Tài chính

Khi giao dịch ngân hàng chỉ cần điện thoại

13/06/2018, 08:02

Số lượng ngân hàng ứng dụng công nghệ giao dịch điện tử tại Việt Nam còn quá ít là một trong những nguyên nhân...

10

Chi phí giao dịch ngân hàng tại Việt Nam còn cao do các ngân hàng chậm ứng dụng công nghệ - Ảnh: Tạ Tôn

Chi phí giao dịch cao vì chậm ứng dụng công nghệ

Một ngân hàng ở Việt Nam vừa mạnh dạn khai trương mô hình dịch vụ ngân hàng mới là dịch vụ tự động LiveBank. Điểm đặc biệt của mô hình LiveBank là sự tích hợp các tính năng giao dịch ngân hàng cơ bản kết hợp với ứng dụng công nghệ tương tác qua video với giao dịch viên để hỗ trợ tư vấn trực tuyến từ xa, điều mà những chiếc ATM thế hệ cũ không làm được. Không những thế, mô hình này còn có thể thực hiện hầu hết các giao dịch ngân hàng cơ bản như: Dịch vụ nộp tiền mặt, đăng ký tài khoản thanh toán, tài khoản eBank, khoản vay, mở thẻ ghi nợ, gửi tiền có kỳ hạn, cho phép mở rộng thêm dịch vụ tiện ích khác tích hợp với ngân hàng điện tử eBank (chuyển khoản, thanh toán dịch vụ, truy vấn…) trong tương lai.

Một điểm thú vị là dịch vụ này cho phép khách hàng mở tài khoản chỉ cần lấy dấu vân tay với công nghệ sinh trắc học có tính bảo mật cao hơn và quy trình vận hành tự động cùng công nghệ OCR (nhận dạng ký tự quang học). Lãnh đạo ngân hàng trên cho biết, thời gian thực hiện giao dịch tại LiveBank tiết kiệm đến 40% so với giao dịch truyền thống và yên tâm về bảo mật.

PGS. TS. Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại Hội thảo khoa học “Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng” ngày 12/6 cho biết: Ngoài mô hình hiện đại LiveBank, thời gian qua nhiều ngân hàng Việt Nam đã bước đầu ứng dụng những ưu việt của công nghệ 4.0 tạo nên các sản phẩm dịch vụ vượt trội như ngân hàng số Timo ứng dụng công nghệ Chat Bot mới nhất từ mạng xã hội Facebook vào dịch vụ chăm sóc khách hàng; các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phục vụ người dùng trong lĩnh vực ngân hàng số như T’Aio trên Facebook Fanpage…

Tuy nhiên, số lượng ngân hàng ứng dụng công nghệ, dịch vụ hiện đại như trên còn rất ít bởi vướng quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý không theo kịp công nghệ mới. Mặt khác, chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng quá lớn.

Ông Lê Anh Dũng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ rõ, hệ thống ngân hàng của nước ta hiện chậm thay đổi, thiếu linh hoạt trong ứng dụng công nghệ, dẫn tới chi phí giao dịch thường cao và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Do đó, nhiều ngân hàng đang bắt tay với các FinTech (financial technology - công nghệ trong tài chính) để nâng cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng vốn đang chậm đổi mới.

“Công nghệ hóa” giao dịch có tăng rủi ro an ninh mạng?

Các Fintech trải rộng nhiều lĩnh vực, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới như: Điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học... Ông Dũng cũng đánh giá cao các FinTech và cho rằng, đây là lĩnh vực phát triển nhanh, là khu vực giao cắt năng động giữa công nghệ với dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, đại diện Vụ Thanh toán cũng cho biết: Các FinTech lại thiếu kinh nghiệm hoạt động tài chính ngân hàng, thiếu vốn và nền tảng khách hàng. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ, quản lý rủi ro của Fintech cũng thiếu hụt. Trong khi đó, ngân hàng lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán bài bản và khuôn khổ quản lí rủi ro vững mạnh. Do đó, cái “bắt tay” giữa ngân hàng và Fintech được coi là sự khớp nối của hai mảnh ghép về dịch vụ tài chính - ngân hàng. Theo ông Dũng, hiện có tới 72% công ty Fintech tại Việt Nam lựa chọn hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ thay vì cạnh tranh trực diện.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm Fintech, GS. John Wong (Đại học Quản trị Paris) tính toán, khi có sự tham gia của Fintech, chi phí hoạt động ngân hàng sẽ giảm đến 80%. Theo GS. Wong, các ngân hàng có thể cắt giảm số lượng chi nhánh, loại bỏ hệ thống máy ATM không cần thiết; khách hàng thậm chí không cần tới thẻ Visa hay Mastercard mà chỉ cần điện thoại thông minh.

Tăng ứng dụng công nghệ có làm tăng rủi ro về an ninh mạng? Trả lời câu hỏi này, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, phân tích giao dịch đáng ngờ để dự đoán trước rủi ro, ngăn chặn kịp thời rủi ro... Đồng thời, các ngân hàng cũng phải tự tăng cường bảo mật để phòng tránh những sự cố mất tiền trong thẻ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngân hàng và toàn ngành.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.