Xã hội

Khi nào Việt Nam thí điểm “hộ chiếu vaccine”?

26/03/2021, 14:00

Tổng cục Du lịch đã hoàn tất kế hoạch, quy trình thực hiện thí điểm “hộ chiếu vaccine” đối với khách quốc tế trong bối cảnh dịch Covid-19.

img

Nếu điều kiện cho phép, đầu tháng 7 sẽ thí điểm mở cửa đón khách quốc tế với “hộ chiếu vaccine”. Ảnh: Tạ Hải

Vấn đề chỉ cần đợi Bộ Y tế “gật đầu” sẽ nhanh chóng áp dụng…

Tháng 7 sẽ triển khai nếu…

Liên quan tới việc thực hiện thí điểm “hộ chiếu vaccine”, chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đơn vị này đang trình xin ý kiến bộ, ngành liên quan về kế hoạch mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

“Trong câu chuyện “hộ chiếu vaccine”, Bộ Y tế đóng vai trò quyết định, chỉ khi nào việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 được coi là an toàn mới báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định có mở cửa đón khách quốc tế hay không?”, ông Chung cho biết.

Tuy nhiên, để “đón đầu” chính sách, Tổng cục Du lịch đã hoàn tất quy trình, thủ tục, điều kiện thực hiện cấp “hộ chiếu vaccine” cho du khách nước ngoài. Theo đó, trong thời gian đầu thí điểm sẽ giới hạn về thị trường khai thác, phương tiện vận chuyển, sản phẩm du lịch và điểm đến của du khách.

“Theo kế hoạch, dự kiến Hàn Quốc, Nhật Bản và vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ lựa chọn thí điểm khai thác, bởi đây là những thị trường có hoạt động kiểm dịch tốt, bên cạnh đó cũng đã và đang có thỏa thuận song phương công nhận kết quả phòng dịch của Việt Nam, tạo điều kiện thông thương cho cả hai phía.

Cũng trong thời gian này, toàn bộ khách du lịch theo diện “hộ chiếu vaccine” sẽ phải bay chuyến bay riêng, tới những địa điểm đã được chuẩn bị cơ sở hạ tầng đảm bảo phòng dịch an toàn.

Một số doanh nghiệp (DN) lữ hành đủ năng lực đi kèm với sản phẩm riêng cũng được lựa chọn thí điểm như du lịch sân golf hay nghỉ dưỡng biển… để chuyên phục vụ khách nước ngoài”, ông Chung nói và cho biết: “Nếu thuận lợi, khoảng đầu tháng 7 sẽ thực hiện thí điểm trong vòng 1 - 2 tháng, sau đó mở diện rộng dần và cuối năm tùy thuộc tình hình, sẽ xem xét quyết định thực hiện ở mức cao hơn nữa”.

Từ phía DN lữ hành, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng giám đốc Hanoi Tourism cho rằng, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế là niềm mong mỏi cấp thiết, không thể trì hoãn quá lâu song cũng cần hết sức thận trọng: “Ngành du lịch đang rất khó khăn bởi du lịch nội địa mang lại doanh thu rất thấp chỉ đủ để giữ DN không bị “tắt” chứ thực sự không có giá trị về kinh tế.

Tuy nhiên, điều lo ngại nếu mở cửa không thể kiểm soát, liệu kịch bản của những lần bão dịch trước có lặp lại? Du lịch trong nước vừa nhen nhóm yên ổn chút, chẳng may có ca nhiễm nào bị lọt thì ngay lập tức lại quay về tình trạng ngủ đông khiến DN thêm vất vả và nản chí”.

Cụ thể, bà Ngần đặt vấn đề: “Chưa kể khả năng khách sử dụng “hộ chiếu vaccine” giả, ngay cả khi đã được tiêm vaccine, có thể có người vẫn tái phát do biến chủng. Dù tỷ lệ miễn dịch lên tới 90 - 95% thì số còn lại vẫn rủi ro. Chính vì thế, DN được lựa chọn đón khách quốc tế cũng sẽ gánh trên vai trách nhiệm nặng nề.

