Khi hành khách "quấy rối" nhà tàu

03/12/2014, 13:14

Chuyện hành khách đi tàu uống rượu say gây rối không còn là hiếm. Thậm chí, có hành khách, nhà tàu còn phải cắt cử người áp tải và mời ra khỏi tàu để tránh ảnh hưởng đến sự an toàn...

img

Cách đây đúng ba hôm, Trưởng tàu SE6 Đỗ Văn Hợi đã buộc phải yêu cầu hai hành khách xuống tàu để đảm bảo an toàn hành trình. Anh Hợi kể, khi tàu về đến ga Yên Trung (Hà Tĩnh), có hai hành khách lên tàu. Hai vị khách này đã uống rượu, bia say từ dưới ga, sau đó có biểu hiện gây rối trên toa tàu ghế ngồi số 2. 

Thấy vậy, nhân viên nhà tàu can thiệp, yêu cầu hai hành khách ổn định trật tự để đoàn tàu bắt đầu hành trình tránh ảnh hưởng đến những hành khách khác. Tuy nhiên ngay sau đó, hai vị khách này đã de dọa và đánh nhân viên nhà tàu phụ trách toa số 2. Tình huống có diễn biến phức tạp nên khi tàu chạy được khoảng 20 km, đến ga Vinh, Trưởng tàu quyết định từ chối cho hai hành khách này tiếp tục hành trình, bàn giao hai vị khách cho lực lượng bảo vệ ga Vinh xử lý. 

Theo quy định, hành khách có hành vi đe dọa nhân viên nhà tàu, đe dọa an toàn hành trình, có biểu hiện tâm thần không kiểm soát được hành vi mà không có người đi kèm... nhà tàu đều có quyền từ chối chuyên chở để tránh ảnh hưởng đến an toàn tính mạng của các hành khách khác và an toàn chạy tàu.

Thực tế nhân viên nhà tàu bị hành khách xúc phạm, đe dọa, thậm chí bị hành hung không còn hiếm. Nhiều hành khách cứ cho mình cái quyền “thượng đế”, khi đã mua vé và lên tàu là vô tư xả rác ra sàn tàu dù đã được nhân viên nhắc nhở. Nhiều trưởng tàu tâm sự với tôi, có những hành khách vô ý thức đến độ đi vệ sinh xong không chịu dội nước, nhét luôn cả cái băng vệ sinh vào bồn cầu... Khi nhân viên nhà tàu bắt quả tang nhắc nhở thì cự cãi, kêu là việc dọn vệ sinh là của nhà tàu, còn xả rác là quyền của chúng tôi. 

“Gặp những hành khách như thế, nhân viên cũng chỉ biết ấm ức nhẫn nhịn”, anh Hùng trưởng tàu SE2 tâm sự.

Nhà tàu đang thực hiện “4 xin - 4 luôn” nâng cao chất lượng phục vụ. Tất cả các chuyến tàu đều được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, nhân viên nhã nhặn lịch sự. Thế nhưng từ phía hành khách cũng cần có những thay đổi tích cực hơn trong việc tự ý thức giữ gìn vệ sinh, thái độ chuẩn mực khi đi tàu, không nên uống rượu, bia say đến mức mất kiểm soát hành vi, hành hung cả nhân viên nhà tàu như trường hợp kể trên. Chính thái độ đúng mực của hành khách cũng sẽ là động lực để giúp đường sắt thay đổi.

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.