Chuyện dọc đường

Khi đại biểu Quốc hội “nói hộ” lòng dân

06/11/2020, 06:29

Tôi cho từ “nói hộ” vào ngoặc kép bởi với chức trách của mình, ý kiến của đại biểu Quốc hội chính là tiếng nói đại diện cho người dân.

img
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu và đại biểu Phạm Thị Minh Hiền phát biểu tại Quốc hội

Nhưng ít khi, những tiếng nói ấy được người dân tâm đắc, chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội hai ngày qua như bài phát biểu của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu và đại biểu Phạm Thị Minh Hiền.

Cả hai bài phát biểu đều nói đúng, nói trúng tâm tư nguyện vọng của nhiều người, là tiếng nói trăn trở về tư duy đổi mới cần bắt đầu từ nền tảng giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đau đáu trước ánh mắt của những đứa trẻ vùng lũ, trước những ánh mắt lo lắng như cụ non của những đứa trẻ sau một đêm mất nhà, mất bạn, mất cha mẹ, trường học ngập trong bùn.

Là một bác sỹ đứng trên bục giảng, ĐB Hiếu xót xa: “Đổ lỗi cho thiên tai đôi khi là cách lý giải dễ dàng nhất. Nhưng tại sao trận lụt nào cũng là “lịch sử”, dấu nước để lại trên tường nhà mỗi ngày một cao hơn?... Bảo vệ môi trường theo tôi đầu tiên từ tư duy, mà tư duy nhờ giáo dục mà thành. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành một tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện dường như vô cùng khó khăn. Chúng ta thử hình dung các em bé vào lớp một với quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng, đang học lại thay đổi bổ sung, sửa chữa hay đính chính sẽ có tư duy logic và hệ thống ra sao? Một nền giáo dục loay hoay thử nghiệm sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, cóp nhặt, a dua và nói dối”.

Ông viết, Việt Nam có thật nhiều những người thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn. Nhưng không thể dùng lòng tốt để khắc phục những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác. Cần một chiến lược ứng phó với thiên tai hiểu biết và nhân văn. Có vậy, người dân - nhất là những người yếu thế - cũng như những ngành chức năng (bộ đội, công an, y tế) mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót.

Chiến lược mà đại biểu Hiếu đề cập bao gồm việc khảo sát từ vấn đề vĩ mô như thảo luận với các nước thượng nguồn các dòng sông đổ vào Việt Nam; hạn chế Trung Quốc, Lào, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành thủy điện mới và cũ, đến những việc cấp thiết như cập nhật vẽ bản đồ sạt lở khắp các tỉnh, thành phố; xây nhà chống lũ; đầu tư trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo bão lũ hiệu quả; hay có sẵn những khu tập trung an toàn cho người dân khi bão lũ và trên hết là dừng tấn công vào những ngọn núi, con sông, bức tử những cánh rừng tự nhiên.

Cùng một trăn trở về việc trồng người, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) thẳng thắn nhận định: “Giáo dục là xây dựng con người. Nhưng một khi giáo dục bị biến tướng bởi sức mạnh đồng tiền và “sức khỏe” của lợi nhuận, thì lúc ấy đến cả con người cũng sẽ bị biến tướng.

Với niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo, đại biểu Hiền đề nghị các cơ quan, bộ phận có trách nhiệm dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. Đảm bảo rằng các quyền của trẻ em thông qua giảng dạy văn hóa cần phải được bảo vệ và thực thi nghiêm túc.

“Lỗi sai phải được giải quyết, không nên trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm. Không người dân nào đủ kiên nhẫn rút mãi sợi dây vô định này bằng sức lực của niềm tin”, đại biểu Hiền bày tỏ.

Tôi vô cùng tâm đắc với ý kiến của đại biểu Hiền ngay tại nghị trường Quốc hội: “Xây dựng con người hay trồng người, cần một nhận thức đúng đắn về hệ giá trị từ trong nhà trường đến xã hội, chi phí cho những điều này không phải bằng ngân sách, vốn đầu tư công, mà bằng sức mạnh của tư duy và lòng trắc ẩn đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc”.

Giáo dục đương nhiên là nhiệm vụ chính của hệ thống trường lớp, nhưng giáo dục sâu xa hơn phải bắt nguồn từ những giá trị hiện có của xã hội.

Giáo dục phải chuẩn chỉ, nghiêm ngắn, không vụ lợi nhưng pháp luật phải nghiêm minh, giá trị đạo đức phải được tôn trọng, sức lao động phải được trả đúng thực tế, cuộc sống người dân phải được đảm bảo… những cốt lõi ấy phải được bồi đắp mới mong đất nước hóa rồng.

Mong lắm nhiều thêm những trăn trở của đại biểu Quốc hội. Thêm những lời gan ruột, những trí tuệ sâu sắc được cả bộ máy hiện thực hóa thành hành động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.