Điện ảnh

Khi chủ rạp chiếu phim là “vua”

25/08/2016, 08:14
image

Quyền lực nhà phát hành và rạp chiếu phim được thể hiện rõ qua vụ lùm xùm giữa “Tấm Cám-Chuyện chưa kể” và CGV.

Quyền lực NPH và Rạp được thể hiện rõ qua vụ lùm x

Quyền lực nhà phát hành và rạp chiếu phim được thể hiện rõ qua vụ lùm xùm giữa “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” và CGV (Trong ảnh: Một cảnh trong phim“Tấm Cám - Chuyện chưa kể”)

Cùng với tốc độ tăng trưởng của phim Việt cũng là sự đổi ngôi ngoạn mục trong vai trò bộ ba: Đạo diễn - Nhà sản xuất - Nhà phát hành và Rạp chiếu phim. Vậy, “quyền lực” nhất là ai trong bộ ba này?

Ai mới thực là vua?

Lâu nay, đạo diễn được xem là “ông vua trường quay”, là đầu tàu, kết nối từng bộ phận trong ê-kíp để cả đoàn phim vận hành suôn sẻ. Đạo diễn có quyền chọn kịch bản, diễn viên, bối cảnh, chỉ đạo diễn xuất… nhưng quyền lực của “ông vua” này giờ đây không nhiều trên thực tế, khi mức độ cạnh tranh ngày càng tăng. Quyền năng của đạo diễn giờ chỉ giống con hổ giấy, mà thay vào đó là quyền năng của nhà sản xuất (NSX). Hơn ai hết, NSX biết rõ phải làm gì để bộ phim trụ rạp và sinh lời. Tuy nhiên, NSX có chiếm ngôi vua đi chăng nữa thì đơn vị này vẫn phải dựa dẫm vào nhà phát hành (NPH), nhất là trong trường hợp rạp chiếu phim bùng nổ như hiện nay.

Một đạo diễn giấu tên cho biết, để kiếm đầu ra cho phim thì các NSX lâu nay phải nhún nhường hay nhượng bộ các NPH và thường luôn gật đầu với tỉ lệ ăn chia do NPH đưa ra. Có luật bất thành văn lâu nay vẫn dùng là tùy tên đạo diễn, diễn viên, NSX, tiếp đến là chủ đề và chất lượng phim để quyết định tỉ lệ ăn chia. Hiếm khi nào có tỉ lệ ăn chia 50-50. Mà nếu có, tỉ lệ 50-50 cũng chỉ là tuần đầu. Càng về sau, tỉ lệ ăn chia của NPH thường chiếm rất cao, đến tuần thứ ba, tư có khi NSX chỉ còn được 30%, 70% còn lại thuộc về rạp chiếu phim. Nên không phải phim càng chiếu lâu thì NSX càng hưởng tiền nhiều nhất. Cũng theo đạo diễn này, không chỉ ở Việt Nam mà ở các nước khác cũng vậy, việc NPH từ chối phim của NSX không hiếm, họ sẽ đưa ra đủ lý do, từ lý do nội bộ riêng tư, cho đến lý do chất lượng phim và cả lý do NSX từ chối và rút lui vì tỉ lệ ăn chia không thỏa đáng.

Chiêu trò ép giá của NPH phim

Anh Bùi An, quản lý trang HD Việt Nam cho biết, câu chuyện hậu trường về việc xếp giờ “vàng” hay giờ xấu tại các rạp lớn. Vì rạp phim có quyền xếp suất chiếu, bao nhiêu suất mỗi ngày, xếp vào giờ nào nên khi họ xếp vào giờ xấu, người đến rạp không đợi được, bắt buộc phải xem phim khác. Nghĩa là rạp phim có thể làm ảnh hưởng đến kết quả doanh thu của một bộ phim. Dù cho phim hay nếu cứ xếp vào 8h sáng hay 23h đêm thì đảm bảo phim này sẽ “chết”. Vậy nên, thỏa thuận giữa NSX và đơn vị phát hành rất quan trọng. Anh An cho hay, nếu rạp phim chiếm thị phần càng cao thì càng có tầm ảnh hưởng lớn đến kết quả doanh thu. Chưa kể, rạp phim hiện nay còn kiêm luôn đơn vị phát hành phim, gộp lại làm một thì càng có sức ảnh hưởng lớn.

