Showbiz

Khi nghệ sĩ Việt ồ ạt làm show trên YouTube

03/03/2022, 06:12

Không chỉ làm phim web, làm Vlog, ngày càng nhiều nghệ sĩ Việt tự sản xuất các chương trình phát trên kênh YouTube riêng của mình.

Không ít sản phẩm có chất lượng không thua kém các chương trình truyền hình.

Muôn màu sắc, thể loại

Trải qua 5 số thực hiện, “Lục cơm nguội” của Trấn Thành đang là series được nhiều khán giả yêu thích với mỗi tập đạt con số hàng triệu lượt xem trên YouTube.

Mỗi số, có một khách mời sẽ cùng nhân vật chính là Trấn Thành vào bếp thực hiện một món ăn đơn giản.

img

"Tự tình lúc 0 giờ" của Liêu Hà Trinh đầu tư kỹ lưỡng về nội dung, bối cảnh

Chương trình này có format khá giống chương trình ẩm thực “Muốn ăn phải lăn vào bếp” của Trường Giang đã thực hiện được 4 mùa. Không chỉ cung cấp các kiến thức về ẩm thực, tính giải trí còn được thể hiện qua những màn tương tác của các nghệ sĩ.

Tương tự, Liêu Hà Trinh có talkshow tạo dấu ấn “Tự tình lúc 0 giờ” đã thực hiện được 3 mùa, mang tới những câu chuyện về cuộc sống qua những bức thư, những cuộc trò chuyện cùng các nghệ sĩ khách mời. Cát Tường cũng có “Hẹn hò cùng Cát Tường”.

Siêu mẫu Xuân Lan thực hiện “Chuyện ngại nói với Xuân Lan” khai thác nhiều chuyện đời tư, cuộc sống của các nhân vật như: Quang Lê, Thân Thúy Hà, BB Trần… Lý Nhã Kỳ lại làm hẳn show riêng “Trà chiều cùng mợ chảnh”, như là nơi hàn huyên, kết nối giữa cô với những người bạn trong giới showbiz.

Ninh Dương Lan Ngọc cũng bắt tay làm series “Lại nhà Nọc chơi”, thực hiện theo dạng talkshow kết hợp gameshow nhỏ. “Tôi có thêm nhiều trải nghiệm như nấu ăn, trang điểm, thử những xu hướng mới và tâm tình, trải lòng nhiều hơn với khán giả”, Lan Ngọc chia sẻ.

Một trong những chương trình ồn ào thời gian qua là chương trình truyền hình thực tế “Quý ông hoàn mỹ” do Hương Giang làm nhà sản xuất kiêm huấn luyện viên, bên cạnh hai huấn luyện viên khác là Xuân Lan và Hà Anh.

Chương trình có 8 tập, được thực hiện hoành tráng và chuyên nghiệp với đội hình giám khảo, khách mời hùng hậu.

Ban đầu, chương trình chỉ được giới thiệu phát sóng trên kênh YouTube của Hương Giang, nhưng sau đó được phát trên nhiều nền tảng khác như VTVCab, Onsport+.

Dù có những hình thức khác nhau nhưng đa số, các chương trình hầu như thuộc dạng talkshow - dạng chương trình ít tốn kém về chi phí. Không ít series được nhãn hàng tài trợ, cũng có lịch phát sóng cố định hệt các chương trình truyền hình.

Cạnh tranh với show truyền hình

img

Chương trình "Lại nhà Nọc chơi/" của Ninh Dương Lan Ngọc

Điểm chung của các chương trình này là dù được thực hiện để phát trên YouTube nhưng chất lượng từ hình ảnh đến góc quay đều khá chỉn chu. Bối cảnh cũng được đầu tư thiết kế, tạo nên ấn tượng về thẩm mỹ và thị giác.

Theo nghệ sĩ Cát Tường, khi làm “Hẹn hò cùng Cát Tường”, chị cũng phải có đạo diễn, biên kịch, phải huy động quay bằng 4 máy nên chất lượng về hình ảnh không kém các chương trình truyền hình.

