Chuyện dọc đường

Khi cơ quan quyền lực lên tiếng

21/05/2014, 06:20

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII khai mạc ngày 20/5 giữa những ngày đồng bào, nhân dân cả nước một lòng hướng về tình hình biển Đông.


Không ngoài ý nguyện của cử tri cả nước, phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã thẳng thắn đề cập: “Việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cùng với sự hộ tống, trong đó có cả tàu chiến và máy bay quân sự bảo vệ là sự vi phạm đặc biệt nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa”. Thông điệp kiên quyết bảo vệ chủ quyền Quốc gia cũng được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định khi trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội. 


Có thể nói, với chức năng là tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, đồng thời cũng là cơ quan giám sát tối cao, mỗi kỳ họp Quốc hội luôn thu hút sự quan tâm lớn của người dân Việt Nam, đặc biệt là các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Bên cạnh chương trình xây dựng Luật, tất cả các vấn đề Quốc gia đại sự đều được các đại biểu đề cập, mổ xẻ, chất vấn, truy trách nhiệm, qua đó buộc người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phải hành động hiệu quả hơn, với trách nhiệm cao hơn. Trong tinh thần ấy, lòng yêu nước, hướng về biển Đông của nhân dân Việt Nam những ngày qua, là một sức ép, đồng thời cũng là động lực để các đại biểu đóng góp những giải pháp tốt nhất, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. 


Và tất cả những vấn đề quan trọng khác của đất nước, như tăng trưởng kinh tế, quản lý tài sản công, chống tham nhũng, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đảm bảo an toàn giao thông… cũng sẽ được giám sát trên tinh thần như thế, góp phần chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực này. 


Để tiếng nói quyền lực của nhân dân thực sự được phát huy hiệu quả, có hai điều kiện cần và đủ, đó là năng lực thực sự của Quốc hội và năng lực “lắng nghe” của Chính phủ. Năng lực ấy đòi hỏi không chỉ về trình độ, thông tin, kiến thức mà còn đòi hỏi cả về trách nhiệm, tâm huyết và bản lĩnh, cả từ hai phía. Có như vậy, từng ý kiến đóng góp của mỗi đại biểu mới thực sự có giá trị và hành động của Chính phủ mới thực sự tạo ra chuyển biến, hiệu quả. Có như vậy, lời hứa của các thành viên Chính phủ không lo bị thất hứa. 


Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã từng phát biểu: “Qua những năm tham gia Quốc hội, tôi nghiệm thấy rằng, một Quốc hội như thế nào thì sẽ có một Chính phủ như thế ấy”. Quả thực, thông điệp này nhấn mạnh quyền lực của Quốc hội là rất lớn, song trách nhiệm của Chính phủ cũng rất nặng nề. Và chỉ khi ý thức rõ ràng trách nhiệm của mình gắn với mỗi hành động, kết quả của Chính phủ như vậy, Quốc hội mới thực sự đổi mới, chất lượng, hiệu quả và càng tiến gần hơn kỳ vọng mà nhân dân gửi gắm. 

Xuân Thu

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.