Chuyện dọc đường

Khi lòng tốt đặt không đúng chỗ

31/03/2021, 16:31

Lực lượng chức năng không thể vì cái nghèo, cái khổ mà châm chước, bởi lòng tốt không đặt đúng chỗ, có khi sẽ gây nên thảm họa cho người khác...

img

Hiện trường vụ TNGT xe keo ở Lang Chánh, Thanh Hóa làm 7 người tử vong

Từ lâu nay, thực trạng buông lỏng quản lý đối với các phương tiện vận chuyển keo tràm nói riêng và nông - lâm sản nói chung đã diễn ra khá phức tạp tại không ít địa phương.

Và vụ tai nạn xe chở keo đâm vào taluy dương khiến 7 người chết ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng này.

Khi tìm về gia đình các nạn nhân, chúng tôi nhận thấy có một điểm chung là tất cả họ đều rất nghèo. Không có việc làm ổn định, nhà có đất thì trồng keo, nhưng sau 4- 5 năm chăm sóc cũng chỉ thu về được chưa đầy 30 triệu đồng.

Với những người không có đất thì đi cắt cây, bóc vỏ keo thuê để kiếm sống. Nhưng làm quần quật từ sáng đến tối cũng chỉ cho thu nhập 2- 300.000 đồng.

Và để tiết kiệm tối đa các chi phí, nhiều người nông dân chỉ thuê những xe tải nhỏ, rồi cố gắng bốc xếp sao cho thật đầy, càng nhiều càng tốt.

Chẳng hạn như với vụ tai nạn ở huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, dù tải trọng chỉ gần 18 tấn nhưng thực tế chiếc xe đã chở tới 30 tấn keo. Thậm chí, trên cabin xe còn chở tới 7, và cuối cùng 7 người này cùng tử vong.

Trong khi đó, trước cái nghèo, cái khổ của người nông dân, lực lượng chức năng cũng rất ái ngại, khi thì làm ngơ, lúc lại… tìm mức phạt nhẹ để răn đe, tuyên truyền là chính!

Một cán bộ CSGT xin giấu tên, thừa nhận: “Đúng ra khi kiểm tra phải cân xe, đo kích thước thành thùng và khi xử lý phải lập hết lỗi. Nhưng nếu làm như vậy thì người dân lấy gì nộp phạt. Bởi tiền phạt 1 lần có khi bằng giá trị cả 1 xe keo. Mà để có 1 xe thì người dân phải trồng mất 4 - 5 năm, thuê người lên rừng thu hoạch, bóc vỏ rồi vận chuyển về bãi tập kết... Chỉ cần CSGT làm gắt, xe không chạy, lập tức dân sẽ không bán được gỗ” (?!)

Phải chăng vì thế mà tình trạng các xe chở keo tràm vi phạm trật tự ATGT cứ mãi diễn ra nhức nhối?

Tuy nhiên, như chia sẻ của một vị lãnh đạo Công an huyện ở Hà Tĩnh, việc xử lý của cảnh sát trên đường cũng chỉ là một phần của vấn đề. Điều quan trọng là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền nơi có rừng keo tràm.

Nếu việc tuyên truyền, vận động thực chất, chắc chắn nhận thức của người dân sẽ thay đổi. Thậm chí, các doanh nghiệp cũng phải đồng hành, kiên quyết từ chối mua hàng từ các xe chở vượt quá kích thước thành thùng…

Chúng ta chia sẻ với những hoàn cảnh người dân còn khó khăn. Tuy nhiên, cũng không thể xử lý theo cách mà vị cán bộ CSGT chia sẻ ở trên. Nói cách khác, không thể biện minh cho việc lờm ngơ cho vi phạm, chỉ vì “thương người nghèo”. Mà hãy thương người nghèo đúng cách.

Lực lượng chức năng không thể vì cái nghèo, cái khổ mà châm chước, bởi lòng tốt không đặt đúng chỗ, có khi sẽ gây họa cho người khác.

Bởi ai dám chắc rằng, chính vì sự nương tay, làm ngơ cho vi phạm đó sẽ dẫn tới hậu quả là một vụ tai nạn giao thông thảm khốc?

Với vụ tai nạn ở Thanh Hóa làm 7 người chết, chắc gì chiếc xe đã gặp nạn nếu như không chất đến 30 tấn keo tràm? Chắc gì số nạn nhân đã lớn đến thế, nếu như tài xế không cho đến 7 người ngồi trong cabin?...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.