Hồ sơ tài liệu

Khi Mỹ không còn coi Hồng Kông là lãnh thổ tự trị, điều gì sẽ xảy ra?

28/05/2020, 18:03

Sau tuyên bố không coi Hồng Kông là lãnh thổ tự trị của Ngoại trưởng Mỹ, đặc khu này sẽ đối mặt với những gì?

img
Cảnh sát Hồng Kông trấn áp người biểu tình

Nhà Trắng có thể chấm dứt chính sách thương mại và kinh tế với Hồng Kông

“Chảo lửa” Hồng Kông đã được đổ thêm dầu sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo với Quốc hội Mỹ, khẳng định việc không còn coi Hồng Kông là khu tự trị hành chính của Trung Quốc.

Tiếp sau tuyên bố này, nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phải ra quyết định hành động và có thể đe doạ tình trạng thương mại đặc biệt của thành phố này, theo nhận định của nhiều chuyên gia.

Ông David Stilwell, trợ lý thư ký Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các cơ quan liên quan của Mỹ đang đánh giá rất nhiều lựa chọn bao gồm những lệnh trừng phạt được ghi trong Luật Chính sách Mỹ - Hồng Kông năm 1992 và Luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019 nhưng không nêu cụ thể Bộ Ngoại giao sẽ mất bao lâu để đưa ra quyết định.

Theo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông đã được Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 11, mỗi năm, Quốc hội Hoa Kỳ sẽ đánh giá và quyết định liệu Hồng Kông có tách biệt so với Trung Quốc hay không và đây là điều kiện tiên quyết để tình trạng đặc biệt của Hồng Kông được tiếp tục hay gỡ bỏ.

Nếu Mỹ huỷ bỏ tình trạng thương mại đặc biệt của Hồng Kông, điều này đồng nghĩa với việc Washington sẽ chấm dứt những chính sách đối đãi về thương mại và kinh tế có lợi mà Hồng Kông đang hưởng lâu nay, vốn góp phần xây dựng nơi này trở thành trung tâm hành chính và thương mại trong khu vực.

Do đó, một số nhà phân tích và thành viên cộng đồng doanh nghiệp Hồng Kông lo ngại, việc thay đổi tình trạng từ phía Mỹ sẽ ảnh hưởng mạnh tới người dân Hồng Kông hơn là với Bắc Kinh.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ bị ảnh hưởng

Tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP) dẫn lời ông Terry Haines, nhà phân tích chính trị độc lập, cựu nhân viên Quốc hội Mỹ đánh giá, hành động của Ngoại trưởng Pompeo là bước ngoặt lớn đối với Hồng Kông và là “dấu hiệu mạnh mẽ thể hiện sự bất mãn của chính phủ Mỹ”.

Song, theo ông Terry, vì đây mới chỉ là bước đầu nên chưa lập tức dẫn tới các lệnh trừng phạt của Mỹ hoặc những hành động khác với Hồng Kông, như vậy vẫn còn cơ hội để hạ nhiệt căng thẳng tại chảo lửa này.

“Dự kiến, tiếp sau đây, Quốc hội Mỹ sẽ hậu thuẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực hơn nữa đối với vấn đề tự trị của Hồng Kông nhưng sẽ chưa ép buộc chính quyền Trump phải có hành động hoặc trừng phạt ngay” – nhà phân tích Haines cho biết.

Nhưng, nếu Mỹ quyết định thay đổi tình trạng Hồng Kông, chắc chắn cả Washington và Bắc Kinh đều bị ảnh hưởng, theo ông Stilwell. “Cộng đồng doanh nghiệp cũng như những các đối tượng khác đều dự cảm được điều không hay sẽ xảy ra” – ông Stilwell nói và nhấn mạnh, Trung Quốc cần phải chấp dứt những động thái khẳng định quyền lực ngày càng quyết liệt với Hồng Kông.

Theo nhà ngoại giao, Mỹ sẽ hành động để Bắc Kinh biết họ đang làm trái với những nguyên tắc đã chấp thuận từ năm 1997.

Trước đó, ngày 27/5, ngay trước khi Quốc hội Trung Quốc dự kiến bỏ phiếu về luật an ninh mới, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đăng tải trên Twitter, công khai: “Hôm nay, tôi đã thông báo với Quốc hội rằng Hồng Kông không còn hưởng quyền tự trị từ Trung Quốc nữa, sự thật đã phơi bày. Mỹ đứng về người dân Hồng Kông”.

Không riêng Mỹ, dự luật an ninh mới vấp phải sự phản đối từ một bộ phận người dân Hồng Kông, chính phủ Mỹ cùng hơn 100 chính trị gia từ 23 quốc gia trên thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.