Quản lý

Ảnh hưởng Covid-19, khi nào xe khách, xe đầu kéo phải đăng kiểm camera?

18/10/2021, 15:12

Cục Đăng kiểm VN yêu cầu các đơn vị đăng kiểm hướng dẫn chủ xe khách trên 9 chỗ, xe đầu kéo hoàn thành lắp camera trong năm 2021.

Tài xế thắc mắc không rõ khi nào đăng kiểm hạng mục camera

Gần đây, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách, hàng hóa bằng xe ô tô gọi điện về đường dây nóng Báo Giao thông hỏi về việc thời gian này các đơn vị đăng kiểm có kiểm tra hạng mục camera đối với xe chở khách trên 9 chỗ, xe chở container, xe đầu kéo.

img

Nếu không có hướng dẫn mới, từ 1/1/2022, các đơn vị đăng kiểm sẽ kiểm định hạng mục camera trên xe khách, xe đầu kéo

"Theo quy định, các phương tiện trên phải lắp camera trước ngày 1/7/2021, nhưng lực lượng chức năng hoãn xử phạt đến hết năm nay. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các phương tiện của chúng tôi phải tạm dừng hoạt động nên chưa lắp camera. Sắp tới một số xe khách đến kỳ đăng kiểm, nếu chưa lắp camera có được tiếp nhận đăng kiểm, cấp chứng nhận kiểm định không?”, ông Đỗ Hữu Tám, đại diện một đơn vị kinh doanh vận tải khách tại Hà Nội hỏi.

Cùng chung thắc mắc, một số chủ phương tiện xe đầu kéo, xe container cho biết, khi nào đơn vị đăng kiểm sẽ kiểm tra camera trên phương tiện, cũng như có được tiếp tục lùi thời hạn kiểm tra, xử phạt không.

Ngày 18/10, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo một số trung tâm đăng kiểm tại phía Bắc cho biết, hiện chưa thực hiện kiểm tra hạng mục camera đối với xe khách trên 9 chỗ, xe chở container và xe đầu kéo.

“Theo Nghị định số 10/2020 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định, loại phương tiện trên phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông trước 1/7/2021.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm VN, việc quản lý thiết bị trên thực hiện theo Nghị quyết số 66 ngày 1/7/2021 của Chính phủ, trong đó cho phép lùi thời hạn xử phạt đến hết năm 2021. Vì vậy, đến nay các đơn vị chưa kiểm tra hạng mục camera. Hiện đơn vị đăng kiểm chủ yếu tuyên truyền, vận động để các phương tiện hoàn thành lắp camera trước 1/1/2022”, giám đốc một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội thông tin.

Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, theo lộ trình quy định, các phương tiện phải hoàn thành lắp camera trước 1/7/2021, song do đang trong thời gian thực hiện Nghị quyết 66 của Chính phủ nên tạm thời chưa yêu cầu kiểm định hạng mục camera. Sau thời điểm 31/12/2021, đối tượng lắp camera phải lắp thiết bị này mới được cấp chứng nhận kiểm định.

Tỷ lệ phương tiện đã lắp camera vẫn thấp

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, Cục Đăng kiểm VN vừa có văn bản yêu cầu các trung tâm đăng kiểm tổ chức thông báo, tuyên truyền cho chủ phương tiện, lái xe về việc thực hiện quy định lắp camera trên xe khách, xe đầu kéo, xe chở container theo quy định tại Nghị định số 10/2020 và văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về việc thực hiện Nghị quyết số 66 của Chính phủ.

Được biết, ngày 8/10/2021, Bộ GTVT có văn bản trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội về việc tiếp tục lùi thời hạn xử phạt xe không lắp camera đến hết năm 2022. Trong đó, Bộ GTVT đề nghị các Hiệp hội tuyên truyền các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm theo lộ trình lắp camera trên phương tiện và Nghị quyết 66 của Chính phủ.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, có gần 200 nghìn phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera giám sát. Trong đó, xe khách có sức chứa từ 9 chỗ là hơn 116 nghìn xe; xe vận tải hàng hóa bằng container, đầu kéo hơn 83 nghìn xe.

Tuy nhiên, ông Huyện cho biết, theo báo cáo của các Sở GTVT, đến hết ngày 10/9 mới có gần 15.500 xe đã lắp camera, đạt tỷ lệ 7,5%.

"Một số địa phương có tỷ lệ phương tiện lắp đặt cao như: Nghệ An hơn 58%, Thanh Hóa hơn 52%, Quảng Ngãi hơn 40%. Còn lại hầu hết các tỉnh có tỷ lệ phương tiện lắp đạt dưới 20%", ông Huyện thông tin.

Nguyên nhân ông Huyện đưa ra là do các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhất là trong đợt bùng phát lần thứ 4.

"Vận tải hành khách bị gián đoạn, có thời gian bị dừng hoạt động kéo dài. Hoặc được phép hoạt động nhưng để phòng chống dịch chỉ được chở 50% sức chứa của phương tiện. Số lượng hành khách giảm sút khiến doanh thu, sản lượng giảm nghiêm trọng, trong khi chi phí tăng do phải trang bị phòng chống dịch", ông Huyện nói.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.