Hồ sơ tài liệu

Khi cường quốc than đá Trung Quốc cũng phải lo lắng

18/12/2020, 06:22

Than đá giúp Trung Quốc trở thành cường quốc nhưng là nguyên nhân tạo sương mù gây ô nhiễm khi nước này sản xuất 2/3 sản lượng điện từ than đá.

img

Mỏ khai thác than Hải Châu lộ thiên lớn nhất tại châu Á nhìn từ trên cao. Sau khi đóng cửa năm 2005, mỏ than được chuyển đổi thành công viên

Than đá, loại “vàng đen” đã giúp Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc. Nhưng cũng chính than đá lại là nguyên nhân tạo sương mù gây ô nhiễm khi quốc gia này sản xuất 2/3 sản lượng điện từ than đá. Tham vọng đi đầu thế giới về nỗ lực giải quyết biến đổi khí hậu của Bắc Kinh thực sự là một thách thức.

Mục tiêu không tương thích

Hãng tin Bloombeg hôm 16/12 có bài viết cho hay, tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố mục tiêu đến năm 2060, Trung Quốc phải trung lập được khí thải carbon. Điều đó đồng nghĩa với việc ngành than đá nước này có 40 năm để chuyển đổi, tìm cách giảm bớt ô nhiễm do sử dụng than đá hoặc tìm hướng đi khác.

Với định hướng này, một trong những kế hoạch mà ông Tập đang theo đuổi đó là nâng cấp các nhà máy để hạn chế thải khói bụi độc hại ra môi trường, tăng hiệu quả và năng suất sản xuất điện trên mỗi tấn than được dùng để đốt.

Trong khi đó, giới chức trong ngành khai thác than của Trung Quốc vẫn tin rằng họ có thể ứng dụng công nghệ mới, hạn chế việc công nhân phải trực tiếp xuống các hầm khai thác than. Từ đó, có thể tận thu lợi nhuận, dùng vốn liếng thu được để phát triển ngành nghề khác trước khi hoạt động khai thác và sử dụng than đá bị loại bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, đây dường như là ước mơ xa vời thực tế. Bởi, sự thật là mục tiêu trung lập (cắt giảm) khí carbon của Trung Quốc không tương thích với mục tiêu của ngành khai thác, sản xuất và tiêu thụ than đá ở nước này.

Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu môi trường Draworld và Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch, nếu Trung Quốc muốn đạt được cam kết trung lập khí C02 trong năm 2060 thì họ cần phải lập tức dừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Mục tiêu này đòi hỏi Bắc Kinh phải giảm tổng năng lượng từ các nhà máy nhiệt điện (sử dụng than) xuống 680 gigawatt tính đến năm 2030, thay vì tăng lên tới 1.300 gigawatt như kế hoạch hiện nay.

Từ ngành kinh tế chủ chốt đến gánh nặng

Tại nhiều địa phương như thành phố Phụ Tân, tỉnh Liêu Ninh, khai thác than là hoạt động sản xuất lâu đời, làm nên lịch sử của họ từ hàng thế kỷ nay. Người dân tại Phụ Tân bắt đầu khai thác than từ năm 70 của thế kỷ 18.

Vào năm 1949, Phụ Tân được chọn làm trung tâm cho nỗ lực hiện đại hóa quốc gia. Thời kỳ đó, khai thác mỏ không chỉ là hoạt động chủ lực của nền kinh tế mà còn là niềm tự hào dân tộc. Than đá là “nồi cơm” nuôi sống hàng trăm nghìn người dân. Đỉnh điểm, có hơn 500.000 người trong tổng số 700.000 dân Phụ Tân làm việc hoặc sống trong các gia đình có người thân làm trong ngành than đá.

Công ty khai thác than địa phương còn vận hành nhiều bệnh viện, trường học, cơ sở thể thao. Mọi nhu cầu trong cuộc sống gần như đều xoay quanh mỏ than Hải Châu - mỏ khai thác than lộ thiên lớn nhất tại châu Á.

Nhưng đến năm 2005, nguồn nhiên liệu dễ tiếp cận cạn kiệt, mỏ Hải Châu đóng cửa, hàng nghìn công nhân bị sa thải chỉ với chút ít tiền trong tay. “Nhiều người đã hy sinh sức khỏe, tuổi trẻ cho công việc mà chúng tôi tưởng rằng có thể nuôi sống mình cả đời, cuối cùng bất ngờ nhận lại tương lai vô định”, ông Zhu Yu, công nhân mỏ từng làm việc tại mỏ Hải Châu kể.

Đến nay, nhờ công nghệ tiên tiến, các nhà sản xuất Trung Quốc đã hạ giá điện gió và năng lượng mặt trời tới mức đủ để cạnh tranh với than, thậm chí còn rẻ hơn mà không cần trợ cấp. Nhưng lượng công việc được tạo ra từ ngành này lại không nhiều như ngành khai thác than.

Tại Sơn Tây, nơi có nhiều mỏ than trữ lượng lớn bao gồm Nội Mông, Thiểm Tây và Tân Cương, giới chức địa phương cũng đang tìm mọi cách để né tránh viễn cảnh như Phụ Tân. Họ muốn kéo dài thời gian từ nay cho tới khi đó càng lâu càng tốt.

Hồi tháng 5 vừa rồi, trong bài trao đổi với China Electric Power News, ông Chen Jinxing, cựu Chủ tịch Tập đoàn Datang Trung Quốc cho rằng, “than đá nên đóng vai trò nền tảng trong việc ổn định nguồn năng lượng Trung Quốc để đảm bảo nước này có thể tự cung, tự cấp và không bao giờ bị nước khác kiểm soát”.

Tại kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi tháng 5, các đại biểu đến từ ngành công nghiệp than đá Trung Quốc đã đề xuất đưa than đá đóng vai trò trung tâm trong “an ninh năng lượng”. Đây là lý do mà ngành này dựa dẫm để tồn tại song song với cam kết môi trường vào năm 2060.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.