Tài chính

Khi doanh nghiệp ồ ạt mua lại trái phiếu trước hạn

02/07/2022, 06:50

Gần đây các doanh nghiệp liên tục mua lại trái phiếu riêng lẻ trước hạn. Trong 3 tháng đầu năm, khối lượng mua lại trước hạn là 12,8 nghìn tỷ...

Mua lại trước hạn trái phiếu đã phát hành là hoạt động rất bình thường của doanh nghiệp.

Nhưng động thái ồ ạt vài tháng gần đây lại không hoàn toàn bình thường.

img

Sau giai đoạn ồ ạt phát hành “nóng”, nhiều doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn (Ảnh minh họa)

Ồ ạt mua lại trước hạn

Cách đây gần một năm, ngày 23/8/2021, Công ty CP An Phát Finance công bố thông tin bán thành công 50.000 trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đợt 2 nhằm bổ sung vốn lưu động.

Trái phiếu có mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, lãi suất 8%/năm, kỳ hạn 3 năm (đáo hạn ngày 12/8/2024).

An Phát Finance có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT TP.HCM cấp lần đầu ngày 9/4/2018 và thay đổi lần thứ 6 vào ngày 8/3/2021, nhưng lại đặt trụ sở chính tại Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, tỉnh Hải Dương (hoạt động trong các lĩnh vực như: Sản xuất, buôn bán đồ uống không cồn, nước khoáng, dịch vụ ăn uống…).

Trong báo cáo một số chỉ tiêu tài chính trong các năm đầu hoạt động của doanh nghiệp này cho thấy, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu hơn 10 tỷ đồng) ghi nhận sự thay đổi nhanh chóng: Từ 3,47 lần năm 2018 lên 20,36 lần trong năm 2019.

Như vậy, trong cơ cấu tổng nguồn vốn của An Phát Finance, nợ vay đóng góp tới hơn 95%, là điển hình của một doanh nghiệp vốn mỏng. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt hơn 23,4 triệu đồng, đến 2019 giảm còn hơn 12,6 triệu đồng.

Vốn chỉ hơn 10 tỷ đồng, lợi nhuận thấp nhưng thời điểm thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu nở rộ, doanh nghiệp này đã nhanh nhạy huy động được 200 tỷ đồng (lãi suất 11%/năm) thông qua 4 đợt phát hành trái phiếu trong tháng 11 và tháng 12/2019.

Được biết, với kỳ hạn trái phiếu 3 năm thì đến thời điểm này (tháng 6/2022) 4 lô trái phiếu này, cùng với các lô trái phiếu phát hành sau đó vẫn chưa đến hạn tất toán.

Tuy nhiên, mới đây An Phát Finance đã quyết định tất toán trước hạn toàn bộ 7 lô trái phiếu với tổng giá trị 570 tỷ đồng, đáo hạn chậm nhất tháng 10/2024.

Không chỉ An Phát Finance, nhiều doanh nghiệp khác cũng liên tục thông báo mua lại trái phiếu trước hạn như: Công ty Intimex Việt Nam mua lại trước hạn gói 2.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn vào tháng 9/2024; Công ty chứng khoán MB mua lại toàn bộ 320 tỷ đồng trong gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 10/2022; Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng mua sớm 1.000 tỷ đồng gói trái phiếu đáo hạn vào tháng 4/2023…

Đợt sàng lọc hay cuộc tháo chạy?

“Không phải đến bây giờ doanh nghiệp mới mua lại. Ngay sau khi thông tin về vụ trái phiếu Tân Hoàng Minh bị hủy, rất nhiều nhà đầu tư đã mang hợp đồng đến công ty chứng khoán và ngân hàng phân phối, thậm chí đến doanh nghiệp phát hành để trả lại trái phiếu và đòi tiền”, anh Nguyễn Trung Hà, một nhà đầu tư trái phiếu và đất nền tại Hà Nội cho biết.

Cũng theo anh Hà, khi anh và một số nhà đầu tư đi tất toán trước hạn hợp đồng mua trái phiếu thì đều được các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng.

“Tất toán trước hạn thì chỉ thiệt về lãi suất thôi, doanh nghiệp không làm khó bởi lúc ấy vụ Tân Hoàng Minh quá kinh khủng, bản thân doanh nghiệp không muốn bị bêu tên hay bị thanh tra”, anh Hà nhận định.

Không chỉ mua bị động, ở góc độ mua lại trái phiếu trước hạn chủ động, một chuyên gia cho biết, trong đợt mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp thời gian này có doanh nghiệp trả tiền cho khách hàng, có doanh nghiệp thuyết phục được khách hàng chuyển sang lấy căn hộ mà họ đầu tư, hoặc giải quyết bằng một đợt phát hành trái phiếu khác…

Bản thân chuyên gia này đánh giá cao các doanh nghiệp thuyết phục được trái chủ tất toán trái phiếu trước hạn bằng cách chuyển sang sở hữu căn hộ và coi đây là một sáng tạo.

Còn với việc tất toán trước hạn trái phiếu, có thể doanh nghiệp sẽ phải phát hành lại trái phiếu khác với lãi suất cao hơn, đó là điều bình thường trên thị trường.

