi mất đi, trong khi trước đây quyền lợi rất cao. Nhóm thứ hai là quyền lợi bình thường, nhưng vì cải cách mà mất việc làm do năng lực không đủ. 


Chính phủ đang quyết tâm chỉ đạo tái cơ cấu mạnh mẽ các doanh nghiệp Nhà nước với mục tiêu cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2015. Để làm được điều này, bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, chính sách để đẩy nhanh tiến trình thực hiện, với những trường hợp cố tình níu kéo, trì hoãn, Chính phủ cũng cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, như trường hợp MobiFone với VNPT! 

Xuân Thu
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.