Chuyện dọc đường

Khi lòng tham chiến thắng sợ hãi!

08/12/2015, 07:11

Chưa đầy 10 năm hoạt động, Thiên Ngọc Minh Uy phát triển được một mạng lưới hơn 500 cơ sở ở các tỉnh thành.

lua dao
“Không những được chăm sóc sức khỏe lại có thêm tiền”, đó chính là lời mời chào của Thiên Ngọc Minh Uy

Sau chưa đầy 10 năm hoạt động, Công ty Kinh doanh đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy đã phát triển được một mạng lưới hơn 500 cơ sở chăm sóc sức khỏe ở 29 tỉnh, thành phố. Đây quả là một con số mà bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh, dịch vụ nào cũng thèm muốn.

“Không những được chăm sóc sức khỏe lại có thêm tiền”, đó chính là lời mời chào của Thiên Ngọc Minh Uy nhằm thu hút người dân tham gia vào mạng lưới của công ty này. Đây quả là một chiêu bài lợi hại, bởi vừa nhằm vào mối quan tâm hàng đầu là sức khỏe, lại vừa đánh trúng tâm lý hám lợi của không ít người, từ nông thôn tới thành thị.

Không riêng Thiên Ngọc Minh Uy, hàng loạt các công ty kinh doanh đa cấp có tốc độ phát triển chóng mặt, thu hút hàng trăm, hàng nghìn người tham gia trong thời gian ngắn vừa qua đều do đánh được vào tâm lý hám lợi này. Điển hình như Câu lạc bộ Sức khỏe Việt, núp bóng Hội Chữ thập đỏ Hà Nội - làm từ thiện - để kinh doanh đa cấp (Báo Giao thông điều tra, phản ánh mới đây) cũng hứa hẹn người tham gia mức lợi nhuận trên trời. Theo đó, người chơi - hội viên CLB này, chỉ cần bỏ mức vốn từ 1 - 1,65 triệu đồng, sau khoảng một năm sẽ thu về số tiền tương đương 55 - 63 triệu đồng. Như vậy, mức lợi nhuận tính ra lên tới 3.800%, gấp 500 lần mức lãi suất gửi tiết kiệm trung bình tại hệ thống ngân hàng hiện nay.

Mờ mắt trước những khoản lợi nhuận hứa hẹn, nhiều người gom góp tiền nộp vào hệ thống, rồi lại ra sức chèo kéo người thân, bạn bè tham gia, bất kể hậu quả. Lòng tham khiến họ không buồn suy xét, hoặc cố tình không suy xét rằng, nếu quả thực có “siêu” sản phẩm, dịch vụ mang lại mức siêu lợi nhuận như vậy, thì liệu người sáng tạo ra sản phẩm, dịch vụ đó có sẵn sàng chia sẻ với tất cả mọi người cơ hội này không? Hay lợi nhuận này, bản chất là của người tham gia sau “nuôi” người tham gia trước, theo cấp số nhân. Ngoài ra, khoản siêu lợi nhuận này còn có được nhờ bán sản phẩm, dịch vụ với giá một vốn... 40 lời.

Người tham gia mạng lưới kinh doanh đa cấp kiểu này bị lòng tham dẫn dắt; Doanh nghiệp thu “siêu” lợi nhuận bất chính từ hội viên... Đây chính là lý do khiến rất nhiều công ty kinh doanh đa cấp kiểu này tiếp tục nảy nở, sinh sôi; Nhiều người dân nhịn ăn, nhịn mặc, vay mượn, thậm chí bán nhà, bán tài sản, gom tiền đi theo “tiếng gọi” đa cấp. Bất kể đã có nhiều cảnh báo được đưa ra và vô số trường hợp doanh nghiệp bị phanh phui dấu hiệu vi phạm, thậm chí lừa đảo.

Đơn cử như Thiên Ngọc Minh Uy, chỉ trong thời gian ngắn vừa qua đã liên tiếp có sai phạm bị phát hiện, xử phạt tại nhiều địa phương. Cuối tháng 10, 7 cơ sở bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đều có sai phạm, trong đó 4 cơ sở bị xử phạt 18 triệu đồng. Đầu tháng 11, 6 cơ sở bán hàng đa cấp của Thiên Ngọc Minh Uy hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng bị xử phạt mỗi cơ sở 140 triệu đồng và đình chỉ hoạt động trong vòng 12 tháng, riêng công ty này bị xử phạt 180 triệu đồng. Như vậy, chỉ trong một thời gian rất ngắn, tổng mức xử phạt hành chính các cơ sở thuộc Thiên Ngọc Minh Uy đã lên tới trên 1 tỷ đồng, song hệ thống chân rết của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chứng tỏ lực hấp dẫn của lợi nhuận phải rất ghê gớm mà khó có loại hình sản phẩm, dịch vụ chân chính nào đáp ứng nổi.

Lý thuyết về kinh tế đã chỉ ra rằng, lợi nhuận cao luôn tỷ lệ thuận với rủi ro cao. Bởi vậy, khi đứng trước mỗi lời hứa hẹn về lợi nhuận, người đầu tư, kinh doanh nếu không có sự giằng xé giữa lòng tham và nỗi sợ hãi, sẽ dễ trở thành nạn nhân, để rồi khi bị cuốn vào vòng xoáy đa cấp lại tìm mọi cách dụ dỗ những nạn nhân mới. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.