Xã hội

Khi mỗi công dân là một nguồn tin báo chí

21/06/2018, 08:06

Trong bối cảnh mỗi công dân đều có thể trở thành một CTV báo và mỗi tài khoản MXH là một nguồn tin...

31

Vụ bạo hành trẻ em ở Đà Nẵng được phát hiện, điều tra, xử lý xuất phát từ một “công dân báo chí” 

Mỗi tài khoản MXH là một nguồn tin

Ngày 21/5, một clip bạo hành trẻ ở điểm trông giữ trẻ tư thục tại Đà Nẵng được lan truyền trên mạng xã hội khiến người xem bất bình và phẫn nộ. Thông qua đoạn clip đã cung cấp những bằng chứng để chính quyền, các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí vào cuộc, điều tra làm rõ vụ việc.

Có thể nói, đây là một trong vô vàn ví dụ điển hình về vai trò của khái niệm “công dân làm báo” trong môi trường công nghệ phát triển như vũ bão.

Các “nhà báo công dân” góp phần giúp chính các toà soạn báo tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời, chân thực và vô cùng đa dạng trên mọi lĩnh vực của đời sống. Từ các vấn đề đường sá, giao thông, đến môi trường, giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội…

Không phải đợi đến thời đại công nghiệp 4.0, các công dân mới biết cung cấp thông tin, đề tài để báo chí vào cuộc. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, đặc biệt là mạng xã hội đã mang đến cơ hội để mỗi công dân, chỉ cần một chiếc smartphone, dễ dàng “xuất bản” thông tin của mình thu lượm được, thậm chí còn có thể “truyền hình trực tiếp” qua hình thức livestream. Ở góc độ nào đó, mỗi công dân đều có thể là một CTV báo chí, mỗi tài khoản mạng xã hội của họ đều có thể trở thành một nguồn tin.

Có thể nói, các “công dân làm báo” góp phần giúp các toà soạn báo tiếp cận thông tin nhanh chóng, kịp thời, chân thực, và vô cùng đa dạng trên mọi lĩnh vực của đời sống. Từ các vấn đề đường sá, giao thông, đến môi trường, giáo dục, y tế, kinh tế, xã hội…

Không chỉ phản ánh những hiện tượng tiêu cực, các “công dân làm báo” cũng góp phần lan toả những hành động đẹp đẽ trong đời sống thường ngày, như những chuyến xe nghĩa tình miễn vé trọn đời cho người đi khám bệnh; sinh viên tổ chức nhặt ni lông, vỏ chai nhựa để bảo vệ môi trường; người phụ xe nhặt của rơi trả lại cho khách đi xe; một chàng trai dũng cảm lao mình xuống sông cứu cô gái không quen nhảy cầu tự vẫn…

Kiểm chứng thông tin, nhận diện “tử huyệt” của “công dân làm báo”

Kênh VOV giao thông quốc gia đã đi vào hoạt động 9 năm, là một trong những cơ quan báo chí đang phát huy rất tích cực “công dân làm báo” với vai trò nguồn tin để sản xuất nội dung chương trình.

Nhà báo Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Nội dung số, Kênh VOV giao thông quốc gia chia sẻ: Hàng ngày, kênh có một bộ phận tiếp nhận điện thoại từ các thính giả, cộng tác viên gọi về cho chương trình, phản ánh các vấn đề liên quan đến mọi mặt kinh tế, xã hội. Nhưng chủ yếu, thông tin tiếp nhận là sự cố giao thông, các hệ thống đèn, biển báo… và đặc biệt là giao thông đường bộ.

Cũng theo ông Thịnh, sau khi tiếp nhận thông tin từ thính giả điều quan trọng nhất là phải thẩm định thông tin. Điều này được tiến hành bằng nhiều nguồn. “Ví dụ như đưa tin về một vụ cháy, chúng tôi sẽ liên hệ với cơ quan chức năng như Phòng Cảnh sát PCCC. Qua đó biết được thông tin thính giả gửi về có đúng hay không. Ngoài ra, chúng tôi sẽ điều phóng viên tiếp cận hiện trường, xác minh và đưa tin sâu về vụ việc đó”, ông Thịnh cho hay.

Khi tiếp nhận các thông tin về giao thông phóng viên sẽ liên hệ với các đội CSGT trên địa bàn để xác minh. “Trước đây cũng có lần chúng tôi đưa tin, nhưng nhiều người lại phản hồi không chính xác. Qua những việc như vậy, chúng tôi thấy cần phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm sao thông tin đó đạt độ chính xác cao nhất”, ông Thịnh cho hay.

Công dân làm báo, anh là ai?

Theo quan điểm của ông Thịnh, độc giả bình thường sẽ khác với độc giả là cộng tác viên. Những cộng tác viên này sẽ được gọi là công dân làm báo. “Công dân làm báo ở đây bao hàm phạm trù rất rộng.Theo tôi, công dân đơn thuần là họ muốn chia sẻ những thông tin cho tất cả mọi người biết. Đó chỉ là những cảm xúc và sự chứng kiến của cá nhân và họ muốn bày tỏ, gửi gắm tâm tư lên mạng xã hội. Tôi không nghĩ đó là mục đích để họ làm báo, đó chỉ là nguồn tin chứ chưa phải là hình thức báo chí”.

Ông Thịnh cũng cho rằng, công dân làm báo là phải hợp tác với cơ quan báo chí. Hợp tác ở đây có thể chia sẻ thông tin cho cơ quan báo chí và nhờ báo chí, nhờ những người có trách nhiệm và có nghiệp vụ tìm hiểu và làm rõ cái mà họ đưa lên.

Đó là hướng xử lý thông tin của người làm báo chân chính, trách nhiệm. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.