Showbiz

Khi đời tư nghệ sĩ thành “mồi câu” khán giả

27/12/2016, 09:18
image

Để mua tiếng cười của khán giả, nghệ sĩ có thêm một chiêu mang chuyện đời tư của đồng nghiệp ra giễu nhại,...

tran-thanh-truong-giang-ky-tai-thach-dau-showbizvn

Nghệ sĩ Hồng Đào và Trường Giang đã bị chỉ trích vì “đá xéo” chuyện đời tư của Ngọc Trinh trên sân khấu chương trình “Kỳ tài thách đấu”.

Chuyện đời tư thành trò hài trên sân khấu

Mới đây, nghệ sĩ Hồng Đào và Trường Giang đã bị chỉ trích vì “đá xéo” chuyện đời tư của Ngọc Trinh trên sân khấu chương trình Kỳ tài thách đấu. Theo đó, trong tiểu phẩm Chàng rể hoàn hảo, Hồng Đào đã nhắc tới chuyện “thuở vòng eo 56, mới 27 tuổi hơ hớ xuân thì thì bị ép lấy một ông già 72 tuổi”. Lập tức, Trường Giang lên tiếng: “Tuổi tác không phải vấn đề trong tình yêu, 72 tuổi nhưng ổng giàu”. Dù không chỉ đích danh nhưng ai cũng hiểu hai nghệ sĩ này đang nói về chuyện tình của Ngọc Trinh với tỷ phú 72 tuổi đang gây xôn xao dư luận. Dưới clip tiểu phẩm trên Youtube, nhiều người thể hiện sự bức xúc vì cho rằng đây là chuyện riêng tư của người khác, không nên đưa lên sóng truyền hình mỉa mai, châm chọc.

Xem thêm video:

Cũng trong chương trình Kỳ tài thách đấu, Trấn Thành thản nhiên úp mặt vào ngực Hương Giang trong vai Thị Mầu và chê là “toàn mùi silicon”. Câu nói của nam danh hài khiến Hương Giang “đứng hình” vài giây. Biết mình lỡ lời, Trấn Thành vội giải thích “silicon là một loại độc dược chiết xuất từ hoa lài”. Tuy nhiên, lời gỡ gạc của Trấn Thành vẫn không làm hài lòng người xem. Nam danh hài đã thiếu kiểm soát trong lời nói của mình khi đụng chạm đến Hương Giang, vì ai cũng biết cô vốn là người chuyển giới. Ngay sau đó, đoạn tình huống lỡ lời này của tiểu phẩm khi đăng tải trên Youtube đã được cắt bỏ.

Trước đó, ê-kíp trưởng phòng trong Ơn giời, cậu đây rồi! cũng bị tố vô duyên khi liên tục mang chuyện tình cảm giữa Hari Won - Trấn Thành để trêu chọc Mai Hồ trong tập 4 của chương trình. Mai Hồ là người tình cũ của Trấn Thành nên việc mang chuyện tình mới của Trấn Thành làm đề tài để trêu Mai Hồ được nhiều người coi là nhạy cảm. Trong vai trò khách mời, Mai Hồ không chỉ được chiêm ngưỡng bức hình “siêu nóng” của Trấn Thành - Hari Won, cô còn phải hát Anh cứ đi đi - ca khúc Hit của Hari Won ngay trên sân khấu và bị phó phòng Lâm Vỹ Dạ lấy hình Hari Won đi vòng xung quanh.

Ơn giời, cậu đây rồi! cũng là chương trình mà các trưởng phòng và thí sinh thường dùng chuyện tình cảm đời tư của nhau như một mảng miếng để tạo tiếng cười cho khán giả. Chuyện tình của Trường Giang - Nhã Phương, Trấn Thành - Hari Won, những câu chuyện đời tư của nghệ sĩ trở thành đề tài để trưởng phòng và các thí sinh cùng nhau tung hứng, chọc cười khán giả.

Thể hiện sự xuống cấp văn hóa

Chuyện giễu nhại thói hư tật xấu trong xã hội là điều tốt, nhưng “đá xéo” đời tư cá nhân đồng nghiệp cùng là nghệ sĩ để “mua vui vài trống canh” thì đúng là thiếu văn hóa, thiếu ý nhị trong cách sản xuất, dàn dựng tiểu phẩm, tư cách nghệ sĩ. Nghệ sĩ Quang Tèo nhìn nhận, trong quá trình diễn hài, diễn viên có thể thêm thắt những tình tiết về những tật xấu của cá nhân ai đó để tiểu phẩm thêm hài hước, hóm hỉnh, nhưng phải biết tiết chế. Bởi, chỉ những người để ý hoặc trong nội bộ biết với nhau câu chuyện mình đang nói, còn không phải khán giả nào cũng biết chi tiết đó đang nói về ai, nói về chuyện gì. Thế nhưng, khi chuyện đời tư, tình cảm được lôi ra để hùa nhau, trêu chọc nhau trên sân khấu lại là chuyện khác.

“Mỗi cá nhân đều có những ưu, khuyết điểm riêng. Nếu chúng ta muốn nhắc nhở thì phải biết dùng ngôn ngữ, hoàn cảnh cho hợp lý, nhắc nhở mang tính thiện chí và thuyết phục để họ sửa đổi, rút kinh nghiệm. Còn mang chuyện riêng tư của nhau lên sân khấu để chọc ghẹo, mỉa mai thì không nên, dù đó là tình huống nào đi nữa. Chuyện cá nhân thường mang tính tế nhị, không phải dễ dàng đưa ra cho bàn dân thiên hạ cười cợt được, như thế khác nào đang sỉ nhục họ trước công chúng”, nghệ sĩ Quang Tèo chia sẻ.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Việt Nam nhận định, đây là câu chuyện liên quan tới bảo vệ và quản lý văn hóa. Những chương trình biểu diễn trên truyền hình cho hàng triệu người xem. Vì thế, nên duyệt trước mọi tình huống, kịch bản, không thể để nghệ sĩ tự do muốn nói gì thì nói, muốn bàn chủ đề gì thì bàn, muốn dùng mảng miếng gì cũng có thể dùng được.

Theo ông Thọ, các nghệ sĩ luôn cố tìm mọi cách để tạo ra tiếng cười cho khán giả, mang đến những show diễn cho khán giả giải trí là đạt được mục đích của mình. Không phải ai cũng quan tâm đằng sau những câu nói, hành động của mình sẽ mang tới hậu quả như thế nào. Và đó là điều các cơ quan quản lý phải vào cuộc xem xét, nhắc nhở, cũng như có chế tài xử lý. Các đài truyền hình cũng nên có trách nhiệm hơn trong việc giám sát những tiểu phẩm trên sóng truyền hình.

“Thông thường, người trong cuộc không muốn ầm ĩ nên cũng không nói gì. Chỉ có khán giả là người phải nghe, phải xem những thứ không đâu vào đâu. Điều đó thể hiện văn hóa, ý thức của người làm nghề, từ nghệ sĩ tới những người quản lý. Gameshow không chỉ là chương trình giải trí mà còn là chương trình văn hóa nghệ thuật. Những điều diễn ra trong đó là văn hóa thấm sâu vào nhận thức của giới trẻ, có sự lan truyền mạnh. Những hiệu ứng xấu sẽ tác động xấu đến xã hội. Một lớp người thiếu văn hóa thì xã hội sẽ đi thụt lùi. Văn hóa phải được quản lý và bảo vệ, xã hội mới phát triển được”, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định. 

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.