Xã hội

Khi cư dân mạng nào cũng có thể trở thành “nhà báo”

20/06/2019, 06:52

Những năm gần đây, báo chí truyền thống trên toàn thế giới ngày càng trở nên khó khăn để vận hành và tồn tại trước sự xuất hiện của mạng xã hội.

img
Một người hâm mộ dễ dàng tường thuật trực tiếp lễ đón các cầu thủ U23 Việt Nam (HCB giải U23 châu Á 2018) trên trang cá nhân chỉ bằng chiếc smartphone. Ảnh: K.Linh

Công nghệ đã khiến MXH gắn kết cư dân toàn cầu, giúp họ chia sẻ thông tin ở bất cứ đâu dưới tư cách một “nhà báo công dân”, nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy với bản thân người đưa tin và cộng đồng.

“Báo chí công dân” là gì?

Bên cạnh việc làm rõ khái niệm của cụm từ “báo chí công dân” (citizen journalism), trong bài phân tích của Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức toàn cầu (World Association of Newspapers and News Publishers/WAN-IFRA) đăng vào trung tuần tháng 5/2019 cũng đã đề cập đến khía cạnh trách nhiệm mà các cư dân mạng cần phải thực hiện trong kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ.

Theo Em Kuntze, biên tập viên cấp cao của trang Content Insight, người có bài viết được WAN-IFRA đăng tải, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và thay đổi do những tập đoàn công nghệ đa quốc gia mới tạo ra, nhiều tờ báo đã buộc phải đóng cửa một số chuyên mục, cá biệt có những tòa soạn phải chấm dứt hoạt động và giải thể hoàn toàn.

Bên cạnh đó, có những nhà lãnh đạo (Tổng thống Mỹ Donald Trump) từng coi báo chí ở nước này là kẻ thù của người dân (đặc biệt đối với những tờ báo mà ông này không ưa).

Nhà báo Em Kuntze cho rằng, nói một cách chính xác, báo chí truyền thống đang phải đối đầu với một cuộc chiến trên toàn bộ các mặt trận. Một trong những mặt trận khó khăn nhất đó chính là việc cạnh tranh với cách thức loan tải và chia sẻ thông tin mà các loại hình mạng xã hội (MXH) đang triển khai, trong đó, họ đã biến những người dùng của mình thành “các nhà báo công dân”.

Những nội dung tin tức mà người dùng của các nền tảng MXH được tạo ra có chính xác và tin cậy hay không còn đang nằm trong sự hỗn độn (chính nó đã gây mất niềm tin của cộng đồng với tin tức nói chung và báo chí, truyền thông chính thống nói riêng), nhưng, chính điều này đã làm thay đổi cuộc chơi, đẩy các tờ báo đến những khó khăn cực kỳ khó chống đỡ.

WAN-IFRA định nghĩa rằng: “Báo chí công dân” là loại hình tạo dựng và chia sẻ các tin tức nội dung có sự tham gia của người dùng internet, gắn liền với các tài khoản trên những nền tảng MXH, chủ nhân của những tài khoản này có thể là nhà báo chuyên nghiệp hoặc chỉ là những cư dân mạng bình thường.

“Báo chí công dân” là sản phẩm được hình thành do các cư dân mạng học tập cách thức đưa tin, tác nghiệp của các nhà báo thực sự. Sản phẩm của các nhà báo chuyên nghiệp được đăng tải trên các trang, tờ báo chính thống, nó bao gồm những thông tin trả lời các câu hỏi kinh điển như: Ai (who), cái gì (what), khi nào (when), tại sao (why) và như thế nào (how)… đã trở thành hình mẫu mà bất cứ cư dân mạng nào cũng có thể bắt chước và học theo.

Các “nhà báo công dân” xuất hiện ở khắp mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, lĩnh vực. Họ truyền đạt thông tin giống như những nhân chứng tại hiện trường, người trong hoàn cảnh và chuyên gia trong ngành… Nhưng, có điểm khác biệt đáng chú ý nhất giữa các “nhà báo công dân” và những nhà báo chuyên nghiệp đó là trách nhiệm, đạo đức và tính chính danh với công việc.

Người dân + mạng xã hội = hình thức truyền thông mới

img
Trong kỷ nguyên công nghệ thông tin bùng nổ, ai cũng có thể trở thành “nhà báo” nhưng trách nhiệm với các nội dung mình đăng tải là nguyên tắc vô cùng cần thiết để người dùng MXH không gặp phải rắc rối

Bài viết của WAN-IFRA cho rằng, hiện nay, các nhà báo chuyên nghiệp đã không còn là người quyết định thông tin gì, câu chuyện nào là đề tài cần quan tâm nhất trong ngày nữa.