Đó không chỉ là bài toán cho việc chữa cháy khi có sự việc xảy ra mà còn là cả quá trình chuẩn bị với những nguyên tắc kiểm dịch cho cả hệ sinh thái dịch vụ mà họ cung cấp. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc đảm bảo quy trình chặt chẽ. Có như vậy mới vừa kiểm soát dịch lại không vấp phải sự phản ứng của người dân”.

3 bước đảm bảo cấp “hộ chiếu vaccine” an toàn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay việc triển khai “hộ chiếu vaccine” đang ở bước 1.

Hơn 1 năm dịch Covid-19 bùng phát, cả nước đã có khoảng 600 DN lữ hành quốc tế phá sản, xin thu hồi giấy phép; Tổn thất về quy mô gần 1/5, đó là chưa kể nhân lực lao động trong ngành đã qua đào tạo đã rời bỏ rất nhiều.

Trong khi đó, sau khi kết thúc dịch, chắc chắn sẽ có cuộc cạnh tranh lớn và khốc liệt về thị phần du lịch giữa các quốc gia. Do đó, Việt Nam phải có sự chuẩn bị sẵn sàng, khi có chủ trương công nhận “hộ chiếu vaccine” là vào cuộc ngay, không được để chậm chân mất cơ hội phục hồi.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Du lịch


Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao cho Viettel và Bộ Y tế phối hợp nghiên cứu hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu để xác nhận thông tin của những người đã được tiêm chủng.

“Việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng là cần thiết cho việc áp dụng “hộ chiếu vaccine” trong thời gian tới. Tiếp đó, sẽ tính việc thực hiện theo hình thức nào, loại vaccine gì, với nước nào... cuối cùng là bàn đến việc đảm bảo an toàn tránh lây nhiễm”, ông Phu cho hay.

Theo ông Phu, trước đây nhiều bệnh truyền nhiễm như dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng, nhiều nước cũng đã áp dụng chứng nhận tiêm vaccine để giao thương.

Tương tự với Covid-19, việc có “hộ chiếu vaccine” có thể sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, giao thông, phát triển kinh tế… tuy nhiên vẫn có nhiều rủi ro.

“Rủi ro thể hiện ở một số điểm sau: Thứ nhất. hiện nay trên thế giới có nhiều loại vaccine Covid-19 khác nhau, với đánh giá hiệu quả miễn dịch khác nhau, có loại 74%, có loại 90%... trong khi câu hỏi về thời gian tồn tại miễn dịch bao lâu hiện chưa có câu trả lời rõ ràng.

Bên cạnh đó, vaccine vừa tiêm cũng chưa có hiệu lực phòng bệnh ngay, thông thường sau 15 ngày thì cơ thể mới sản sinh ra kháng thể và sau tiêm tiếp mũi 2 mới có khả năng bảo vệ, đó là đối với vaccine phải tiêm 2 mũi.

Thứ hai, các vaccine Covid-19 đều được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp, hiện nhiều loại mới chỉ đánh giá được hiệu quả trong giảm được triệu chứng, giảm được tử vong nhưng chưa biết giảm được mức độ lây nhiễm như thế nào.

Hơn nữa, sự xuất liên tục các biến thể virus SARS-CoV-2 liên tục, trong đó đã có biến thể ở Nam Phi cũng đã cho thấy có tác động lên vaccine. Chưa kể “hộ chiếu vaccine” giả”, ông Phu chia sẻ.

Cũng theo vị chuyên gia, hiện Việt Nam được đánh giá “sạch” không có ca bệnh ngoài cộng đồng, số tiêm vaccine ít như vậy chưa có miễn dịch cộng đồng, nên nếu chỉ cần lọt một ca mà chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm rồi nhưng không có miễn dịch vẫn mắc cũng là nguy cơ gây lây nhiễm bùng dịch…

Mới đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có hình thức áp dụng phù hợp, như có thể kết hợp “hộ chiếu vaccine” với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để ra quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.