Y tế

Khi nào ca mắc, tử vong do Covid-19 ngừng tăng?

03/12/2021, 07:04

Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là hơn 13.000 ca/ngày và 162 ca tử vong/ngày.

Trong khi đó, sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến mối lo ngại về một đợt bùng phát dịch mới ngày càng tăng lên.

Báo Giao thông trao đổi với PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM về những giải pháp ứng phó trong thời gian tới.

img

Thực hiện 5K và đẩy mạnh tiêm chủng cho người cao tuổi vẫn là giải pháp cốt lõi phòng chống dịch trong thời gian tới

Hai tuần trở lại đây, ca mắc và tử vong đều tăng, thậm chí ngày 1/12 cả nước ghi nhận hơn 14.500 ca mắc mới. Theo ông thì nguyên nhân do đâu khi mà tỷ lệ tiêm phủ vaccine thời gian qua là khá cao?

Hiện dịch Covid-19 có quy mô toàn quốc. Trong 2 tháng đầu sau tiêm, hiệu lực vaccine bảo vệ tốt nhất, sự cảnh giác người dân cao. Các hoạt động phục hồi kinh tế, giao thương, đi lại vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, từ tháng 10 đến nay, người dân ở vùng dịch TP.HCM ồ ạt trở về quê, trong khi các địa phương không phải nơi nào cũng có sự chuẩn bị tốt về phòng dịch cũng như chủ động được trong việc tiêm vaccine.

Cùng với đó, khi các hoạt động kinh tế, đi lại dần được nới lỏng, cũng là lúc người dân mất cảnh giác.

Chưa kể, hiệu lực bảo vệ của vaccine cũng không còn tối ưu, vì hệ miễn dịch chỉ được bảo vệ tốt nhất là trong thời gian 2 tháng đầu sau tiêm.

Trong khi đó, biến chủng Delta lây lan rất nhanh, rất khó kiềm chế và đã lan ra nhiều địa phương trong cả nước.

Với diễn biến như hiện nay, ông có nhận định gì về tình hình dịch trong thời gian tới?

Theo tôi, thời gian tới số ca mắc có thể tăng nhẹ thêm một chút nhưng không thể tăng nhiều.

Lý do là các địa phương đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cần thời gian để vaccine phát huy tác dụng.

Mặc dù, số ca mắc mới tăng cao nhưng việc kiểm soát dịch thuận lợi hơn, bởi dịch dịch diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố, ở vùng nông thôn nên sẽ bùng phát chậm hơn, không như dồn dập như giai đoạn trước ở TP.HCM.

Trong thời gian tới, nếu chúng ta đạt được độ bao phủ vaccine cao thì số ca nhiễm mới, trở nặng sẽ giảm.

Hiện đã xuất hiện biến chủng mới với tên gọi Omicron, dấy lên mối lo về một đợt dịch mới trên phạm vi rộng. Ông nhận định ra sao về nguy cơ này?

Các nghiên cứu hiện nay về chủng Omicron vẫn chưa rõ ràng.

Cần hiểu những đại dịch cũ chấm dứt là do có xuất hiện chủng mới làm bệnh nhẹ hơn; ví dụ như đại dịch cúm Tây Ban Nha biến mất là do có sự xuất hiện biến chủng làm người dân mắc bệnh nhiều hơn nhưng nhẹ hơn.

Vì nó lây lan nhanh hơn nên nó thay thế cho dịch cũ, và vì nó nhẹ hơn nên tạo ra được miễn dịch.

Do vậy, biến chủng Omicron mới này có thể có khả năng đó. Vì như nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi, chủng virus này dù lây lan hơn so với chủng cũ nhưng triệu chứng nhẹ, không có biểu hiện khó thở…

Tuy nhiên chúng ta vẫn không thể chủ quan.

Việc tiêm vaccine Covid-19 như hiện nay cần khẩn trương bao phủ càng rộng càng tốt để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng.

Vì không chỉ với chủng mới Omicron mà hiện nay, Việt Nam vẫn đang đối phó, ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Delta. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong với người nhiễm Covid-19.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; trên cơ sở khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới.

Vậy giải pháp nào để kiểm soát dịch Covid-19 trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?

Thời gian tới, trong tổng thể chiến lược phòng chống dịch cần lưu ý tới 2 giải pháp cốt lõi.

Thứ nhất hướng dẫn người dân thực hiện tốt 5K; Thứ hai là đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, chú trọng tiêm cho người cao tuổi để giảm số bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong. Khi đó sẽ giúp giảm tải cho hệ thống y tế, giúp ngành y tế đối phó với dịch tốt hơn.

Trong thực hiện 5K cần lưu ý tới khai báo y tế, cần phải làm thế nào để người dân thực hiện tốt việc này. Cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người là F0, F1, bởi nếu có các biện pháp cực đoan (dồn cách ly tập trung, không được chăm sóc y tế chu đáo) rất dễ xảy ra việc khai báo không trung thực.

Điều này sẽ rất nguy hiểm vì khi đó không biết đường nào mà lần.

Với những địa phương có số bệnh nhân mắc tăng quá cao thì cần thực hiện cách ly, điều trị F0, F1 tại nhà.

Vì khi đó việc cách ly tập trung sẽ không hiệu quả, không đủ nhân lực để đảm đương, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm càng lớn.

Nhìn từ bài học chống dịch tại Singapore, nơi có văn hoá tương đồng với Việt Nam, người dân ở đó sống chật chội hơn, chủ yếu là chung cư nhưng họ cũng cho cách ly tại nhà.

Thực tế cho thấy việc cách ly này mang lại hiệu quả với tỷ lệ lây nhiễm rất thấp.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.