Thay thế chức năng của các nhà báo trước đây là cả xã hội hoặc cũng có thể chỉ là một nhóm những cư dân mạng có tài khoản MXH tập hợp lại với nhau để cùng chia sẻ những thông tin mà họ thu thập, sở hữu hay nắm bắt được.

Các cư dân mạng mới là người quyết định việc “ngày hôm nay có gì hot, có gì rúng động và đáng chú ý nhất”. Xu thế này bắt đầu nhen nhóm khởi nguồn từ giữa những năm 2000 khi hình thức viết nhật ký mạng (blog cá nhân) của Yahoo ra mắt, báo điện tử mới bắt đầu được hình thành. Mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn và thực sự bùng nổ khi Facebook, Twitter, Youtube và hàng loạt nền tảng MXH khác ra đời.

Công thức “Người dân + mạng xã hội = hình thức truyền thông mới” là một thực tế không thể phủ nhận. Công nghệ thông tin tiên tiến đã tạo ra tất cả, nó khiến cho những cư dân mạng ở đủ mọi thành phần, lứa tuổi, tầng lớp… có thể trở thành các “nhà báo công dân có nhiều quyền lực hơn” và chính vì lẽ đó, theo các nhà phân tích xã hội học quốc tế, họ cũng cần phải “có nhiều trách nhiệm hơn với cộng đồng và xã hội”.

Các “nhà báo công dân” trước hết phải thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân của mình, đó là việc tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy định, quy chuẩn, đạo đức, trách nhiệm… khi tham gia môi trường internet.

Với các nhà báo chuyên nghiệp, tác giả của bài báo trên WAN-IFRA đưa ra khuyến cáo rằng, để thành công, mỗi phóng viên, nhà báo thực sự cần phải coi, hợp tác với các “nhà báo công dân” như một nguồn tin, nhân chứng trong khi tác nghiệp. Việc khai thác các “nhà báo công dân” trên môi trường internet như thế nào có lẽ bất cứ nhà báo chuyên nghiệp nào cũng sẽ rất thành thạo.


Đừng bao giờ nghĩ rằng bạn có thể truyền tải bất cứ những gì mình thích trên MXH. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải bất cứ nội dung nào. Việc thể hiện ý kiến của mình cũng cần phải lưu tâm đến việc không gây tổn thương, bôi nhọ, vu khống, làm nhục… người khác, thậm chí là vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền hay nghiêm trọng hơn là có thể đẩy một người nào đó, hoặc chính mình, đến những rắc rối và nguy hiểm khôn lường.

Hôm 31/3/2019, trong bài viết đăng trên báo Washington Post của Mỹ, chính Mark Zuckerberg, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành của mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook cũng cho rằng, “cần đưa ra những điều luật mới để cải thiện các vấn đề trên mạng internet, giúp bảo vệ những điều tốt đẹp nhất của quyền tự do trên internet”.

Ngoài ra, để các “nhà báo công dân” trên internet tuân thủ các nguyên tắc, quy định tối thiểu cũng rất cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý với những giải pháp kỹ thuật và pháp lý nhằm hạn chế sự lây lan của những thông tin xấu, độc. Trong đó, công nghệ lọc, kiểm soát, chặn thông tin cần được quan tâm và tập trung nhiều hơn. Đi cùng với đó là những quy định cụ thể để người dùng MXH có trách nhiệm hơn với những gì đăng tải trên các nền tảng chia sẻ thông tin trên internet.

Luật pháp nghiêm khắc là cách tốt nhất để đưa mọi thứ vào khuôn khổ. Nhiều quốc gia đã có luật cho lĩnh vực thông tin mạng xã hội. Nếu người dùng MXH loan tải những thông tin không chính xác sẽ gây hại cho người khác và cho cả cộng đồng, những hành vi như vậy cần phải bị xử lý nghiêm theo luật.

Trái lại, nội dung thông tin mà các “nhà báo công dân” đăng tải càng chính xác, nhân văn, có xác minh, tuân thủ luật pháp và các quy tắc công cộng chắc chắn sẽ được cộng đồng hưởng ứng và đón nhận, bài viết trên WAN-IFRA đưa ra lời khuyên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.