Xung quanh vụ lùm xùm của CGV và 8 đơn vị phim ảnh, trên facebook cá nhân, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, ở Mỹ đã bỏ chuyện công ty phát hành và rạp chiếu phim chung một nhà đầu tư để tránh lũng đoạn. Còn tại Việt Nam, cụ thể qua vụ việc phim Tấm Cám - Chuyện chưa kể, anh đưa ra câu hỏi: Vì sao “nơi phân phối hàng” ép các nơi phân phối khác và các nhà sản xuất? Vì người ta cần xây dựng quyền lực. Nếu anh chơi với tôi thì anh có ăn, còn anh chơi với mấy đứa yếu anh sẽ tèo. Vậy thì, chỉ có nhà phát hành và rạp chiếu phim cho đến thời điểm này mới luôn thắng, thực sự làm vua trong canh bạc làm phim ảnh tại xứ Việt.

Đạo diễn, NSX bộ phim Đời cho ta bao lần đôi mươi, Huỳnh Anh Tuấn thừa nhận, giờ đang là thời của các NPH và rạp chiếu phim. Anh tiết lộ, nếu đánh giá dự án phim của NSX khả thi, các NPH sẽ đầu tư từ khâu PR, quảng cáo; Nếu không khả thi thì sẽ chỉ đứng ra phát hành. Nếu chú ý sẽ thấy gần đây, quyền lực của NPH thể hiện rõ nhất qua bộ phim Tấm Cám – Chuyện chưa kể.

Hiện tại, CGV đang chiếm 40% thị phần rạp chiếu phim, bộ phim của Ngô Thanh Vân không phát hành được tại CGV nghĩa là đánh mất 40% thị phần và VAA (Công ty Vietnam Artist Agency của Ngô Thanh Vân) sẽ vất vả bù lại cùng thời điểm phát hành 40% ở các rạp khác và kéo dài thời gian. Dù có yêu mến Ngô Thanh Vân, nhưng các rạp khác không thể duy trì bộ phim mà khán giả không thích được. Nếu CGV cùng chấp nhận cùng chiếu một thời điểm thì sẽ khác”, anh nói.

Canh bạc làm phim Việt

Nếu NPH và rạp chiếu phim ngày càng nắm được nhiều quyền lực trong tay thì NSX lại đang gặp nhiều rủi ro. Việc lấy lợi nhuận làm mục đích chính trong kinh doanh sản xuất phim, đã dẫn đến việc đầu tư chất lượng phim không đồng đều, thậm chí buông thả theo thị hiếu “bình dân”, như một con dao hai lưỡi. Nhiều hãng phim đã cho ra đời những sản phẩm vô thưởng, vô phạt để qua khâu kiểm duyệt, trở thành phim “thảm họa”. Có thể vài phim “hài nhảm” thắng doanh thu phòng vé, nhưng đó chỉ là món “ăn liền”, chóng chán, không thể dùng mãi “chiêu” này để “dụ” khán giả và cầm chắc thất bại khi cứ dùng nó như biện pháp tình thế để giải quyết vấn đề lợi nhuận sản xuất phim.

Phim sản xuất xong, được phép phát hành thì ê-kíp làm phim mới mừng một nửa, nửa còn lại lo thắt ruột gan làm sao thu hồi vốn? Đạo diễn Phước Sang cho biết, tùy từng rạp có những tỉ lệ ăn chia khác nhau. Tuy nhiên, theo anh, NSX phim ngày nay làm phim như đánh bạc. Nên dù phim bom tấn có ra cũng phải chọn điểm “rơi”, để “nổ to”. Nếu không, nó vẫn chỉ “xịt” như pháo tép mà thôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.