Việc sản xuất cũng mất thời gian, tốn kém không chỉ cho quay phim mà còn là tiền thuê bối cảnh ghi hình… Trung bình, mỗi tập tốn hàng chục triệu đồng, chưa kể cát-sê cho các nghệ sĩ khách mời.

Thực tế, việc làm chương trình chiếu trên mạng đã nhen nhóm cách đây 2-3 năm, nhưng thời điểm đó chủ yếu là show của các nhà sản xuất. Tuy nhiên giờ đây, số lượng ngày càng tăng bởi có sự gia nhập của các nghệ sĩ tự làm show riêng.

Mỗi nghệ sĩ khi làm chương trình đều có mục tiêu riêng. Có người muốn tăng sự tương tác, để khán giả hiểu rõ mình hơn như Cát Tường, Jun Phạm, cũng có người thấy cần phải nói lên những thực trạng trong cuộc sống theo hướng tích cực như Xuân Lan…

Tuy nhiên, dễ thấy việc sản xuất show riêng là một trong những cách để “nuôi” kênh YouTube, tăng lượt tương tác, từ đó mang tới hiệu quả kiếm tiền cho kênh.

Tiêu biểu, theo METUB Network, Trấn Thành sau khi làm phim “Hẻm cụt” và series “Lục cơm nguội” đã giúp kênh YouTube tăng trưởng gần 700% trong 1 tháng. Châu Bùi với loạt series hướng dẫn làm đẹp cũng giúp kênh tăng trưởng hơn 100%…

Ngoài ra, sản xuất chương trình trên YouTube có nhiều lợi thế. Nghệ sĩ có thể thoải mái hợp tác cùng nhà tài trợ, tự do quảng cáo bằng lời nói và hình ảnh mà không cần quá khéo léo như show truyền hình.

Nội dung cũng không lo bị kiểm duyệt chặt chẽ. Bởi thế, nghệ sĩ mạnh dạn hơn trong khai thác các câu chuyện cuộc sống, đời tư.

Nhưng theo ghi nhận của PV, dù là chương trình tự sản xuất, hầu hết nội dung phát sóng đều được các nghệ sĩ chọn lọc, ý thức không “giật tít câu view” quá đà để gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Siêu mẫu Xuân Lan làm talkshow “Chuyện ngại nói” cũng khẳng định, chị áp lực vì phải khai thác sâu đời tư của nhiều người nổi tiếng. Thế nhưng, Xuân Lan cố gắng “tiết chế, vừa vặn, tránh những trường hợp sa đà vào cảm xúc rồi dễ bị ném đá”.

Tuy các chương trình có chất lượng trên YouTube ngày càng phát triển, nhưng theo nghệ sĩ Cát Tường, điều này vẫn chưa đủ sức cạnh tranh với truyền hình.

Bởi hầu hết, show do nghệ sĩ tự thực hiện thường có tên gắn với tên nghệ sĩ nên nội dung và ý nghĩa mang chủ nghĩa cá nhân nhiều hơn, đưa đến khán giả phần nội dung cố định nào đó gắn với nghệ sĩ.

“Các chương trình, gameshow truyền hình mang xu hướng rộng và chung hơn. Do đó, đây không phải sự cạnh tranh mà làm đa dạng hơn các loại hình giải trí cho khán giả. Đài truyền hình ít khi làm về đời tư nghệ sĩ, nhưng các chương trình YouTube dễ khai thác chủ đề này hơn”, nữ nghệ sĩ cho hay.

Điều này tương đồng với nhận định của ông Bửu Điền - Chủ tịch Điền Quân Entertainment khi nói về khả năng cạnh tranh giữa show truyền hình với show chiếu mạng: “Tôi không để ý họ làm như thế nào nhưng chưa thấy có sự chuyển dịch nào đặc biệt. Nếu thực sự có sự cạnh tranh, đã thấy rõ rồi”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.