“Cũng có thể coi đây là một đợt sàng lọc, giải quyết được doanh nghiệp yếu, lành mạnh hóa thị trường. Nếu anh yếu thì phải trả lãi suất cao hơn những doanh nghiệp khác, khách hàng mới cân nhắc mua.

Mặc dù chi phí vay vốn tăng lên, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng họ lại giãn được dòng tiền. Đó là sự khác biệt của thị trường trái phiếu và thị trường tín dụng”, vị này lý giải.

Cũng theo chuyên gia này, nếu là tín dụng, doanh nghiệp sẽ bị quy thành đảo nợ nhưng trên thị trường trái phiếu thì hoạt động này lại hết sức bình thường.

“Có thể coi làn sóng mua lại trái phiếu trước hạn của một loạt các doanh nghiệp hiện nay là “hạ cánh mềm”, trong bối cảnh cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra và siết lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, chuyên gia này nhận định.

Áp lực trả nợ lớn cỡ nào?

Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, năm 2021, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành là 637 nghìn tỷ đồng, tăng 36,4% so với năm 2020.

Trong đó, phát hành riêng lẻ là 605,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 95,1%), phát hành ra công chúng là 31 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 4,9%). Kỳ hạn phát hành bình quân là 3,76 năm và lãi suất trái phiếu riêng lẻ là 7,94%/năm.

Đối với quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp mà cả thị trường đang chờ đợi, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã được Bộ Tài chính bổ sung nhiều lần và đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có thời hạn trình ban hành cụ thể.


Đến quý I/2022, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 144,1 nghìn tỷ; trong đó, phát hành riêng lẻ 136,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 94,7%), phát hành ra công chúng là 7,6 nghìn tỷ đồng (chiếm5,3%). Khối lượng phát hành tập trung chủ yếu trong tháng 1 và giảm dần trong tháng 2, 3.

Từ tháng 4, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sụt giảm mạnh với chỉ khoảng 30 nghìn tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021. Kỳ hạn phát hành bình quân giảm xuống còn 3,35 năm, lãi suất bình quân lên 9,67%/năm.

Đặc biệt, có một số doanh nghiệp bất động sản huy động khối lượng lớn trái phiếu riêng lẻ với lãi suất cao, 12 - 13%/năm, gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Với sự phát triển bùng nổ của thị trường trái phiếu từ năm 2019 và liên tục tăng đến quý I/2022, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2022 - 2024 là khá cao, tạo áp lực trả nợ cho các tổ chức phát hành trong thời gian tới.

Cụ thể, trong năm nay khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144,5 nghìn tỷ đồng; trong đó khối lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn khoảng 62,47 nghìn tỷ đồng (chiếm 43,2% tổng khối lượng trái phiếu đáo hạn), khối lượng trái phiếu các ngân hàng đáo hạn khoảng 29,16 nghìn tỷ đồng (chiếm 20,2%).

Đến năm 2023 và năm 2024, khối lượng trái phiếu đến hạn tăng cao hơn, lần lượt là 271,4 tỷ đồng và 329,5 nghìn tỷ đồng; trong đó tổng khối lượng trái phiếu bất động sản đến hạn là 207,8 nghìn tỷ đồng, trái phiếu của các ngân hàng đến hạn là 207,5 nghìn tỷ đồng.

Như đã đề cập phía trên, gần đây các doanh nghiệp liên tục mua lại trái phiếu riêng lẻ trước hạn. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, khối lượng mua lại trước hạn là 12,8 nghìn tỷ đồng.

Nhưng đến cuối tháng 4, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn đã tăng vọt lên 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 4 là 11,9 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ khối lượng mua lại của cả 3 tháng đầu năm cộng lại.

Trao đổi với Báo Giao thông, một đại diện Bộ Tài chính cũng thừa nhận, có doanh nghiệp tài chính tốt muốn tất toán trước hạn để giảm gánh nặng chi phí tài chính, nhưng cũng có trường hợp sai phạm trong phát hành và muốn tự sửa sai trong bối cảnh Bộ trưởng Bộ Tài chính có chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp rà soát lại hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

“Trong số các doanh nghiệp mua lại trước hạn, chưa biết có sai không nhưng rõ ràng là có nhiều doanh nghiệp quan ngại”, vị này nói.

Tân Hoàng Minh dừng kinh doanh chi nhánh, dồn tiền trả nợ

Ông Đỗ Hoàng Minh, Phó tổng giám đốc - người được ủy quyền điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh thay cha (ông Đỗ Anh Dũng, đã bị khởi tố, bắt giam - PV) vừa gửi thông báo tới các khách hàng cho biết, trừ trụ sở tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh dừng hoạt động tất cả chi nhánh từ ngày 1/7 để giảm chi phí, tập trung nguồn lực trả tiền cho khách hàng mua trái phiếu.

Đầu tháng 4, Ủy ban chứng khoán Nhà nước thông báo hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh với tổng quy mô phát hành hơn 10.000 tỷ đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đồng thời bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng và 6 người khác.

Cho đến nay, các nhà đầu tư liên tục lên trụ sở Tân Hoàng Minh để đòi tiền đã mua trái phiếu nhưng chưa được.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.