Bạn cần biết

Khí hậu cực đoan, đề phòng bệnh “thời tiết”

08/06/2017, 07:46

Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan được cảnh báo sẽ diễn ra trong mùa hè 2017.

18

Chuyên gia cảnh báo số ngày nắng nóng trong năm nay tăng cao hơn so với hè 2016 (Trong ảnh: Người dân tự chế cách làm mát để hạ nhiệt cho trẻ trong những ngày nóng nực)

Số ngày nắng nóng tăng cao

Nhận định về thời tiết hè năm nay, các chuyên gia khí tượng đều chung quan điểm: Hiếm gặp! Cụ thể, đầu mùa hè, một đợt không khí lạnh gây mưa khắp các tỉnh Bắc bộ vào giữa tháng 5. Tuy nhiên, ngay đầu tháng 6, các tỉnh Bắc và Trung bộ đã phải trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục trong 45 năm qua. Nhiệt độ cao nhất đo được là 42,5 độ C tại Hà Đông (Hà Nội) ngày 4/6. Đáng nói, đây là nhiệt độ trong lều khí tượng, thực tế ở bên ngoài nhiệt độ có thể lên tới gần 60 độ C vì còn chịu ảnh hưởng sự tỏa nhiệt từ nhà kính, giao thông... Nhìn lại đợt nắng nóng vừa qua, ông Nguyễn Đăng Mậu, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khí tượng - khí hậu, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết: “Nói là mức kỷ lục trong 45 năm, nhưng chính xác phải là chưa từng thấy trong lịch sử. Từ trước tới nay, ngành khí tượng chưa bao giờ đo được mức nhiệt này tại Thủ đô Hà Nội”.

"Trong mùa nắng nóng, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Các gia đình cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày: Tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường”.

Cục Y tế dự phòng
(Bộ Y tế) khuyến cáo

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, điều bất thường của đợt nắng nóng vừa qua là  không có giai đoạn khởi động mà ngay lập tức tăng rất nhanh và dữ dội. “Thời tiết này trái ngược hoàn toàn so với mọi năm khi chỉ có vài đợt nắng nóng sau mới xảy ra nắng nóng đỉnh điểm”, ông Hải nhấn mạnh.

Nắng nóng gay gắt từ ngày 1-5/6, song sang tới ngày 6/6, nhiệt độ lại nhanh chóng thay đổi kèm theo mưa giông khi một bộ phận không khí lạnh phía Bắc đổ về. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự báo, hiện tượng nắng nóng gay gắt sẽ sớm quay lại và tái diễn từ 2-3 đợt trong tháng 6 này. Mới đây, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng đã gửi đi thông báo: Từ tháng 6-8/2017 là thời kỳ hoạt động mạnh mẽ của gió mùa mùa hè và nắng nóng trên cả nước, do vậy cần đề phòng các hiện tượng cực đoan. “Nhiệt độ có khả năng cao hơn so với cùng thời kỳ năm 2016 ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ. Cùng với xu thế đó, số ngày nắng nóng sẽ cao hơn từ 1-5 ngày/tháng so với trung bình cùng thời kỳ năm 2016. Người dân khu vực Bắc bộ, Trung bộ vẫn cần chuẩn bị các giải pháp phòng, chống ảnh hưởng nắng nóng đến sản xuất và sức khỏe”, ông Mậu khuyến cáo.

Trẻ dễ bị lả nhiệt, người già đề phòng đột quỵ

Nắng nóng gay gắt cũng báo hiệu những ngày sắp tới nguy cơ bùng phát các bệnh lý đe dọa người dân, đặc biệt là các em nhỏ. Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Trần Thu Thủy, BV Nhi T.Ư cho biết, nguy cơ mắc bệnh do nắng nóng tăng cao ở các nhóm trẻ dưới 4 tuổi do tỉ lệ diện tích bề mặt cơ thể trên cân nặng cao hơn so với người lớn khiến lượng nhiệt hấp thu từ môi trường và lượng nhiệt sản sinh khi vận động đều cao hơn. Do đó, trẻ dễ bị mất nước, lả nhiệt. Nhóm thứ 2 là những trẻ bị bệnh cấp tính, đặc biệt là sốt và bệnh đường tiêu hóa; Trẻ vận động quá nhiều, nhất là nếu chưa quen với nắng nóng, lại quá mập hoặc không thật khỏe mạnh; Trẻ đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng điều hòa nhiệt của cơ thể, ví dụ thuốc kháng histamin chống dị ứng, thuốc lợi tiểu hay thuốc điều trị bệnh tâm thần; Trẻ từng có tiền sử bị bệnh liên quan tới nắng nóng.

Theo BS. Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai, khi thời tiết nắng nóng, người dân cũng nên chú ý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, uống đủ nước và tăng cường dinh dưỡng, tăng cường ăn hoa quả để bảo đảm đủ vitamin nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Với những người có nguy cơ cao bị tai biến mạch máu não như: Người cao tuổi, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu (mỡ máu cao), xơ vữa động mạch, người hút thuốc lá... nên áp dụng sớm những biện pháp phòng ngừa. Ngoài thay đổi lối sống như: Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, năng tập thể dục, cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu, đường huyết, đặc biệt là ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.

“Trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao, gây nên cảm giác mệt mỏi cũng như việc mất nước qua hơi thở, mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông cầm máu và gây đột quỵ. Chính vì thế, trường hợp người cao tuổi đột nhiên cảm thấy đau đầu, váng đầu, tê nửa người, ngáp vặt liên tục... có thể là triệu chứng báo trước khả năng phát sinh tai biến mạch máu não, cần đi khám tại các cơ sở y tế”, BS. Dũng lưu ý và khuyến cáo, với trẻ nhỏ, các bà mẹ cần chú ý cho con vào chỗ mát, thực hiện ăn chín, uống sôi. Đặc biệt, khi trẻ em được nghỉ hè, phụ huynh cần chú ý không cho trẻ chạy nhảy ngoài đường và ăn uống phải hợp vệ sinh, không cho trẻ chơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời từ 9h - 16h. Nếu đi nghỉ mát, các bậc phụ huynh không nên cho trẻ tắm từ 10h - 16h vì đó là khoảng thời gian tia cực tím rất mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.